18:38 15/05/2017

Hải Phòng, thành phố thứ 4 được hưởng cơ chế tài chính đặc thù

Nguyễn Lê

Thông qua đề xuất của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hải Phòng

Một góc thành phố Hải Phòng. Với cơ chế mới, Hải Phòng được nâng mức dư nợ của ngân sách thành phố thêm 10%.<br>
Một góc thành phố Hải Phòng. Với cơ chế mới, Hải Phòng được nâng mức dư nợ của ngân sách thành phố thêm 10%.<br>
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/5 đã biểu quyết thông qua đề xuất của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hải Phòng.

Theo đó, Hải Phòng được nâng mức dư nợ của ngân sách thành phố thêm 10%. Như vậy, mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách hàng năm được Quốc hội quyết định.

Uỷ ban Tài chính - ngân sách lập luận, việc nâng mức dư nợ vay như Chính phủ trình sẽ góp phần giúp phành phố có thêm cơ hội và điều kiện trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, đồng thời, mức dư nợ vay 40% cho ngân sách Hải Phòng cũng tương đồng với mức dư nợ vay của Đà Nẵng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Hải Phòng 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương và các khoản thu ngân sách Trung ương được hưởng 100%, nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện năm trước.

Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã từng quyết định cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Theo điều 74 của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 thì căn cứ vào quy định của luật này, Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Tp.HCM, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
 
Tuy vậy, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi trong phiên họp chiều 15/5: “Nếu từng thành phố xin cơ chế tài chính đặc thù thì ít ai nói là không đồng ý, nhưng nếu mấy chục tỉnh xin thì có cần phải xem lại Luật Ngân sách Nhà nước không?”.

Bà Nga cũng đề nghị Chính phủ cho biết sẽ còn trình cơ chế đặc thù cho những tỉnh, thành nào nữa.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, theo nghị quyết của Bộ Chính trị chính sách đặc thù là vận dụng cho Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ, chứ không có tỉnh nào được nữa.

“Ngoài ra, Bộ Chính trị có kết luận cho một tỉnh rất đặc biệt là Nghệ An nữa thôi”, Phó chủ tịch nói.

“Chính sách đặc thù là ưu tiên cho các trục kinh tế lớn, chứ không có chuyện tràn lan”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói khi gói lại phiên thảo luận.