Hải Phòng nỗ lực gỡ khó cho các doanh nghiệp FDI
Các doanh nghiệp FDI kiến nghị Hải Phòng quan tâm, tháo gỡ các vấn đề liên quan tới chất lượng đội ngũ lao động; ưu đãi, giảm thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cung cấp năng lượng, nguồn điện ổn định, gỡ khó và cải cách về thủ tục hành chính...
Ngày 05/10/2024, Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp FDI với chủ đề: “Doanh nghiệp FDI phát triển cùng thành phố Hải Phòng: Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế bền vững, kinh tế chia sẻ; kết nối doanh nghiệp với chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 985 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 31 tỷ USD, trong đó, các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp với tỷ lệ trên 83% về số vốn đầu tư; các dự án đầu tư lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng chiếm 14% về số vốn đầu tư; số còn lại là các dự án đầu tư lĩnh vực thương mại dịch vụ, vận tải, khai khoáng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng, cho biết trong những năm qua, thành phố đã dành được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực.
Cụ thể, về thu hút đầu tư, Hải Phòng đứng thứ 2 cả nước với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,5 tỷ USD năm 2023. Lũy kế đến tháng 9/2024, Hải Phòng tiếp tục nằm trong 6 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 29,4 tỷ USD.
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều thuộc tốp đầu cả nước; môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố được cải thiện mạnh mẽ với sự bứt phá ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); là điểm đến hấp dẫn, tin cậy của các nhà đầu tư và là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài; kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị phát triển, từng bước đồng bộ và hiện đại.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ đã được thành phố bố trí nguồn lực tương xứng để nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng phục vụ.
“Đóng góp trong suốt chặng đường phát triển của Hải Phòng là vai trò nổi bật và sự đồng hành ở mọi lĩnh vực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và khối doanh nghiệp FDI nói riêng. Làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp và thành phố cùng nhau phát triển nhanh, mạnh, bền vững, thích ứng bối cảnh trước mắt với nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức. Đây là điều mà thành phố Hải Phòng luôn đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và coi đó như một trong những mục tiêu để hướng tới”, ông Đỗ Mạnh Hiến chia sẻ.
Thông qua hội nghị, lãnh đạo thành phố lắng nghe đầy đủ những kiến nghị khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp FDI trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó từng bước tìm ra giải pháp thích hợp để tháo gỡ, tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh; tạo cầu nối, mở ra thêm cơ hội tìm hiểu, hợp tác cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hiệp hội và các doanh nghiệp tiêu biểu trong nước có mặt tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho hơn 500 doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và bày tỏ mong muốn chính quyền thành phố quan tâm, giải quyết nhiều vướng mắc liên quan tới các vấn đề bao gồm: Chất lượng đội ngũ lao động, ưu đãi, giảm thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, cung cấp năng lượng, nguồn điện ổn định cho doanh nghiệp, cải cách về thủ tục hành chính, đầu tư cho các dự án liên quan đến giáo dục và sáng tạo khoa học công nghệ...
Sau khi lắng nghe những ý kiến, vướng mắc của các doanh nghiệp, lãnh đạo các Sở, ngành thành phố Hải Phòng đã có những giải đáp, chia sẻ nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp và truyền tải các thông tin về tầm nhìn, quy hoạch, định hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới; giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp có được cái nhìn bao quát và chính xác về thành phố, từ đó có những kế hoạch đầu tư kinh doanh chắc chắn, phù hợp hơn trong tương lai.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho biết lãnh đạo thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành và giành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI.
Thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm: Tập trung đẩy nhanh tiến độ thành lập, mở rộng các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, đặc biệt là thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam; Quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động có tay nghề; Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI thực hiện các dự án tại Hải Phòng về địa điểm, quy hoạch, đất đai, môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển nhà ở chất lượng cao và nhà ở xã hội, hệ thống trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế; Chỉ đạo xây dựng phương án cung ứng điện ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, hạn chế tối đa tình trạng dừng, mất điện đột ngột; Tiếp tục duy trì, tăng cường hiệu quả và đa dạng hóa hình thức các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp và cuối cùng là Hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực thi các cơ chế, chính sách liên quan, đem lại quyền lợi tối đa cho các doanh nghiệp FDI; tiếp nhận, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trong việc khắc phục hậu quả của bão số 3.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng mong muốn nhận được sự chung tay, vào cuộc của toàn Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân thành phố, nhất là vai trò của các doanh nghiệp FDI để sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.