01:28 18/11/2008

Đại diện Keangnam nói gì về vụ “đặt cược” 100 tỷ đồng?

Anh Quân

Ghi nhận từ cuộc gặp giữa lãnh đạo Keangnam - Vina và báo giới nhân vụ "đặt cược" 100 tỷ đồng cho dự án Hanoi Landmark Tower

Tòa tháp 48 tầng tại dự án Keangnam đã hoàn thành phần móng, hiện thi công tiếp tầng hầm - Ảnh: Hoàng Hà.
Tòa tháp 48 tầng tại dự án Keangnam đã hoàn thành phần móng, hiện thi công tiếp tầng hầm - Ảnh: Hoàng Hà.
Quanh câu chuyện báo Cựu chiến binh đăng bài viết của một nhóm độc giả đưa ra lời thách đố Công ty Keangnam - Vina ký cam kết tiến độ thi công dự án tòa tháp Hanoi Landmark Tower, với mức thưởng, phạt cho hai bên là 100 tỷ đồng, không phải không xuất hiện những ý kiến cho rằng đây chỉ là một vụ scandal nhằm đánh bóng thương hiệu.

Ở góc độ pháp lý, cũng có ý kiến cho rằng đây có thể coi là một hình thức đánh bạc nếu hai bên thỏa thuận đặt cược với tiến độ, và điều này là vi phạm pháp luật.

Chiều 17/11, đại diện của Công ty Keangnam, các ông Ha Jong Suk (Chủ tịch), Kang Min Jae (Tổng giám đốc), và ông Oh Chun Sik (Giám đốc phụ trách kết cấu và kỹ thuật) đã có buổi trả lời với giới báo chí.

Có dư luận cho rằng Keangnam dựa vào việc này PR thương hiệu của mình. Điều này có đúng không?

Trong dịp khủng hoảng tài chính này và tình hình thị trường bất động sản như thế này thì có đánh bóng (thương hiệu - PV) cũng không bán được hàng. Vậy Keangnam không phải đánh bóng hình ảnh trong lúc này.

Tên tuổi Keangnam đã gắn liền với dự án tòa tháp 70 tầng từ khi dự án hình thành và tập đoàn đã có tên tuổi từ khi vào Việt Nam để xin giấy phép xây dựng dự án. Người Việt Nam có câu hữu xạ tự nhiên hương. Với những điều Keangnam đang làm và đương nhiên phải làm thì chắc chắn sẽ được mọi người đánh giá cao.

Các ban ngành của Hà Nội cũng đánh giá rất cao những gì Keangnam đã làm. Chúng tôi thi công 24/24 giờ từ khi khởi công đến nay. Chưa có công trình nào làm được điều này.

"Chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức"

Keangnam đã biết ai là tác giả bức thư chưa, thưa các ông?

Hôm nay chúng tôi đã gửi công văn đến báo Cựu chiến binh đề nghị cho biết tên người đứng ra ký kết, tài sản thực hiện cam kết, tổ chức nào đứng ra làm chứng, ý kiến cơ quan chủ quản và hợp đồng gửi trước 10 giờ sáng mai (18/11).

Vậy bên báo Cựu chiến binh hay những người đề nghị Keangnam tham gia cam kết đã có gặp gỡ hay liên lạc gì với các ông chưa?

Chưa có một lần đến văn phòng Keangnam. Tất cả các bài trên Báo Cựu chiến binh cũng chỉ đề một số nhà văn nhà báo Hà Nội, thế thôi.

Đến lúc này, Keangnam đã nhận được đề nghị đến trụ sở Báo Cựu chiến binh tại 34 Lý Nam Đế vào chiều ngày mai, 18/11, để ký vào cam kết chưa?

Chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin chính thức về cuộc gặp ngày mai.

Tức là có khả năng Keangnam sẽ không có mặt vào ngày mai?

Chắc chắn sẽ có mặt, nếu ngày mai chúng tôi nhận được giấy mời.

Nếu phía kia đề nghị đặt tiền chứ không phải căn hộ thì sao?

Vốn đầu từ vào công trình này không phải nhỏ và Keangnam cũng đang huy động vốn từ bên kia về nên không thể đưa tiền mặt cho mục đích mà chúng tôi không khơi mào. Chúng tôi tham gia vì tự trọng và tự tin của nhà đầu tư chứ không phải vì ai thắng, ai thua, ai được, ai mất 100 tỷ đồng kia.

Bên kia cũng chưa đưa ra lời đề nghị là phải tham gia bằng tiền mặt nên chúng tôi chưa xem xét đến khả năng đó. Nếu có yêu cầu thì lúc đó Keangnam sẽ tiếp tục xem xét.

Trường hợp nếu phía bên kia rút lại, không tham gia cam kết nữa thì Keangnam thấy sao? Các ông có yêu cầu phía báo Cựu chiến binh cải chính gì không?

Keangnam chỉ mong họ đến đây, xem cụ thể tại công trường, xem cụ thể chứng từ, những gì Keangnam làm và có một lời nói khách quan đúng với những gì chúng tôi đang làm.

Chúng tôi cũng không đòi hỏi gì, chỉ cần họ nói đúng những gì họ thấy.

"Sẽ đảm bảo cả tiến độ và chất lượng"

Công trình đang chậm tiến độ 2 tháng. Vậy Keangnam có công nghệ gì để thực hiện cam kết về tiến độ?

Chậm 2 tháng là so với tiến độ công ty đề ra, nhưng so với cả công trình là không chậm.

Với mốc thời gian đến tháng 10/2010 hoàn thành phần thô, về mặt kỹ thuật thì Keangnam hoàn toàn có thể làm được. Từ lúc khởi công đến giờ, Keangnam đều thi công 24/24 giờ. Nếu chỉ làm 8 giờ mỗi ngày thì có thể không đạt đúng tiến độ theo cam kết.

Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng một số hệ thống công nghệ với lượng nhân công ít và thời gian rút ngắn, như hệ thống trạm trộn bê tông rất lớn ngay tại công trường, hệ thống máy bơm bê tông đẩy được độ cao lên trên 300 m... Chúng tôi hoàn toàn có thể theo tiến độ như cam kết.

Với công nghệ đang thi công hiện nay thì thi công một tầng thì mất bao nhiêu ngày?

Tính từ tầng 6 trở lên, theo tiêu chuẩn thi công của Keangnam thì chỉ mất 3-4 ngày/tầng, nhưng dự trù thời tiết và các diễn biến bất thường khác thì tính là 6 ngày/tầng.

Keangnam đã từng hoàn thành nhiều công trình với tiến độ như vậy. Ở Hàn Quốc, Keangnam thi công 1 tầng trong khoảng 4 ngày.

Với câu hỏi công trình này có thi công trong thời gian gấp quá hay không thì chúng tôi cho là rất bình thường.

Chất lượng công trình cũng được coi là một tiêu chí của cam kết. Keangnam có thể cung cấp thông tin về công trình có thể chịu được động đất cấp mấy, sức gió như thế nào?

Công trình có kết cấu tương tự tòa tháp đôi Petronas tại Malaysia, căn cứ theo đúng tiêu chuẩn của khu vực.

Theo như thiết kế thì tòa nhà chịu được sức gió 39m/giây, động đất thì chịu được cấp Zone 2A (tương đương 6 độ Richter - PV).

Hơn nữa Keangnam hoàn thành công trình cũng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng vì còn có các cơ quan giám sát khác kiểm tra.

Nếu có chuyện ký cam kết, Keangnam có phải huy động thêm lực lượng, hay tăng cường thêm máy móc, thiết bị...

Chúng tôi vẫn thi công bình thường, làm 24/24 giờ. Lực lượng đã chuẩn bị sẵn, theo kế hoạch từ trước. Không cam kết với bên báo Cựu chiến binh thì cũng đã cam kết với thành phố Hà Nội rồi.

Nhưng có một số công trình đã xin rút khỏi danh sách các công trình kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long rồi...

Đúng là có nhiều công trình cả trong nước và ngoài nước. Nhưng Keangnam sẽ không rút, 100% không rút.

Keangnam có vẻ tự tin về phần thắng dành cho mình?

Trên thế giới, đây cũng là trường hợp đầu tiên mà Keangnam chứng kiến.

Nếu Keangnam không tự tin vào việc hoàn thành theo tiến độ thì không có lý gì chúng tôi bỏ vốn vào dự án này cả.

Dù không chịu sức ép nào nhưng Keangnam vẫn tự đề xuất và nhận với thành phố Hà Nội là dùng công trình này để làm món quà mừng đại lễ 1000 năm.

"Không thể coi là cờ bạc"

Về sự việc “đánh cược” 100 tỷ đồng cho tiến độ toà nhà, cũng đã có ý kiến cho rằng là một hình thức đánh bạc. Ông nghĩ sao về điều này?

Chúng tôi cũng như phía báo Cựu chiến binh không dùng đến từ "đánh cược" như nhiều tờ báo đề cập, mà đây là một bản cam kết về tiến độ thi công công trình. Bản cam kết có thưởng, có phạt.

Bên báo Cựu chiến binh muốn thưởng cho nhà đầu tư nếu thực hiện đúng cam kết, họ cũng yêu cầu nhà đầu tư phải có trách nhiệm với những gì mình cam kết, và phải nộp ra một khoản để chứng minh mình sẽ làm được điều mình cam kết.

Hai cái thưởng phạt này nằm trong một hợp đồng kinh tế, giữa một bên là thưởng và một bên là phạt. Nó cũng giống như việc anh dũng cảm bắt cướp, có người thăm anh và tặng anh quà.

Chúng ta không nên nêu đây như vấn đề cờ bạc hay cá độ, mà là một bên nêu ra điều kiện và yêu cầu thực hiện, và họ muốn tạo động lực cho bên kia thì nêu khoản thưởng. Bên kia, nếu không làm được thì phải chịu phạt.

Keangnam vì lòng tự trọng và cầu tiến, bị xúc phạm với bài báo đã đăng, nên buộc lòng phải đưa ra cam kết để thực hiện hợp đồng theo đúng tiến độ.

Nhưng nếu là đề nghị của UBND thành phố Hà Nội hay Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long - Hà Nội lại khác, đây là một bên thứ ba, không liên quan gì đến quyền lợi của dự án...

Hiện tại Keangnam chưa dùng đến luật sư để làm rõ về vấn đề này, còn đang chờ phía báo Cựu chiến binh trả lời.

Chúng tôi cũng bất ngờ về đề nghị trên báo Cựu chiến binh. Những người đưa ra đề nghị có thể không đại diện cho những người mua nhà, cũng không đại diện cho chủ đầu tư hay thành phố. Keangnam có thể hiểu họ là những người yêu nước. Đứng trên tinh thần ấy thì họ có thể đưa ra yêu cầu vì tổ quốc.

Không thể coi đây là cá cược được mà chỉ có thể là cam kết thưởng và phạt. Tuy rằng lời lẽ có phần hơi xúc phạm đến Keangnam, những lời lẽ không đúng sự thật khiến Keangnam bị tổn thương như không kịp được ngày đại lễ, hay yêu cầu Keangnam phải xin lỗi.

Chỉ có người làm sai mới phải xin lỗi.

Thế Keangnam đã tham khảo ý kiến các luật sư chưa?

Bên báo Cựu chiến binh phải tham khảo chứ không phải chúng tôi. Keangnam chỉ đồng ý tham gia bản cam kết chứ không nghĩ rằng đây là một trò chơi, một trò đánh bạc. Chúng tôi làm đúng cam kết, đúng lời hứa của chúng tôi với Việt Nam.

Keangnam - Vina đã có báo cáo tập đoàn mẹ?

Chúng tôi đã báo cáo tập đoàn, và tập đoàn cũng ký quyết định đồng ý.

Keangnam có thông báo vấn đề với UBND thành phố Hà Nội không?

Chúng tôi có gửi văn bản lên thành phố Hà Nội nói là chúng tôi sẽ cam kết hoàn thành công trình đúng như thế. Điều này động chạm đến hình ảnh của doanh nghiệp Hàn Quốc, động chạm đến môi trường đầu tư, nên cực chẳng đã mới phải đồng ý ký cam kết.

Vì công văn mới gửi ngày hôm nay (17/11) nên phía thành phố chưa có trả lời gì cả.

Cá nhân ông có muốn việc ký kết diễn ra không?

Keangnam có trên 50 năm kinh nghiệm, không chỉ xây dựng tại Hàn Quốc mà ở nhiều nơi trên thế giới. Công ty vào một nước để đầu tư công trình đầu tiên mà nhận được lời đề nghị như vậy, có những lời lẽ làm tổn thương nhà đầu tư và những người công nhân thi công công trình, vì vậy ký cam kết là thể hiện tự tin để làm.

* Theo một nguồn tin không chính thức, được biết sau khi nhận được lời đề nghị, Keangnam đã họp tư vấn và tính toán có thể hoàn thành công trình trước thời hạn 260 ngày.

Một số nhà báo trong buổi gặp chiều 17/11 cho biết phía báo Cựu chiến binh tiết lộ thông tin đã có danh sách những người tham gia “thách cược”, trong đó có nhiều đại gia về bất động sản.

Theo thông tin chúng tôi nhận được, Ngân hàng Woori - Chi nhánh Hà Nội mới đây đã xác nhận khoản vốn đầu tư và vốn vay Công ty Keangnam - Vina đã nhận từ tài khoản DDA920.047.046 đến 22/9/2008 là gần 174,83 triệu USD.

Dự án Hanoi Landmark Tower của Tập đoàn Keangnam khởi công vào tháng 8/2007, với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD, lớn nhất Hà Nội tại thời điểm đó. Tổ hợp này gồm căn hộ cao cấp, khách sạn, khu dịch vụ và văn phòng với 2 tòa tháp 48 tầng (gồm 918 căn hộ) và một tháp 70 tầng. Sau khi hoàn thành, dự kiến Hanoi Landmark Tower sẽ là tòa nhà cao thứ 17 trên thế giới.