06:00 12/10/2021

Hà Nội vượt thách thức, vững nhịp đập trái tim cả nước

Dũng Hiếu

Trải qua 60 ngày giãn cách xã hội, Hà Nội đã gánh chịu những thiệt hại không nhỏ về mọi mặt, nhất là lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, chính trong thời gian thử thách khốc liệt này đã được thành phố tận dụng để khống chế, kiểm soát dịch bệnh, tránh được nguy cơ khủng hoảng về y tế và kinh tế - xã hội. Hà Nội đang từng bước thích ứng an toàn, vừa kiểm soát dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế...

Thủ đô Hà Nội rực rỡ về đêm. Ảnh: Phương Thảo.
Thủ đô Hà Nội rực rỡ về đêm. Ảnh: Phương Thảo.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư từ cuối tháng 4/2021 tại Việt Nam với sự xuất hiện của chủng virus siêu lây nhiễm Delta đã gây ra những thiệt hại nặng nề. Trong đợt dịch này, Hà Nội đã liên tiếp ghi nhận những ổ dịch lớn, những ca dương tính trong cộng đồng với diễn biến phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh.

Đã có những bất cập trong triển khai, song với nhận thức sâu sắc về vị thế Thủ đô, trái tim của cả nước, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã lắng nghe, tiếp thu và chỉnh sửa, bổ sung. Từ đó đã đưa ra các quyết định kịp thời, kiểm soát thành công dịch bệnh. Đồng thời, thận trọng xác định hướng đi tiếp theo, thích ứng an toàn, vừa kiểm soát dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

NGHIÊM TÚC TIẾP THU, KỊP THỜI ĐIỀU CHỈNH

Nhìn lại toàn cảnh phòng, chống dịch của Thành phố Hà Nội trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, bên cạnh những thành công, cũng cần nghiêm túc thừa nhận những vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Đó là những mất mát về người và của, sự lơ là của một vài địa phương khiến dịch lây lan mạnh.

Thậm chí, có những quyết định lúng túng, thiếu tính thực tiễn của thành phố đã làm khó cho lực lượng chức năng khi triển khai thực hiện, gây bức xúc cho doanh nghiệp và người dân. Từ việc lãng phí, chồng chéo, thiếu thực tế của việc cấp và sử dụng giấy đi đường cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đến những biểu hiện “chặt ngoài, lỏng trong” trong triển khai các quy định phòng, chống dịch tại một số phường, xã…

Lắng nghe các ý kiến góp ý, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố nghiêm túc tiếp thu, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, các đoàn công tác của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội được tăng cường, đột xuất kiểm tra thực địa cả những điểm không nằm trong vùng nguy cơ cao. Khi phát hiện sai phạm, đoàn công tác yêu cầu các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, triển khai phương án sửa sai ngay lập tức, ra những quyết định xử phạt các cá nhân để xảy ra sai phạm trên địa bàn.

 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
 “Dịch càng phức tạp, chúng ta càng phải bình tĩnh, mới tỉnh táo đánh giá chính xác tình hình. Có đánh giá chính xác tình hình mới đề ra giải pháp đúng, trúng. Có giải pháp đúng, trúng mới đẩy lùi được dịch”.

Thực tế cho thấy, qua mỗi đợt giãn cách xã hội, số ca mắc mới và số ca mắc ngoài cộng đồng ở Hà Nội đã giảm dần, đà tăng của dịch Covid-19 được chặn đứng. Nếu như ở giai đoạn giãn cách xã hội đầu tiên, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng 50%; trong giai đoạn 2 và nửa đầu giai đoạn 3, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng 30%, đến cuối giai đoạn 3, số ca mắc trong cộng đồng đã giảm xuống 8,7%.

Đến trước khi kết thúc đợt giãn cách thứ tư, có những ngày, thành phố không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Qua các đợt giãn cách, năng lực của ngành y tế Hà Nội đã được nâng lên, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao hơn, thực hiện bằng được quyết tâm của thành phố là không để phải điều trị, cách ly F0, F1 tại nhà. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng luôn khẳng định: “Dịch càng phức tạp, chúng ta càng phải bình tĩnh, mới tỉnh táo đánh giá chính xác tình hình. Có đánh giá chính xác tình hình mới đề ra giải pháp đúng, trúng. Có giải pháp đúng, trúng mới đẩy lùi được dịch”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố sẽ tập trung chuyển trạng thái từ “không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh như Chính phủ chỉ đạo. Trong đó, Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của hai chủ thể trung tâm của trạng thái này, đó là người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất. Đồng thời, thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong những tháng tới cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1.

Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và phương châm “Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu”, không chỉ thực hiện kịp thời, đúng quy định chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của Chính phủ, Thành phố Hà Nội còn chủ động bổ sung một số đối tượng hỗ trợ. Bệnh cạnh đó, những mô hình, phong trào có ý nghĩa như “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”… đã giúp hàng nghìn người dân vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, yên tâm phòng, chống dịch theo quy định của Trung ương và Thành phố Hà Nội.

THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT DỊCH HIỆU QUẢ 

Đánh giá về cách phòng chống dịch và phát triển kinh tế của Hà Nội thời gian qua, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng cách làm của Hà Nội là phù hợp, cần thiết, đáp ứng được yêu cầu phục hồi sản xuất, đảm bảo sinh kế cho người dân nhưng vẫn kiềm chế, kiểm soát phần nào nguy cơ bùng phát dịch. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài khẳng định, cái hay trong kinh nghiệm chống dịch của Hà Nội là không chỉ thống nhất trên dưới như một, mà còn là lãnh đạo, chỉ đạo luôn gắn với kiểm tra, giám sát.

Nhờ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt theo mức độ diễn biến của dịch bệnh mà Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế tính trên tổng thể. Trong đó, GRDP quý II của thành phố vẫn tăng 6,61%, cao hơn quý I (quý I tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy chung tăng trưởng chung 6 tháng đầu năm đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%). Tăng tưởng GRDP 9 tháng của thành phố đạt 1,28%.

Số liệu tăng trưởng GRDP quý 1, 2 và 9 tháng năm 2021 của Hà Nội. 
Số liệu tăng trưởng GRDP quý 1, 2 và 9 tháng năm 2021 của Hà Nội. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mối quan tâm hàng đầu của thành phố. Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, để cho vay đối với người lao động có nhu cầu để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...

Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mối quan tâm hàng đầu của thành phố.
Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mối quan tâm hàng đầu của thành phố.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành nghị quyết chỉ đạo về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố; nghị quyết về chủ trương triển khai đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4. Đây là những quyết sách chiến lược, lâu dài nhằm tạo động lực phát triển cho Thủ đô.

Trong đó, tuyến đường Vành đai 4 khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư nội đô, mà còn phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng...

Hà Nội vượt thách thức, vững nhịp đập trái tim cả nước - Ảnh 1
 
Hà Nội sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế. Song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, có 3 biện pháp trọng tâm mà Hà Nội sẽ tập trung thực hiện.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp.  
Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, nâng cao khả năng dự báo và đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống y tế dự phòng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện; trọng tâm là chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm ở mức cao hơn trên nguyên tắc là không để F0 phải điều trị tại nhà; phát hiện sớm, điều trị ngay, giảm tối đa các ca bệnh chuyển nặng, các ca tử vong.
Thứ ba, tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong tháng 10/2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1; chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân dưới 18 tuổi khi có vaccine và hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2-3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng và nhóm đối tượng nguy cơ khác để kiểm soát lây lan dịch bệnh.