11:53 22/11/2008

Hà Nội: Chủ đầu tư Keangnam Tower không vi phạm pháp luật

Anh Quân

Chiều 21/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố kết quả kiểm tra dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower

Phối cảnh chung của dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower.
Phối cảnh chung của dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower.
Chiều 21/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố kết quả kiểm tra dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower.

Bản báo cáo này kết luận: “Chủ đầu tư đã tuân thủ và thực hiện đúng các thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quản lý đầu tư và xây dựng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cam kết với thành phố”.

Về dư luận cho rằng chủ đầu tư dự án Keangnam bán nhà trên giấy, báo cáo khẳng định: “Đến thời điểm 30/6, chủ đầu tư đã hoàn việc góp đủ vốn điều lệ trước thời hạn quy định. Không có việc nhà đầu tư nước ngoài bán nhà trên giấy và huy động nguồn vốn trong nước mà không phải bỏ đồng vốn nào, không phải sử dụng nguồn vốn từ nước ngoài”.

Góp đủ vốn điều lệ trước thời hạn
 
Dự án Keangnam có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD do Keangnam Enterprises làm chủ đầu tư. Theo đại diện của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thịnh, trong quá trình triển khai, phía nhà đầu tư đã thực hiện theo đúng yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Theo cam kết về tiến độ góp vốn, đến quý 4/2008, nhà đầu tư phải góp 60 triệu USD và quý 4/2009 góp nốt 40 triệu USD. Thực tế, đến ngày 30/6/2008 Keangnam-Vina đã góp đủ 100 triệu USD vốn điều lệ, sớm hơn so với quy định khoảng 15 tháng.

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán ngày 9/7, số vốn Công ty Keangnam-Vina vay đến thời điểm 30/6 là 1.401 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn 950,5 tỷ đồng, phù hợp với xác nhận vốn vay của Ngân hàng Woori Bank - Chi nhánh Hà Nội là 57,19 triệu USD.

Tính, tới 30/6/2008, tổng vốn Công ty Keangnam-Vina đã huy động từ vốn điều lệ và vốn vay dành cho dự án là hơn 157 triệu USD, trong đó không có vốn huy động từ tiền đặt cọc mua căn hộ của khách hàng.

Báo cáo đến ngày 31/10 của Keangnam-Vina cho biết nhà đầu tư đã chuyển vào tài khoản Công ty gần 174,83 triệu USD, trong đó vốn góp là 101,3 triệu USD, vốn vay là 73,53 triệu USD (có xác nhận của Woori Bank - Chi nhánh Hà Nội).

Hiện nhà đầu tư đã nộp hồ sơ xin chuyển sang cho Công ty Keangnam Investment (một công ty con 100% vốn sở hữu thuộc Keangnam Enterprise) và xin tăng vốn đầu tư lên 800 triệu USD, tăng vốn điều lệ lên 120 triệu USD do thay đổi quy mô công trình và trượt giá.

Nhà đầu tư bán nhà phù hợp quy định pháp luật
 
Theo báo cáo, đối với tiến độ thi công qua kiểm tra và đối chiếu với biên bản nghiệm thu công trình, đến thời điểm 5/8/2008, toàn bộ hệ thống cọc móng cả 3 tòa nhà đã hoàn thành.

Từ ngày 11/9/2008 đến 22/10/2008, các toà tháp căn hộ đã thi công xong bê tông đài cọc, cốt thép cột tầng hầm 2, bê tông lót móng và bê tông hố PTT. Toà nhà khách sạn đang được thi công đai giằng móng.

Chi phí cho dự án, bao gồm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, hoàn trả chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chi phí đầu tư xây dựng, tổng số tiền Công ty Keangnam-Vina chi phí cho dự án đến ngày 30/6 là 1.828,37 tỷ đồng (chưa kể phần nộp ủng hộ thành phố 2 triệu USD). Tổng chi phí đầu tư, xây dựng tương đương 116 triệu USD, ứng với 23,2% tổng mức đầu tư của dự án.
 
Về việc bán nhà và huy động vốn của chủ đầu tư như dư luận đã nêu, ông Thịnh cho biết, qua kiểm tra hồ sơ bán nhà và biên bản nghiệm thu công trình, hợp đồng mua bán nhà được ký từ ngày 5/8/2008. Tại thời điểm này, toàn bộ hệ thống cọc móng công trình đã hoàn thành.

Báo cáo kết luận việc huy động vốn từ phương thức bán căn hộ của chủ đầu tư là phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Báo cáo cũng cho biết, kể từ ngày 5/8, khi chủ đầu tư bắt đầu ký kết hợp đồng bán nhà đến nay, phía Keangnam đã ký được 320 hợp đồng trên tổng số 918 căn hộ và số tiền huy động là 20% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng. Tổng số tiền thu từ khoản này khoảng 28 triệu USD.
 
Đăng ký công trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là tự nguyện
 
Theo đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc đăng ký vào danh mục công trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là nguyện vọng và sự tự nguyện của nhà đầu tư muốn tham gia với thành phố, chứ không có sự bắt buộc.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, ngập úng trong thời gian vừa qua nhưng phía nhà đầu tư vấn tiếp tục cam kết sẽ hoàn thành phần thô 2 khối nhà 48 tầng và khối nhà 70 tầng, phần tiểu cảnh và sân vườn vào tháng 10/2010 để kỉ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Báo cáo của thành phố cũng cho biết, theo đánh giá của cơ quan quản lý xây dựng cũng như ý kiến của một số chuyên gia xây dựng thì “nếu chủ đầu tư tích cực tập trung nhân lực, thiết bị, bố trí đủ vốn, ứng dụng công nghệ mới và giải pháp thi công tốt cùng trình độ quản lý tiên tiến; không xảy ra trở ngại bất khả kháng như thiên tai nặng nề, kéo dài thì khả năng đáp ứng đúng tiến độ cam kết của chủ đầu tư là có cơ sở”.