Hài hòa giữa tăng trưởng tín dụng và kiểm soát rủi ro
Năm 2025, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 16%, tương ứng lượng tiền tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng. Giới phân tích nhận định, với một lượng tiền rất lớn được bơm ra nếu không chảy vào khu vực sản xuất thực, sẽ tái lập tình trạng lạm phát, bong bóng tài sản và nợ xấu tăng cao...

Mới từ đầu năm 2025, chỉ số Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh của USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã ở mức 109,4 điểm và thậm chí đạt mốc 110 điểm – mức cao nhất trong hơn 2 năm vào ngày 13/1/2025. Tính đến ngày 12/2/2025, DXY liên tục giằng co ở khoảng 108-109 điểm trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump mở màn cuộc chiến thuế quan trên toàn cầu. Cuộc chiến này dấy lên lo ngại về lạm phát, khiến Cục Dự trữ Liên bang của Mỹ (Fed) trì hoãn lộ trình cắt giảm lãi suất dự kiến trước đó.
Những diễn biến kinh tế - chính trị quốc tế khó lường, đồng USD biến động nhanh, tăng mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước do thị trường tái lập tâm lý găm giữ.
Đến ngày 13/2/2025, tỷ giá giao dịch trên thị trường quanh mức 25.670 VND/USD.
CÁC CÂN ĐỐI LỚN ĐƯỢC BẢO ĐẢM ỔN ĐỊNH
Có một số yếu tố thuận lợi như: (i) nhu cầu nhập khẩu thấp trong tháng 1/2025, chỉ 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% so với tháng 12/2024; (ii) lượng kiều hối về Việt Nam dự kiến tích cực trong đầu năm 2025; (iii) dòng vốn FDI trong tháng 1/2025 đạt 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024, đã giúp Ngân hàng Nhà nước có dư địa để ổn định tỷ giá mà không không phải bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước có phần nới lỏng thanh khoản trên thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh tín dụng khả quan ngay từ đầu năm 2025. Cụ thể, đến ngày 3/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 0,6%).
Theo số liệu VnEconomy thống kê từ dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, trên thị trường mở, quy mô tín phiếu lưu hành chỉ khoảng 24.050 tỷ đồng, lượng tín phiếu phát hành giảm mạnh so với kỳ tháng 12/2024. Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước bơm thanh khoản ra hệ thống nhằm đối ứng nhu cầu vốn ngắn hạn, đạt khoảng 163.500 tỷ đồng, con số cao nhất trong 2 năm qua.
Trong tháng 1/2025, lãi suất liên ngân hàng VND kỳ hạn qua đêm được giữ ở mức ổn định quanh ngưỡng 4%/năm, song nhu cầu vốn đột biến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã khiến cho doanh số và lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng lên trong những ngày đầu tháng 2/2025.
Hoạt động điều hành thị trường mở nhịp nhàng của Ngân hàng Nhà nước giúp mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (tổ chức tín dụng với người dân, doanh nghiệp) duy trì ổn định trong những tháng đầu năm 2025. Tính đến ngày 13/2/2025, lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng của toàn hệ thống ở mức 5,01%/năm. Diễn biến tăng lãi suất phần lớn xuất hiện tại các ngân hàng nhỏ và ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.
Giới phân tích đánh giá áp lực thanh khoản sau Tết chỉ là diễn biến ngắn hạn, với việc Ngân hàng Nhà nước chủ động bơm ròng thanh khoản trên thị trường mở và các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động tiền gửi trở lại sau Tết sẽ khiến thanh khoản sớm ổn định trở lại.

Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 16%, hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% làm nền tảng cho tăng trưởng hai chữ số ở những năm sau đó.
Theo ước tính của một số chuyên gia, nếu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2025 đạt 18 triệu tỷ đồng, tăng thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng so với cuối năm 2024.
LINH HOẠT ỨNG PHÓ
Giới phân tích dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố: (1) nỗ lực giữ nền lãi suất cho vay thấp của Ngân hàng Nhà nước; (2) thị trường bất động sản và ngành bán lẻ - tiêu dùng phục hồi; (3) quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công kéo theo cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng, kích thích đầu tư từ khối ngoại và khối tư nhân.
“Việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2025 là một tín hiệu tích cực, cho thấy Việt Nam đang cố gắng tận dụng nội lực để duy trì đà tăng trưởng. Trong bối cảnh môi trường kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, sức bền, khả năng thích ứng và nội lực của nền kinh tế Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong năm 2025”, nhóm phân tích vĩ mô và thị trường tiền tệ Công ty chứng khoán ACB nhận định.
Theo giới phân tích, căng thẳng thương mại toàn cầu có tác động đến Việt Nam theo cả 2 hướng tiêu cực và tích cực. Ở khía cạnh tiêu cực, áp lực tỷ giá luôn chực chờ như đã thấy trong thời gian vừa qua. Thặng dư ngoại thương có thể sẽ tăng chậm trở lại, đặc biệt khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Cùng đó, dòng vốn FDI sẽ khó có sự đột phá như trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Donald Trump (2017-2021) do Mỹ sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn về vấn đề hàng hóa Trung Quốc đưa sang Mỹ thông qua nước thứ ba và lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam đang dần suy giảm.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tháng 1/2025 tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam ghi nhận sự gia tăng đáng kể khi đạt mức 4,33 tỷ USD (tăng48,6% so với cùng kỳ năm 2024). Đáng chú ý, vốn điều chỉnh cũng ghi nhận mức tăng mạnh, gấp 6,1 lần, trong khi góp vốn, mua cổ phần tăng 70,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Về cơ cấu dòng vốn FDI, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều vốn nhất trong tháng 1/2025 với hơn 3,09 tỷ USD (tăng 99% so với cùng kỳ năm 2024), chiếm 71,3% tổng vốn đăng ký mới. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai với gần 1,09 tỷ USD, chiếm 23,5% tổng vốn đăng ký.
Trung Quốc đứng đầu về dòng vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1/2025 với 380,3 triệu USD, tiếp theo là Singapore, Hong Kong và Hoa Kỳ. Sự thay đổi thứ hạng này phản ánh xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam ngày càng rõ rệt, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều xem Việt Nam như một trung gian chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro trước những tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại tiềm ẩn trong tương lai.
Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam nhanh chóng xây dựng chiến lược để gia tăng tính tự chủ, tự cường và khả năng chống chịu của nền kinh tế, đồng thời xây dựng các kịch bản ứng phó với các biện pháp cấm vận kinh tế, bảo hộ thương mại… thì có thể “biến nguy thành cơ”, tận dụng được vai trò trung gian giảm tác động từ căng thẳng thương mại.
CẢNH GIÁC VỚI NỢ XẤU VÀ BONG BÓNG TÀI SẢN
Lường trước được nguy cơ lạm phát, cùng với việc đưa mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh lạm phát (CPI) bình quân tăng lên mức 4,5-5% (cao hơn mức 4% các năm gần đây). Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ để có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, rủi ro bong bóng tài sản lại khó kiểm soát hơn, kéo theo đó là nguy cơ nợ xấu dềnh lên tại các tổ chức tín dụng, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc tăng cường tín dụng và giảm lãi suất thông qua nới lỏng có thể thúc đẩy các hoạt động đầu tư và giao dịch tài chính mạo hiểm, từ đó tạo ra áp lực tăng giá trị tài sản không tương đồng với nền kinh tế thực. Khi bong bóng tài chính vỡ, nền kinh tế lại rơi vào khủng hoảng.
Chưa kể, từ nhiều năm nay, các tổ chức quốc tế như IMF, WorldBank đã nhiều lần cảnh báo đối với Việt Nam về sự yếu kém kéo dài trong ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp là lực cản chính đối với khả năng mở rộng tín dụng của ngân hàng (vì tạo ra nợ xấu) và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, gây mất ổn định thị trường tài chính.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2024, tổng tài sản của nhóm ngân hàng thương mại đạt 19.896,7 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 87% tổng tài sản toàn hệ thống tổ chức tín dụng), tăng 14,9% so với cuối năm 2023.
Trong đó: (i) nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 9.422,07 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,35% tổng tài sản cả nhóm; (ii) nhóm 3 ngân hàng thương mại chuyển giao bắt buộc đạt 79,72 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng tài sản cả nhóm; (iii) nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 10.394,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,24% tổng tài sản của cả nhóm ngân hàng thương mại.
Về chất lượng tài sản, đến cuối năm 2024, các ngân hàng thương mại có nợ nhóm 2 (cần chú ý) là 211.709,4 tỷ đồng (chiếm 1,25% tổng nợ phải phân loại theo quy định tại Thông tư số 31/2024/TT-NHNN), giảm 7% so với cuối năm 2023, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 118.756,9 tỷ đồng, chiếm 56,1% nợ nhóm 2 của toàn nhóm ngân hàng thương mại.
Đến cuối năm 2024, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại là 733.904,9 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023, chiếm 94,8% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tổ chức tín dụng; tỷ lệ nợ xấu 4,35% (giảm so với tỷ lệ 4,89% vào cuối năm 2023); trường hợp không bao gồm 5 ngân hàng thương mại bị kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại là 1,69% ....
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 07-2024 phát hành ngày 17/02/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1258
