18:14 22/11/2022

Hà Nội cấp tập làm hầm chui để "giải cứu" giao thông

Châu Anh

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký quyết định số 4563 ngày 19/11/2022 phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức), tổng mức đầu tư của dự án là hơn 2.384 tỷ đồng....

Các hầm chui tại Hà Nội góp phần giảm ùn tắc giao thông
Các hầm chui tại Hà Nội góp phần giảm ùn tắc giao thông

Dự án kể trên sẽ xây dựng nút giao gồm các nhánh kết hợp hầm trực thông. Trong đó, hầm chui được thiết kế theo hướng Lê Trọng Tấn đi Quốc lộ 32, tim tuyến trùng với đường Lê Trọng Tấn, bố trí 4 làn xe với tổng chiều dài 975m.

Đoạn đi dưới Đại lộ Thăng Long thiết kế hầm kín dài 150m; phía đường Lê Trọng Tấn thiết kế hầm hở dài 157,5m, tường chắn dài 220m; phía Quốc lộ 32 thiết kế hầm hở dài 157,5m, tường chắn dài 200m.

Phần còn lại là gờ chắn bánh; cầu nhánh dầm bản bê tông cốt thép dự ứng lực có chiều dài 2.357m/4 nhánh, bê rộng cầu 8,8m bố trí 2 làn xe cơ giới, tường chắn bê tông cốt thép có chiều dài tổng cộng 619m/8 vị trí sau mố…

Ngoài ra, dự án cũng gồm hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước trên cầu và hai đầu cầu. Phần đường trong phạm vi nút giao được xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, cây xanh, hào cáp kỹ thuật.

Tổng mức đầu tư xây dựng công trình hơn 2.384 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2026.

Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, nhằm mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông (hạ tầng khung) theo quy hoạch.

Đồng thời kết nối, khai thác hợp lý với kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng; phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, sản xuất và nhu cầu đi lại của nhân dân, giảm thiểu ùn tắc giao thông, góp phần đấy nhanh tốc độ hình thành các khu đô thị trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô nói chung và khu vực nói riêng.

Hà Nội hiện có 4 hầm chui đã chính thức đi vào sử dụng bao gồm hầm chui Kim Liên - Xã Đàn là hầm chui đầu tiên của Hà Nội, được khởi công từ năm 2006 với tổng mức đầu tư 467 tỷ đồng, đi vào hoạt động năm 2009.

Hầm chui thứ 2 được xây dựng tại nút giao Trung Hòa - vành đai 3, được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 1/2016, góp phần đáng kể trong việc giảm tình trạng ùn tắc giao thông.  

Hầm chui Trung Hòa được khởi công vào đầu năm 2015, chiều dài gần 700m, theo hướng Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng và ngược lại với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng Các phương tiện có thể di chuyển theo 2 hướng từ đường Trần Duy Hưng đi Đại lộ Thăng Long và ngược lại. 

Hầm chui Thanh Xuân, qua nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi có chiều dài 980m, được khởi công từ tháng 6/2014 với kinh phí hơn 500 tỷ đồng vốn ODA Nhật Bản.

Ngày 5/10, hầm chui Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) chính thức được thông xe. Công trình trọng điểm này có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Vành đai 3.

Ngày 16/10 vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội tổ chức lễ khởi công xây dựng hầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng. Dự án có tổng giá trị phê duyệt gần 780 tỷ đồng từ nguồn từ ngân sách thành phố Hà Nội. Đây là hầm chui thứ 5 của Hà Nội. Hiện dự án đã cơ bản giải phóng mặt bằng xong phía Đầm Hồng (Định Công).