13:19 17/12/2021

Hà Nội: Những chung cư cũ đã hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết sẽ khởi công trong quý 3/2023

Thanh Xuân

Trong đợt 1, những chung cư đã hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xong trong quý 4/2022 có thể tìm nhà đầu tư để thực hiện dự án, chuẩn bị đầu tư trong quý 1/2023 và khởi công ngay từ quý 3/2023...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 23/9/2021. 

Đề án đã xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, thành phố sẽ ban hành 3 kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, gồm: Kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ; kế hoạch lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ, đề án quy gom tái định cư chung cư cũ; kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. 

Tùy tình hình thực tế, thành phố sẽ điều chỉnh tiến độ, danh mục phát sinh, bảo đảm tính linh hoạt, khả thi và đồng bộ với các kế hoạch có liên quan. Dự kiến việc triển khai chia thành 4 đợt gồm:

Đợt 1, lựa chọn cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025, gồm: 6 khu có tính khả thi gồm: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, khu nhà chung cư Bộ Tư pháp, phố Phan Kế Bính. 

Đồng thời, thành phố cũng rà soát bổ sung các khu, nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng phát sinh trong quá trình kiểm định trên địa bàn; xem xét triển khai đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Đối với chung cư cũ đã hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết dự kiến xong trong quý IV/2022 thì có thể lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, chuẩn bị đầu tư trong quý I/2023 và khởi công trong quý II/2023.

Đợt 2, đợt 3, đợt 4 sẽ triển khai các chung cư cũ còn lại song song theo kế hoạch trong những năm tiếp theo; khu, nhóm, nhà chung cư nào hoàn thành kiểm định, quy hoạch và đủ điều kiện triển khai thì ưu tiên thực hiện trước.

Tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954; đang tiếp tục rà soát, dự kiến bổ sung thêm khoảng từ 200-300 nhà.

Đáng chú ý, qua kiểm định 401 chung cư cũ có dấu hiệu nguy hiểm, có 148 chung cư cấp độ B; 245 chung cư cấp độ C. Đáng nói, có 8 nhà chung cư cấp độ D nhưng đến nay chỉ có 2 nhà được hoàn thành cải tạo, xây dựng lại là C1 Thành Công và B6 Giảng Võ.

Thực tế khảo sát cho thấy qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng. Việc sửa chữa cơi nới dẫn đến biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.

Hạ tầng của nhiều khu không đáp ứng được yêu cầu sử dụng. Đặc biệt, trong dịch Covid-19 vừa qua, việc sử dụng chung công trình phụ trợ không đủ điều kiện tại nhà chung cư cũ là nguyên nhân dẫn tới việc lây nhiễm dịch bệnh cao trong cộng đồng.

Đến nay, Hà Nội mới có 19 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ và 14 dự án đang triển khai.

Để khắc phục tình trạng chậm trễ này, UBND thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội,” tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng, góp ý, kiến nghị nhiều nội dung, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đến nay, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực để triển khai cải tạo, xây dựng lại hệ thống chung cư cũ.