11:44 02/11/2022

Hà Nội: 124 bãi tập kết cát, sỏi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí

Hoàng Xuân

Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội đã tái giám sát về tình hình công tác quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố đối với các sở, ngành, quận, huyện liên quan…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin tại buổi giám sát cho biết, trước đó, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Đô thị đã phối hợp các Ban HĐND TP. Hà Nội thực hiện khảo sát vào tháng 9, tháng 10/2020; và HĐND TP khoá XV cũng chất vấn tại kỳ họp thứ 18, nhiệm kỳ 2016-2021, nhưng tình hình quản lý lĩnh vực này ở các địa phương vẫn không cải thiện, khiến cử tri cùng nhân dân bức xúc.

Theo báo cáo, tính tới tháng 9/2022, thành phố có 201 bãi tập kết, trong đó 77 bãi có thủ tục hoạt động hoặc phù hợp tiêu chí, 124 bãi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí. Như vậy, số lượng các bến bãi chưa đủ thủ tục hoạt động còn rất lớn.

Hiện nay, UBND TP đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện thị xã xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố thuộc nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành quý 4/2023.

Ngoài ra, UBND TP cũng tiếp tục thực hiện các quy chế phối hợp với các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông. Công an TP tiếp tục triển khai Quy chế phối hợp (số 4409/QCPH ngày 11/11/2016) giữa Công an TP Hà Nội với Công an các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Nam về phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản…

Đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Đô thị đã nêu thực trạng vi phạm khai thác cát sỏi lòng sông vẫn xảy ra phức tạp; phối hợp giữa các sở ngành còn chưa hiệu quả; số lượng phương tiện đường thuỷ nội địa được cấp phép ít so với số lượng phương tiện hoạt động trên thực tế...  Vì vậy, đoàn giám sát đề nghị các quận, huyện và sở, ngành liên quan chỉ rõ những vướng mắc, nguyên nhân chậm xử lý vi phạm, chậm trong xây dựng quy hoạch khoáng sản...

Qua trao đổi, một số quận, huyện đều nhận định công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, trong khi chưa có nguồn vật liệu xây dựng thay thế; lợi nhuận từ hoạt động khai thác cát lớn. Do vậy, một số đối tượng lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh… để hoạt động khai thác cát trái phép lòng sông.

Theo đoàn giám sát, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số bất cập cần có giải pháp mạnh mẽ hơn. Đoàn giám sát đề nghị, trong công tác quy hoạch, các sở ngành liên quan phải rà soát, tham mưu UBND TP. Hà Nội xây dựng quy hoạch bến thuỷ nội địa và quy hoạch bến bãi vật liệu xây dựng. Các Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Giao thông Vận tải cần tiến hành đồng thời xây dựng hai quy hoạch này, rà soát, đánh giá kỹ trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các quận huyện.

Liên quan đến việc quản lý bến bãi trung chuyển vật liệu, Đoàn giám sát nhận định, khó khăn lớn nhất là công tác tổ chức, phải tập trung tháo gỡ các thủ tục về đất đai, do đó đề nghị các sở ngành rà soát, đánh giá các cơ sở để hoàn thiện thủ tục theo quy định pháp luật. Về quản lý bến bãi, bến thủy, kiến nghị UBND TP giao Sở Giao thông-Vận tải nghiên cứu, khảo sát xây dựng bến, địa điểm tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính, tạo điều kiện cho công tác xử lý vi phạm hành chính trong việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi.

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị tăng cường kiểm tra, rà soát, tổ chức giải tỏa đối với các bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông chưa đảm bảo điều kiện hoạt động; chủ động xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất với bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông…