15:27 08/05/2023

Ngành thời trang “chạy đua ” với biến đổi khí hậu

Minh Nguyệt

Khi biến đổi khí hậu gây ra những đợt nắng nóng gay gắt hơn, con người đã có những sáng tạo và cải tiến trong sản xuất quần áo cũng như áp dụng những công nghệ vật liệu mới để tăng khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công nghệ sản xuất vải hiện đại đã tạo ra những loại quần áo với khả năng thay đổi màu sắc, chặn ánh sáng mặt trời, thu thập các dữ liệu y tế hay thậm chí là hiển thị những thông báo tùy chỉnh… Đặc biệt, những năm vừa qua, cụm từ “vải làm mát” đang dần trở nên quen thuộc đối với ngành thời trang, thôi thúc các hãng sản xuất quần áo, đặc biệt là quần áo thể thao, nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm mới giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, đem lại cảm giác thoáng mát ngay trong thời tiết bức bối và cường độ vận động cao.

DẤU ẤN CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT VẢI SỢI

Vải là một trong những vật liệu cần thiết nhất trong quá trình hình thành sản phẩm may mặc. Với sự phát triển đáng ngạc nhiên của công nghệ, trong tương lai gần, ngành công nghiệp thời trang sẽ đón chào sự góp mặt của rất nhiều chất liệu vải mới. Theo Vinatex, nhu cầu ở mức độ toàn cầu đối với thị trường sợi dệt được định giá 11,9 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến sẽ đạt 16 tỷ USD vào năm 2026 với tỷ kệ tăng trưởng kép hàng năm là 4,0% từ năm 2020 đến năm 2026. Trong đó, thị phần của xơ sợi có nguồn gốc tự nhiên nhưng được sản xuất nhờ công nghệ hiện đại đã tăng lên như một xu hướng tiêu dùng hướng tới tính tuần hoàn, khiến nó trở thành “xơ sợi của tương lai”.

Vào năm 2020, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford (Hoa Kỳ) và Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) đã thử thay đổi một vài mảnh lụa để làm cho nó phản xạ đến 95% ánh nắng mặt trời, bằng cách bổ sung các hạt nano oxit nhôm vào các sợi tơ vải. Đây là loại hạt nano có thể phản xạ các bước sóng cực tím, giữ cho da mát hơn khoảng 12,5°C so với quần áo bằng vải cotton. Trước đó một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Graphene Quốc gia của Đại học Manchester cũng đã tạo ra loại vải dệt thông minh để tạo sự thích ứng nhiệt bằng cách tận dụng bức xạ hồng ngoại của graphene (một dạng carbon). 

Bà Lorna Hall, chuyên gia của Công ty WGSN chuyên theo dõi và dự báo xu hướng tiêu dùng, cho biết quần áo được thiết kế để nâng cao khả năng chống chịu nắng nóng đang chuyển từ những sản phẩm vốn chỉ phù hợp cho một số nhóm đối tượng trở thành xu hướng phổ biến. Còn ông Evan Gold, Phó Chủ tịch điều hành của Planalytics thì đánh giá tác động của thời tiết đến nhu cầu của người tiêu dùng và cho biết, trong 5 năm qua, chỉ riêng những thay đổi về thời tiết đã làm tăng doanh số bán quần áo làm từ các loại vải có tác dụng chống nắng và làm mát lên 11,5%. 

Với sự phát triển đáng ngạc nhiên của công nghệ, trong tương lai gần, ngành công nghiệp thời trang sẽ đón chào sự góp mặt của rất nhiều chất liệu vải mới.
Với sự phát triển đáng ngạc nhiên của công nghệ, trong tương lai gần, ngành công nghiệp thời trang sẽ đón chào sự góp mặt của rất nhiều chất liệu vải mới.

Một trong những sản phẩm như vậy có giá cả phải chăng nhất là áo phông AIRism của Hãng Uniqlo (khoảng 15 USD/1 áo), trong đó một phiên bản được pha trộn giữa polyester và spandex, và một loại khác được dệt từ 71% cotton pha với 25% polyester và 4% spandex. Có giá nhỉnh hơn một chút là áo phông làm mát Cooling Temp-iQ của Dickies, pha trộn 50 - 50 giữa cotton và polyester đồng thời sử dụng một công nghệ tiên tiến được thiết kế để làm mát hoặc làm ấm dựa trên các tín hiệu của cơ thể.

Một dòng sản phẩm có tác dụng làm mát khác là chiếc áo CoolLife Tee do Công ty LifeLabs sản xuất từ polyethylene, một loại polymer tạo ra một cảm giác mát mẻ, không khác gì “đi chân trần trên sàn gạch”. Tương tự, một công ty ở Boston (Mỹ) đã tung ra thị trường áo Atlas Tee được thiết kế bằng cách sử dụng dệt kim vi tính, một công nghệ tương tự như in 3D giúp tạo ra khoảng trống bổ sung giữa các sợi vật liệu. Kết quả là chiếc áo có cảm giác dày dặn hơn một chút so với chiếc áo sơ mi tiêu chuẩn, như thể đang mặc một lớp đệm nhẹ, song vẫn mang lại cảm giác mát mẻ.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Maryland mới đây đã tạo ra một loại vải có thể tự động điều chỉnh lượng nhiệt truyền qua. Trong điều kiện môi trường ấm và ẩm như những vị trí trên cơ thể sắp đổ mồ hôi, vải cho phép bức xạ hồng ngoại (nhiệt) đi qua. Trong điều kiện mát và khô hơn, vải sẽ giảm lượng nhiệt thoát ra ngoài. Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science, phản ứng diễn ra gần như tức thì. Vì vậy, trước khi mọi người nhận ra rằng họ sắp bị nóng, thì quần áo có thể đã làm mát cơ thể họ.

Với nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng sản xuất vải sợi giá trị cao…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2023 phát hành ngày 8-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành thời trang “chạy đua ” với biến đổi khí hậu - Ảnh 1