Hà Nội: Chen lấn xét nghiệm Covid-19, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh
Hiện nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu người dân từ Hà Nội về các tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 2-3 ngày trước khi trở về địa phương, khiến lượng người đi xét nghiệm Covid-19 tăng lên đột biến...
Tại Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) sáng 21/7, hàng trăm người đã chen chúc xếp hàng trước cổng viện để chờ xét nghiệm Covid-19. Theo ghi nhận của phóng viên, lượng người tụ tập tại địa điểm này khá đông, không đảm bảo giãn cách 2m, có hiện tượng chen lấn, xô đẩy…
Chia sẻ của một số người dân đến làm xét nghiệm tại đây cho biết, họ hoàn toàn nhận thức được việc tâp trung đông sẽ gây nguy cơ lây nhiễm Covid-19, nhưng vì phải có giấy xét nghiệm mới vào được các tỉnh, thành phố khác nên phải chấp nhận.
Trước đó, UBND TP Hà Nội ban hành Công điện số 15/CĐ-CTUBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.
Theo đó, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…
Thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 05 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone khi ra ngoài. Khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà…
Sáng 20/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP đã chủ trì phiên họp trực tuyến lần thứ 120 với các quận, huyện, xã, phường. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, TP xác định áp dụng các biện pháp mạnh nhất gần với Chỉ thị 16 của Thủ tướng đề quyết tâm ngăn dịch.
Tuy nhiên, ở một số nơi việc thực hiện còn chưa nghiêm túc như cơ quan công sở làm việc trực tuyến, các chợ dân sinh, chợ đầu mối,... người dân ra đường ở một số trục đường, khu vực vẫn rất đông. Do đó, Hà Nội cần phải quyết liệt hơn và muốn quyết tâm, quyết liệt thì từ cơ sở phải có chung nhận thức mới thực hiện được.
Chủ tịch UBND TP cũng nhắc nhở: “Phải nhìn nhận rõ nguy cơ hiện nay rất cao. Chúng ta phải kiên định các phương châm cách làm thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Yêu cầu hiện nay cao nhất là thực hiện và thực sự đưa các nội dung của Công điện 15 thực sự vào cuộc sống. Cấp cơ sở phải vào cuộc kịp thời, kiểm tra thực hiện nghiêm các quy định chứ không để tình trạng chợ cóc, chợ tạm, đã cấm từ trước Công điện 15 nhưng vẫn còn một số nơi hoạt động.