14:57 15/07/2023

Hà Tĩnh đề xuất dừng dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Nguyễn Thuấn

Lo ngại trước những hệ lụy từ hoạt động khai thác tại mỏ sắt Thạch Khê, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết tỉnh này kiên quyết đề xuất dừng thực hiện dự án...

Dự án này đã “treo” hơn 1 thập kỷ
Dự án này đã “treo” hơn 1 thập kỷ

Chiều 14/7, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời về vướng mắc tại mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà mà nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. 

Theo ông Hải, Hà Tĩnh kiên quyết đề xuất dừng khai thác mỏ khoáng sản này vì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Ông Hải nhấn mạnh, nếu khai thác, mỗi ngày sẽ có 3-4 triệu m3 nước thải xả ra biển, 2 tấn mìn nổ cách thành phố Hà Tĩnh 5km theo đường chim bay. Hà Tĩnh rút kinh nghiệm từ bài học về sự cố môi trường của Công ty Formosa từng xảy ra.

Toàn cảnh phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII.
Toàn cảnh phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII.

Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821ha, có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Mới đây ngày 3/7, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh để bàn về giải pháp thực hiện phương án trung gian là khai thác với độ sâu âm 145 m so với mực nước biển để báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022.

Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) xây dựng (Phương án trung gian) khai thác mỏ sắt Thạch Khê mức âm 145 m so với mực nước biển. Dự kiến khai thác 41,8 triệu tấn quặng, đất đá bóc 121,3 triệu m3, tổng mức đầu tư trước thuế hơn 5.000 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách hơn 17.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện phương án là 10 năm.

Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam cũng đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh cùng có phương án tháo gỡ khó khăn như: đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với TIC trong thời gian TIC phải tạm dừng dự án.

Cục Thuế Hà Tĩnh dừng cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế và phong tỏa hóa đơn, tài khoản ngân hàng của TIC và Cục Thi hành án dân sự Hà Tĩnh dừng thi hành án đối với TIC.

Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam đề xuất tỉnh Hà Tĩnh cho phép đơn vị tiếp tục đầu tư hạ tầng bãi tập kết than tại Khu Kinh tế Vũng Áng nhằm phục vụ than cho các nhà máy nhiệt điện tại đây.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo đạo các sở, ngành, huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh và các chuyên gia đều không đồng tình với phương án trung gian và đề xuất dừng việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê do nhiều hệ lụy.

Cụ thể quy trình thực hiện dự án còn nhiều bất cập, trình tự thủ tục về đầu tư, khai thác mỏ chưa đảm bảo theo quy định. Mức độ nghiên cứu về điều kiện về địa chất, thủy văn, công nghệ khai thác, công nghệ chế biến, chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, thiếu tính khả thi.

Tại buổi làm việc trên, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, cho biết hiện tại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, chưa đảm bảo nghiên cứu các yếu tố khoa học kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường nên chưa cần thiết khai thác, có thể chờ cho thế hệ sau sẽ khai thác. Trước đây nhưng người đề xuất cho khai thác mỏ sắt Thạch Khê nay vẫn trăn trở vì nhiều lý do, về an ninh xã hội, vì lý do môi trường và nhiều vấn đề hệ lụy khác cần phải tính đến. Thậm chí các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng đề xuất nếu Hà Tĩnh khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì vấn đề hệ lụy môi trường, ảnh hưởng đến du lịch, thương mại trong vùng cần phải tính toán.

Trước đây tổng mức đầu tư dự mỏ sắt Thạch Khê là hơn 14.500 tỷ đồng, công suất khai thác giai đoạn một là 5 triệu tấn/năm; giai đoạn hai là 10 triệu tấn/năm và khai thác đến độ sâu  âm 550 m. Công nghệ khai thác lộ thiên; trữ lượng 544 triệu tấn, trong đó 369 triệu tấn được huy động vào thiết kế khai thác; thời gian tồn tại của mỏ: 52 năm; tổng diện tích đất sử dụng 4.821 ha, gồm 3.898 ha trong đất liền và 923 ha lấn biển.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2011 thì dừng lại. Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam và các cổ đông đã thực hiện bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3 với độ sâu âm 34m so với mực nước biển, thu 3.000 tấn quặng. Năm 2011, dự án dừng hoạt động, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 164/TB-VPCP ngày 11/7/2021 của Văn phòng Chính phủ để tái cơ cấu lại doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Theo thống kê, vốn đã đầu tư tại Dự án Mỏ sắt Thạch Khê là gần 2.000 tỷ đồng, trong đó, vốn được góp bởi các doanh nghiệp nhà nước là 1.529,6 tỷ đồng (riêng vốn góp của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam là 1.076,33 tỷ đồng).