14:45 24/08/2023

Hà Nội: Nguồn cung căn hộ mới phía Tây và phía Đông sẽ chiếm 40% thị phần

Thanh Xuân

Thời gian tới, nguồn cung mới tại khu vực phía Tây và phía Đông Hà Nội sẽ chiếm 40% thị phần căn hộ. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện, cơ cấu cũng đa dạng hơn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Hà Nội được định hướng phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm: khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái và thị trấn. Cùng với bức tranh quy hoạch thì từ đó đến nay, thị trường bất động sản Hà Nội cũng ghi nhận những thay đổi về sản phẩm, lẫn quy mô thị trường. Nổi bật là sự phát triển mạnh mẽ tại hai cực phía Tây và phía Đông Thủ đô, với các đại đô thị quy hoạch bài bản, hệ thống dịch vụ, hạ tầng phát triển đồng bộ. 

Theo Savill, phía Tây Hà Nội có chuyển động sớm nên bức tranh đô thị hiện hữu khá rõ rệt. Mặt khác việc nhiều bộ ngành và doanh nghiệp dịch chuyển về đây đã tạo thành địa điểm tập trung của hàng nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài nước. Từ đó hình thành nên làn sóng chuyển dịch đến để an cư. Đặc biệt ở khu vực phía Tây còn có sự phát triển của tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương, Vành đai 2, Vành đai 3 và dự kiến là Vành đai 3,5, Vành đai 4 hay đại lộ Thăng Long, kèm các dự án đường sắt đô thị số 2A, số 3, càng tạo động lực cho việc phát triển dự án bất động sản. 

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, cho rằng khu vực phía Tây nếu tính riêng các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, thì luôn dẫn đầu thị trường về thị phần nguồn cung với 30% từ năm 2011 đến nay, và thời gian tới, khu vực này vẫn sẽ là tâm điểm phát triển của Hà Nội.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng đã mở thêm hướng phát triển về phía Đông Hà Nội. Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội dự kiến xây dựng thêm 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng. Thêm nữa là sự hoàn thiện của các dự án hạ tầng đường Vành đai 2 kéo dài, cùng quy hoạch đường Vành đai 4 sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến địa phương khác, thì càng tăng thêm hấp lực của phía Đông với địa phương lân cận.

Bên cạnh đó, quy hoạch nội đô lịch sử đưa ra vào năm 2021 cũng xác định mục tiêu cần giảm khoảng 215.000 dân trong giai đoạn 2020-2030, nên bà Hằng đánh giá, các dự án nhà ở khu vực này chắc chắn được hưởng lợi từ việc di dân của khu vực nội đô lịch sử.

"Thời gian tới, nguồn cung mới khu vực phía Tây và phía Đông sẽ chiếm 40% thị phần cho căn hộ, đối với hạng mục thấp tầng thì tỷ trọng không lớn do quỹ đất hạn chế. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm bất động sản ngày càng cải thiện. Đối với dự án căn hộ, tiện ích nội khu sẽ được chú trọng. Cơ cấu sản phẩm cũng đa dạng hơn" bà Hằng nhận định.