20:17 04/07/2024

Hà Nội rà soát chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Hà Lê

Về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội, HĐND thành phố đã yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, xây dựng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm, khuyến khích doanh nghiệp tham gia nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động…

Kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố Hà Nội.
Kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố Hà Nội.

Ngày 4/7, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ mười bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đối với nhóm vấn đề công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất triển khai, thực hiện theo hướng rõ trách nhiệm, xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp và lộ trình khắc phục, giải quyết hiệu quả, sớm có kế hoạch khắc phục các hạn chế và tháo gỡ các vướng mắc đã nêu tại báo cáo;

Rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để cập nhật vào Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (thực hiện theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045);

Tiếp tục rà soát xây dựng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; chủ động rà soát và chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các cơ chế chính sách theo quy định của Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7...

VƯỢT CHỈ TIÊU VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ TẠO VIỆC LÀM

Trước đó chiều ngày 3/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội, báo cáo kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn TP từ năm 2020 đến nay, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, khẳng định công tác tuyên tuyền các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Thành phố được triển khai mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Công tác tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn được thực hiện chủ động, góp phần triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương đã ban hành.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đã báo cáo kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố từ năm 2020 đến nay.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đã báo cáo kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố từ năm 2020 đến nay.

Kết quả tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020 - 2023 vượt 6,14% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm, đạt từ 70,25% năm 2020 lên 73,23% năm 2023 (tăng 2,98%). Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 48,5% năm 2020 lên 52,5% năm 2023 (tăng 4,0%); So sánh với tỷ lệ % của cả nước cho thấy: đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố cao hơn 5,23 điểm % và tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ cao hơn 25 điểm % mức chung của cả nước.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, “Chỉ số đào tạo lao động” của Thành phố trong bộ chỉ số PCI được các doanh nghiệp đánh giá cao: Giai đoạn 2020 - 2023, thành phố Hà Nội có 02 lần đứng thứ Nhất (năm 2021 và năm 2023).

Về công tác giải quyết việc làm, giai đoạn 2020-202 và 6 tháng đầu năm 2024: Toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 902.431 người (tăng 23% so với giai đoạn 2016 - 2019). Trong đó giải quyết việc làm cho 229.489 người từ việc xét duyệt cho vay vốn từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội với số tiền 8.950 tỷ đồng; đưa 15.600 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; Thực hiện đào tạo nghề cho 2.794 lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, với tổng kinh phí thực hiện là 7,1 tỷ đồng.

Đến năm 2023, số lao động được giải quyết việc làm của Hà Nội chiếm khoảng 31% so với cả nước; Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của Thành phố còn 2,01% (thấp hơn 0,27 điểm % so với cả nước). Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn 2,97 %, tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn 1,01%.

TIẾP TỤC RÀ SOÁT NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHỆP

Bên cạnh kết quat đạt được thì cũng có một số hạn chế, khó khăn. Đó là tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề.

Trong khi đó, Thủ đô là nơi tập trung nhiều trường đại học, các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy, các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học.

Các đại biểu tại Phiên họp.
Các đại biểu tại Phiên họp.

Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho người lao động tìm được việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động bị khuyết tật...

Hoạt động xác định và dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp cũng như hoạt động đánh giá nguồn cung nhân lực và dự báo nhu cầu việc làm của người lao động trên thị trường lao động còn hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng. Các sản phẩm dự báo thị trường lao động còn ít, đôi khi chưa kịp thời.

Về giải pháp đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà cho biết đối với công tác đào tạo nghề, tiếp tục rà soát nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các Kế hoạch, Chương trình, Đề án về phát triển nguồn nhân lực Thủ đô của Thành phố và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 sau khi được ban hành.

Cùng đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các văn bản chỉ đạo của Thành phố về phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng tin, bài, chuyên mục trên báo chí; tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở của các quận, huyện, thị xã.

Bên cạnh đó, tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cùng đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để chủ động tham mưu với HĐND, UBND Thành phố ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đặc thù của Thủ đô…

TIẾP TỤC ĐẦU TƯ CHO CÁC CHƯƠNG TRÌNH, GIÁO ÁN, ĐẶC BIỆT LÀ NGÀNH NGHỀ LIÊN QUAN ĐẾN AI

Tại phiên họp, trả lời các vấn đề liên quan đến tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đến dạy nghề; một số ngành nghề mới như: live streamer, tiktoker, youtuber... có được đưa vào giáo trình giảng dạy, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết về giải pháp tổng thể, thời gian tới, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là chất lượng các trường công lập trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thành phố xác định tiếp tục đầu tư cho các chương trình, giáo trình, giáo án, đặc biệt là các ngành nghề mới, ngành nghề liên quan đến AI và các lĩnh vực liên quan đến xu hướng phát triển ngành nghề hiện nay.

Năm 2022, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành danh mục 78 nghề đào tạo dưới 3 tháng. Để đảm bảo danh mục này gắn với  thực tiễn của thị trường, năm 2023, Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát, tham mưu UBND thành phố điều chỉnh.

Qua rà soát cho thấy, còn 77 nghề, trong đó có rút và bổ sung 15 nghề mới. Đáng chú ý, trong danh mục 77 nghề có cả nghề mới như đại biểu đề cập là bán hàng live streamer hay giúp việc gia đình. Về cơ cấu, trong 77 nghề thì có 24 nghề là nông nghiệp và  53 nghề là phi nông nghiệp.

Kết thúc phiên chất vấn, HĐND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND thành phố, các cấp, ngành tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các đại biểu, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, khẩn trương chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm, lộ trình, tiến độ khắc phục các tồn tại, hạn chế; thực hiện nghiêm túc các cam kết, lời hứa, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân.