16:04 24/05/2023

Hà Nội tăng thanh tra, xử phạt doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm

Phúc Minh

Trong 4 tháng đầu năm, Hà Nội đã thực hiện hơn 1.300 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện chính sách bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn; kiến nghị xử phạt việc chậm đóng với 9 đơn vị, doanh nghiệp hơn 1,17 tỷ đồng…

Hà Nội tăng cường thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm. Ảnh - Thu Hiền.
Hà Nội tăng cường thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm. Ảnh - Thu Hiền.

Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn vẫn chưa giảm.

NỖ LỰC GIẢM NỢ ĐỌNG BẢO HIỂM

Tính đến hết tháng 4/2023, toàn thành phố còn hơn 84.000 đơn vị chậm đóng với số tiền hơn 5.200 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi là hơn 1.752 tỷ đồng, bằng 2,73% so với tổng số tiền cần thu. Đặc biệt, số tiền chậm đóng kéo dài từ 12 tháng trở lên, khó thu hồi là hơn 1.725 tỷ đồng, chiếm 32,97% tổng số tiền chậm đóng hiện hữu. 

Để khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, riêng tháng 4/2023, các cơ quan chức năng đã tiến hành 390 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, qua đó nhắc nhở các đơn vị sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định về bảo hiểm xã hội. Tính chung 4 tháng đầu năm, các bên liên quan đã thực hiện 1.341 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị liên quan. 

Qua đó, các đơn vị đã khắc phục tình trạng chậm đóng với số tiền gần 137 tỷ đồng; yêu cầu đóng và truy đóng với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng do đóng thiếu số lao động, đóng thiếu thời gian thực tế người lao động làm việc hoặc đóng thiếu mức quy định.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn phát hiện, xử phạt và kiến nghị Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội xử phạt hành chính về hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với 9 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 1,17 tỷ đồng.

Trước đó, tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô hôm 18/5, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội Phan Văn Mến, cho biết tính đến thời điểm hiện nay, Bảo hiểm xã hội thành phố quản lý thu của 115 nghìn doanh nghiệp, số thu năm 2021 gần 55 nghìn tỷ đồng, năm 2022 là 61 nghìn tỷ đồng. "Tuy nhiên, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội cũng rất nhiều", ông Phan Văn Mến thông tin. 

Trước tình trạng này, thời gian qua, thành phố đã quan tâm, có nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các ban, ngành liên quan vào cuộc xử lí vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng có nhiều giải pháp như tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội và phối hợp với cơ quan điều tra chuyển hồ sơ nợ đọng bảo hiểm xã hội sang cơ quan điều tra thụ lý, xử lý các đơn vị vi phạm.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội thành phố cũng tăng cường tuyên truyền phối hợp với liên ngành như Liên đoàn Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tăng cường truyền thông về bảo hiểm xã hội, thông báo số nợ của đơn vị và đăng các đơn vị nợ từ 1 tháng trở lên đến các cơ quan thông tin đại chúng.

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, trong thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi vi phạm chính sách. 

SẼ BỔ SUNG NHIỀU BIỆN PHÁP XỬ LÍ TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM

Ở phía tổ chức công đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội Lê Đình Hùng, cũng đánh giá tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Ngoài ra, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến như: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng,… ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện thu, đóng bảo hiểm xã hội, góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đã bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật bảo hiểm xã hội.

Đơn cử như quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày tương tự như tiền chậm nộp thuế); ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên…

Cùng với đó dự thảo Luật cũng bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia, hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

“Việc sửa đổi, bổ sung như trên nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng các loại bảo hiểm, đặc biệt chậm đóng, trốn đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi, góp phần đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động”, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.