11:34 20/08/2023

Hà Nội kiến nghị có chính sách về quỹ đất cho giáo dục

Đỗ Như

Là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước với gần 2,2 triệu học sinh, tỉ lệ tăng dân số cơ học nhanh, Hà Nội đề nghị với Chính phủ những chính sách về quỹ đất dành cho giáo dục và nới mở những quy định về số tầng, số lớp trên đơn vị đất, đơn vị trường được thực hiện...

Các đại biểu dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - Vũ Thu Hà, chia sẻ năm học 2022-2023 được xem là một năm ngành giáo dục Thủ đô đạt được kết quả cao ở nhiều phương diện.

Tuy nhiên, là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước với gần 2,2 triệu học sinh, tỉ lệ tăng dân số cơ học nhanh, Hà Nội đề nghị với Chính phủ những chính sách về quỹ đất dành cho giáo dục, nới mở những quy định về số tầng, số lớp trên đơn vị đất, đơn vị trường được thực hiện, xây dựng để tháo gỡ những bất cập thời gian qua.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết  xác định giáo dục là quốc sách và cần đầu tư, phát triển, ngay đầu nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã triển khai hiệu quả những nghị quyết, đề án, chính sách của trung ương, địa phương về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Mạng lưới, quy mô lớp học tiếp tục được rà soát, sắp xếp hợp lý, thu các điểm lớp lẻ về điểm trường chính. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ngày càng tăng lên.

Đối với giáo dục phổ thông, tỉnh Yên Bái đã triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo đúng lộ trình. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương, tỉnh Yên Bái đã triển khai các giải pháp như giáo viên biệt phái, giáo viên dạy liên tỉnh, thu hút tuyển dụng đối với các giáo viên trẻ, tổ chức đào tạo cử tuyển ngành sư phạm.

Đối với giáo dục đại học, tỉnh Yên Bái thực hiện sát nhập các trường, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhằm phát triển nguồn nhân lực vùng. Với 100% các cơ sở giáo dục thực hiện chuyển đổi số, ngành giáo dục là đơn vị đi đầu về chuyển đổi số tại tỉnh Yên Bái.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngành giáo dục Yên Bái cũng đứng trước những thách thức trong việc tuyển dụng giáo viên, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ vùng sâu, vùng xa; chính sách đặc thù cho học sinh miền núi; in ấn, phát hành tài liệu địa phương cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Với số học sinh dân tộc thiểu số chiếm 58,4% tổng số học sinh toàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - Y Ngọc thông tin, năm học vừa qua, công tác đổi mới, quản lý đối với các đơn vị liên quan đến ngành giáo dục của địa phương được nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội. Năm học vừa qua, tỉnh Kon Tum thực hiện kiên cố hóa đối với 312 phòng học, giảm 29% số phòng học tạm trên địa bàn.

Đề cập đến những khó khăn của ngành giáo dục tỉnh Kon Tum, bà Y Ngọc cho hay hầu hết giáo viên vùng sâu, vùng xa đều thiệt thòi về nhà ở. Việc duy trì học sinh vùng dân tộc thiểu số đến trường còn nhiều khó khăn, đặc biệt là học sinh cấp trung học cơ sở.

Bên cạnh đó, những chính sách về hỗ trợ học phí cho học sinh, chính sách đặc thù cho giáo viên, tuyển dụng giáo viên còn nhiều bất cập.

Theo báo cáo, năm học 2022 - 2023, cả nước có 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông (giảm 119 cơ sở giáo dục phổ thông so với năm học 2021 - 2022), với 1.976.744 học sinh (tăng 499.960 học sinh so với năm học 2021 - 2022).

Tỷ lệ lớp/trường các cấp học lần lượt là 19,59 đối với cấp Tiểu học (tăng 0,71 so với năm học 2021 -2022); 14,19 đối với cấp THCS (tăng 0,15 so với năm học 2021 - 2022) và 24,18 đối với cấp THPT (tăng 0,43 so với năm học 2021 - 2022).

Tỷ lệ học sinh/ lớp các cấp học lần lượt là 32,1 đối với cấp Tiểu học (tăng 0,17 so với năm học 2021 -2022); 37,71 đối với cấp THCS (tăng 0,42 so với năm học 2021 - 2022) và 40,27 đối với cấp THPT (tăng 0,37 so với năm học 2021 - 2022).

Các địa phương đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn, vì thế mặc dù số học sinh tăng nhưng các địa phương đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình, đảm bảo số lượng học sinh/lớp theo đúng quy định.

Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm với với chủ đề năm học là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.