07:35 01/12/2023

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh năm 2023 lập mốc lịch sử

Nguyễn Thuấn

Kim ngạch xuất khẩu Hà Tĩnh năm 2023 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay...

Cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh
Cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh

Theo thông tin tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh sáng ngày 30/11, tình hình kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh trong năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực. Năm nay, tỉnh này có 26 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch đề ra, tăng trưởng ước đạt 8,05%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8%; khu vực nông nghiệp tăng 2,8%, khu vực du lịch dịch vụ tăng 6,7%

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh năm 2023 ước đạt hơn 2,4 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Với các mặt hàng chủ yếu như: phôi thép, thép, dăm gỗ, hắc ín...

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 50.200 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, có 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch là thu ngân sách và xây dựng nông thôn mới.

Toàn cảnh cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh sáng ngày 30/11 (Ảnh - Báo Hà Tĩnh)
Toàn cảnh cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh sáng ngày 30/11 (Ảnh - Báo Hà Tĩnh)

Cũng theo thông tin tại các buổi làm việc mới đây giữa Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh với các sở ngành, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 ước đạt 17.122 tỷ đồng, đạt 90% dự toán tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 8.000 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; thu xuất nhập khẩu ước đạt 9.100 tỷ đồng, đạt 83% dự toán.

Dự toán chi ngân sách 20.006 tỷ đồng, thực hiện đến ngày 17/11/2023 đạt 17.130 tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán HĐND tỉnh Hà Tĩnh; ước thực hiện chi ngân sách cả năm của tỉnh này đạt 22.354 tỷ đồng, bằng 111,7% dự toán.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Hà Tĩnh công nhận 41 sản phẩm OCOP,  lũy kế toàn tỉnh có 239 sản phẩm, trong đó có 11 sản phẩm 4 sao, 228 sản phẩm 3 sao, 6 sản phẩm đã có đơn hàng xuất khẩu. Dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. 

Tổng số vốn đầu tư công giải ngân của Hà Tĩnh là 7.447,8 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (7.447,8 tỷ đồng/8.763 tỷ đồng), và đạt 63,6% kế hoạch bao gồm cả phần vốn địa phương giao thêm (7.447,8 tỷ đồng/11.717 tỷ đồng). Cao hơn mức bình quân toàn quốc (toàn quốc 10 tháng đạt 52,1%) và cao hơn cùng năm 2022 (đến ngày 15/11/2022 giải ngân đạt 53,2% kế hoạch); là một trong các tỉnh có tỷ lệ cao nhất cả nước.

Tuy nhiên, tại các buổi làm việc này, các đại biểu cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh năm 2023.

Cụ thể, như công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập; thực hiện thủ tục đầu tư các dự án lớn còn chậm; tiến độ và khối lượng thực hiện các chỉ tiêu cấp huyện ở một số huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới chưa đạt yêu cầu; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp; các tồn đọng, vướng mắc về đất đai còn nhiều và chậm được tháo gỡ; công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội.