16:54 17/01/2025

Hai kiến nghị liên quan đến số phận dự án Sài Gòn Đại Ninh

Đỗ Mến

Do dự án Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ đầu tư trái quy định pháp luật nên Viện kiểm sát kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện thủ tục thu hồi dự án. Tuy nhiên, luật sư đề nghị tòa án xem xét tìm giải pháp để tháo gỡ cho dự án này…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong các ngày 16-17/1, TAND TP Hà Nội xét xử vụ án sai phạm dự án Sài Gòn Đại Ninh với 10 bị cáo về các tội Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ.

“VỤ ÁN LÀ ĐIỂN HÌNH TRONG SAI PHẠM THANH TRA”

Trong bản luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Cao Trí – Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh mức án 3-4 năm về tội Đưa hối lộ.

Nhóm tội Nhận hối lộ, các bị cáo Trần Đức Quận, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng bị đề nghị mức án 5-6 năm tù, bị cáo Trần Văn Hiệp, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bị đề nghị 7-8 năm tù.

Các bị cáo nhóm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ từ 24 tháng tù cho hưởng án treo – 5 năm tù.

Theo Viện kiểm sát, những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, tạo việc làm, phát triển kinh tế.

Đồng thời, cũng có những chính sách chấm dứt hoạt động của những dự án có sai phạm về đầu tư.

Quá trình thực hiện Dự án Sài Gòn Đại Ninh, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có nhiều vi phạm về đất đai như không tuân thủ nghĩa vụ tài chính, không nộp tiền sử dụng đất và tiền…

Vụ án là điển hình sai phạm trong thanh tra, có sự câu kết giữa các bị cáo có chức vụ và doanh nghiệp. Các bị cáo là những người có trình độ, có nhận thức xã hội có học hàm học vị cao, nên có đầy đủ nhận thức về hành vi của mình. Tuy nhiên, vì vụ lợi, họ đã thực hiện hành vi sai phạm.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát đánh giá các bị cáo đều khai báo thành khẩn, tích cực nộp số tiền hưởng lợi hoặc số tiền thu lợi bất chính.

Về trách nhiệm dân sự, Viện kiểm sát cho rằng, số tiền 2.700 tỷ đồng bị cáo Nguyễn Cao Trí nhận từ việc chuyển nhượng dự án là khoản thu lời bất chính. Do đó cần tịch thu sung công quỹ. Gia đình bị cáo Trí đã nộp 242 tỷ đồng, số tiền còn lại đề nghị tiếp tục truy thu sung quỹ nhà nước. Còn tranh chấp giữa ông Trí và đối tác cần được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Do dự án Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ đầu tư trái quy định pháp luật nên Viện kiểm sát cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện thủ tục thu hồi dự án.

ĐỀ NGHỊ KHÔNG TỊCH THU 2.700 TỶ ĐỒNG

Quá trình xét hỏi, ông Trí trình bày có biết việc dự án bị Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm và kiến nghị thu hồi. Ông Trí đã nhờ luật sư tư vấn thì được biết kết luận có nhiều “điểm hở”.

Bị cáo Trí tại tòa.
Bị cáo Trí tại tòa.

Do đó, sau khi nhận chuyển nhượng, ông Trí tìm cách tháo gỡ để tiếp tục thực hiện Dự án Sài Gòn Đại Ninh. Ông Trí đã liên hệ với nhiều cá nhân có chức vụ quyền hạn nhờ giúp đỡ để sửa đổi kết luận thanh tra, cho phép dự án được gia hạn.

Khi Dự án Sài Gòn Đại Ninh được tiếp tục thực hiện, ông Trí nhờ các bị cáo Trần Đức Quận, Trần Văn Hiệp hỗ trợ tạo điều kiện để thay đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi người đại diện Công ty Sài Gòn Đại Ninh và thực hiện triển khai dự án như xác định nghĩa vụ tài chính, tính giá đất, nộp tiền sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.

Năm 2022, ông Trí sử dụng pháp nhân Công ty Lavender thỏa thuận bán dự án. Hai bên ký hợp đồng bảo mật thông tin, rồi ký thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần với tổng giá trị giao dịch là 27.600 tỷ đồng theo 5 đợt thanh toán. Theo thỏa thuận, ông Trí đã được nhận 2.700 tỷ đồng.

Tại tòa, ông Trí cho biết muốn tìm đối tác thật sự mong muốn phát triển một thành phố ở phía Nam, chia sẻ áp lực cho TP Đà Lạt đã quá tải.

Vì thế, ông Trí đưa ra điều kiện ký hợp đồng bảo mật với giá trị hơn 300 tỷ đồng thì mới chuyển giao toàn bộ hồ sơ của dự án để nghiên cứu.

Ông Trí khai nhận sử dụng 2.700 tỷ đồng để trả cho bà Phan Thị Hoa 1.700 tỷ đồng, nộp thuế và tiền phạt chậm tiến độ dự án Đại Ninh cho UBND tỉnh Lâm Đồng hết hơn 300 tỷ đồng và còn phải trả phần huy động vốn.

Do đó, ông Trí đề nghị tòa không tịch thu sung công 2.700 tỷ đồng như đề nghị của Viện kiểm sát.

"Bị cáo mong hội đồng xét xử và viện kiểm sát xem xét hết sức thận trọng. Thực ra 2.700 tỷ này là giao dịch ngay tình của hai doanh nghiệp chứ không liên quan trực tiếp đến hành vi đưa hối lộ của bị cáo. Hành vi đưa hối lộ xảy ra ở giai đoạn trước, 2 năm sau các doanh nghiệp mới gặp nhau làm mua bán chuyển nhượng", ông Trí trình bày.

Ông Trí cũng giải thích lý do bán dự án vì bị cáo chỉ làm những phần bị cáo có thế mạnh giáo dục, y tế, văn hóa, khách sạn, nhà hàng. Còn những lĩnh vực như bất động sản không phải thế mạnh thì bị cáo phải tìm một nhà phát triển dự án khác.

LUẬT SƯ KIẾN NGHỊ CÓ GIẢI PHÁP ĐỂ THÁO GỠ DỰ ÁN

Bào chữa cho bị cáo Trí, luật sư Trịnh Đức không tranh luận về tội danh nhưng có nhắc tới bối cảnh phạm tội của bị cáo, mong tòa xem xét đánh giá lại động cơ mua cổ phần của Công ty Đại Ninh, mong muốn Hội đồng xét xử xem xét lại do đây là dự án trọng điểm nhưng trong suốt thời gian dài vẫn chưa thành hiện thực.

Bị cáo tiếp cận vì thấy dự án Đại Ninh là dự án lớn trong quy hoạch đô thị, có phần thuộc thế mạnh của bị cáo, về những lĩnh vực như giáo dục, y tế, thương mại. Bị cáo nhận thấy đây là cơ hội tốt nên đã có sự đầu tư.

Việc tiếp cận dự án từ năm 2014 – 2015, bị cáo đề nghị mua lại một số bất động sản nhưng do quy định của pháp luật còn phức tạp, chồng chéo trong khi đây là đại dự án…Mặt khác, bị cáo có phần chủ quan nghĩ mình có thể thay thế được.

 Vì vậy, luật sự đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại động cơ mua lại dự án không phải để “trục lợi”. Theo luật sư, bị cáo Trí có mong muốn mua lại dự án nhằm phát triển thành công dự án. Luật sư cũng cho rằng, việc chuyển nhượng lại dự án không phải là “mua đứt bán đoạn” mà gắn liền với các nghĩa vụ của bị cáo Trí.

Ngoài ra, luật sư kiến nghị có giải pháp tháo gỡ để dự án sớm được tiếp tục triển khai, đặc biệt khi có sự phối hợp của Viện kiểm sát và tòa án.