Hà Tĩnh xem xét "khai sinh" nhiều dự án
Có 2 dự án được xem xét quyết định chủ trương đầu tư tại Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII. Kỳ họp diễn ra trong 3 ngày từ 6 đến 8/12.
Ngày 6/12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII khai mạc Kỳ họp thứ 17 để xem xét, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023; kế hoạch, giải pháp năm 2024 và quyết nghị một số cơ chế, chính sách quan trọng.
Tại kỳ họp này, tờ trình về “Chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn một số dự án đầu tư công” là một trong những nội dung quan trọng, được xem xét thông qua.
Theo đó, có 2 dự án được xem xét quyết định chủ trương đầu tư.
Một là Dự án nhà làm việc 3 tầng và các hạng mục phụ trợ - Trụ sở Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh. Trụ sở làm việc của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh dự kiến được xây dựng ở địa điểm là số 98, đường Phan Đình Phùng, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là dự án nhóm C, tổng mức đầu tư dự kiến 18,494 tỷ đồng với hạng mục xây dựng nhà làm việc 3 tầng và các hạng mục phụ trợ. Thời gian hoàn thành dự án trong năm 2024. Kinh phí thực hiện dự án là từ nguồn dự phòng tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021, 2022 và ngân sách tỉnh bố trí từ nguồn chi cải tạo, nâng cấp tài sản công và các nhiệm vụ đột xuất khác trong dự toán chi năm 2023.
Hai là Dự án đường giao thông từ đường Hồ Chí Minh vào Cụm công nghiệp Gia Phố, huyện Hương Khê (giai đoạn 1) là dự án nhóm C, được triển khai ở thị trấn Hương Khê và xã Gia Phố, huyện Hương Khê. Chiều dài tuyến đường là 660m với tổng mức đầu tư dự kiến là 14,9 tỷ đồng. Nguồn kinh phí triển khai dự án là ngân sách tỉnh từ nguồn chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và ngân sách huyện Hương Khê. Thời gian thực hiện dự án năm 2023 – 2025.
Cùng với đó, có 3 dự án được xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư, gồm: Dự án đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía Đông; dự án đường thị trấn Nghèn - Đồng Lộc, huyện Can Lộc; dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, hợp phần tỉnh Hà Tĩnh vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Dự án đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía Đông được đề xuất điều chỉnh về quy mô đầu tư với nội dung đầu tư tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía Đông dài khoảng 6,6 km. Dự án có điểm đầu tại nút giao với đường Nguyễn Công Trứ, điểm cuối giao với quốc lộ 15B tại địa phận xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà; bề rộng nền đường 70m, bề rộng mặt đường 21m, bề rộng vỉa hè 10m...
Trên tuyến có cầu lớn bắc qua sông Rào Cái bằng bê tông cốt thép với tải trọng HL93, vượt đường vành đai phía Đông - thành phố Hà Tĩnh, chiều dài cầu khoảng 341,5m, trước mắt đầu tư một đơn nguyên hoàn chỉnh với bề rộng cầu 21,5m, thiết kế nút giao vuốt nối với đường vành đai phía Đông đảm bảo êm thuận và an toàn giao thông.
Dự án đường thị trấn Nghèn - Đồng Lộc, huyện Can Lộc đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 185 tỷ đồng đồng lên 193,7 tỷ đồng và điều chỉnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 và ngân sách huyện Can Lộc.
Dự án “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, hợp phần tỉnh Hà Tĩnh” vay vốn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) được đề xuất điều chỉnh quy mô đầu tư với việc bổ sung đầu tư 2 tuyến đường sử dụng vốn dư đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất tại văn bản 798/TTg-QHQT ngày 13/9/2023 (nâng cấp tuyến đường Sơn Thượng - ĐH145, huyện Kỳ Anh và nâng cấp, mở rộng tuyến đường đường huyện ĐH90 - HL5 cũ, huyện Hương Khê) và điều chỉnh tổng vốn đầu tư 63,644 triệu USD, tương đương 1.448 tỷ đồng, tăng 69,4 tỷ đồng.