09:00 18/08/2022

Hải Phòng tìm lại vị thế trung tâm du lịch

Quốc Cường - Nguyễn Hiền

“Hải Phòng có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chưa được đầu tư xứng tầm”. Đó là nhận định của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang tại hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 4...

Nhiều năm qua, khu du lịch Đồ Sơn của Hải Phòng phát triển rất chậm
Nhiều năm qua, khu du lịch Đồ Sơn của Hải Phòng phát triển rất chậm

Từ 15 năm trước, tại kỳ họp thứ 8 khóa XIII năm 2006, Hội Đồng Nhân dân Thành phố Hải Phòng đã đưa ra Nghị quyết số 20/2006/NQ-HĐND về đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010 định hướng đến năm 2020.

Trong đó, Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu định hướng đến năm 2020, du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch của vùng Duyên hải Bắc Bộ, một trong những trung tâm du lịch quốc tế của cả nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, đã qua 15 năm với nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo và năm nào cũng có những phát biểu “quyết tâm” phát triển kinh tế du lịch nhưng đến nay Hải Phòng vẫn là cái tên khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt Nam.

"ĐỎ MẮT" TÌM TÊN HẢI PHÒNG TRÊN BẢN ĐỒ DU LỊCH

Năm 2021, qua tổng hợp khảo sát của Tổng cục Thống kê, Sở du lịch các tỉnh, UNESCO, Cục Di sản; internet…, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã công bố Chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam năm 2021 theo tiêu chí của WEF (Diễn đàn Kinh tế thế giới).

Trong đó, Đà Nẵng được xếp hạng 1; tiếp đến là nhóm hạng từ 2 đến 6 lần lượt là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh ở hạng 8, Lào Cai hạng 13; Bình Thuận hạng 14; Cần Thơ hạng 15… Trong khi đó, Hải Phòng không hề được nhắc tên.

Trước đó, năm 2019, theo khảo sát của các tổ chức quốc tế và những trang truyền thông uy tín toàn cầu như UNESCO, CNN, Travel & Leisure, Times, The New York Times, National Geographic… Việt Nam là quốc gia có 05 cái tên được vinh danh và khen ngợi trên bản đồ du lịch thế giới gồm; Hội An (Quảng Nam) nằm trong top các thành thị đẹp nhất châu Á; Đà Nẵng nằm trong top thành phố tốt nhất để sống và đầu tư; Phú Quốc là điểm du lịch tốt nhất châu Á; thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top 50 khu vực thú vị nhất thế giới; Nha Trang nằm trong top 50 điểm đến quan trọng nhất thế giới...

Ở lần khảo sát này, du lịch Hải Phòng cũng vẫn không được nhắc tên. Trong khi, điều kiện thực tế để phát triển kinh tế du lịch của Hải Phòng không thua kém bất cứ một địa danh nào nêu trên.

Gần đây nhất, theo số liệu từ Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch, trong 06 tháng đầu năm 2022, rất nhiều địa phương có sự phục hồi mạnh mẽ về lượng khách du lịch. Đứng đầu là thành phố Hồ Chí Minh đón 11 triệu lượt khách nội địa, 478.000 lượt khách quốc tế, ước đạt doanh thu du lịch 49.681 tỷ đồng.

Tiếp đến là Hà Nội đón 8,61 triệu lượt khách ước đạt doanh thu 25.200 tỷ đồng. Thanh Hóa đón 6,8 triệu lượt khách, Tổng thu từ du lịch ước đạt 11.555 tỷ đồng.

Quảng Ninh đón khoảng 5,5 triệu lượt khách, Doanh thu du lịch ước đạt 12.129 tỷ đồng. Nghệ An đón hơn 4 triệu lượt khách tổng doanh thu khoảng 6.700 tỷ đồng. An Giang đón 5,2 triệu khách tham quan, tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.900 tỷ đồng, Kiên Giang đón khoảng 3,5 triệu lượt du khách, tổng doanh thu đạt khoảng gần 4.000 tỷ đồng...

Đáng lưu ý là có những địa phương đón lượng khách không cao nhưng doanh thu từ du lịch khá ấn tượng như Bình Thuận ước đón trên 2,39 triệu lượt khách, đạt doanh thu du lịch gần 4.500 tỷ đồng. 

Lào Cai chỉ đạt 1,653 triệu lượt khách nhưng tổng thu từ du lịch đạt trên 5.700 tỷ đồng. Đà Nẵng có số lượt du khách lưu trú ước đạt hơn 1,32 triệu lượt, Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước ước đạt 3.185 nghìn tỷ đồng, Khánh Hòa đón 1,046 triệu lượt du khách, doanh thu ước đạt 5.549,7 tỷ đồng.

Hải Phòng đón khoảng 3 triệu lượt khách du lịch. Tuy nhiên, doanh thu chỉ ước đạt 2.713 tỷ, thấp nhất trong bảng xếp hạng nêu trên. 

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?

Trước tiên, nói về địa danh lịch sử - Đồ Sơn (Hải Phòng). Trên thực tế, đến lúc này kể cả chính người dân Hải Phòng cũng thừa nhận rằng Đồ Sơn với thời gian du lịch kéo dài nhiều nhất là hết một buổi chiều để ngắm biển, ăn hải sản rồi về, vì ở lại qua đêm trên Đồ Sơn cũng không biết làm gì và chơi gì.

Cần phải trung thực rằng, hiện tại không thể coi Đồ Sơn thực sự là tiềm năng hay lợi thế của du lịch Hải Phòng được, vì đến lúc này hầu hết hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ với không gian đẹp tại Đồ Sơn đều thuộc quyền quản lý của các bộ, ban, ngành Trung ương như: Trung tâm cung ứng và dịch vụ ngân hàng, nhà nghỉ dưỡng Hải yến; khách sạn Lâm Nghiệp, Bộ xây dựng, Điện lực, Công đoàn… cùng chất lượng du lịch có từ thời bao cấp nhưng rất chậm nâng cấp...

Thực tế, phân tích nêu trên cũng đã được một số cơ quan truyền thông chính thống dũng cảm nhắc đến nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự sở hữu của các bộ trên mảnh đất Đồ Sơn vẫn rất kiên định, nên có lẽ số phận du lịch Đồ Sơn sẽ tiếp tục kéo dài như vậy nhiều chục năm nữa, nếu Chính Phủ không có những quyết sách với định chế quản lý cụ thể dành cho Đồ Sơn.

Không bị ế ẩm vì lí do “lắm cha con khó lấy chồng” như Đồ Sơn. Tuy nhiên, địa danh Cát Bà (Hải Phòng) nổi tiếng là danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới... cũng đang phải đối diện với không ít hạn chế như Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc đánh giá.

Du lịch Hải Phòng nói chung cũng như Cát Bà nói riêng còn tồn tại nhiều yếu điểm như: tốc độ phát triển hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu; môi trường, hạ tầng du lịch chưa được cải thiện, xử lý dứt điểm, nổi cộm là tình trạng tắc đường ra khu du lịch kéo dài gây rất nhiều bức xúc với khách du lịch, đặc biệt là dịp cuối tuần...

QUYẾT TÌM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

Thực tế, những năm qua, Hải Phòng cũng đã có sự quan tâm hơn đối với phát triển du lịch. Từ năm 2015 - 2020, ngoài nguồn lực từ ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, thành phố còn huy động các nguồn lực xã hội khác lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng cho phát triển du lịch.

Tới nay Hải Phòng đã có 5 - 6 khách sạn; đã có nhiều khu nghỉ dưỡng; khu vui chơi giải trí cao cấp; đã có tuyến cáp treo Cát Hải- Phù Long dài 4 km; có thêm nhiều đường bay mới trong nước và quốc tế đi, đến sân bay Cát Bi…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, những đầu tư nêu trên vẫn chưa xứng tầm, còn đơn lẻ và không tạo ra sự phát triển bứt phá cho du lịch Hải Phòng. Đồng thời, Bí thư cũng nhắc đến thực trạng còn nhiều dự án du lịch đang thực hiện dở dang, kéo dài, nhà đầu tư đổ hàng nghìn tỷ đồng vào dự án nhưng gặp khó, cản trở do quy hoạch, do giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng…

Trên thực trạng nêu trên, tại hội nghị Thành ủy lần thứ 4 tổ chức ngày 1/7/2021. Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng, UBND thành phố, thành lập ngay tổ công tác đặc biệt về phát triển du lịch Hải Phòng. Tổ công tác sẽ do một đồng chí lãnh đạo UBND thành phố làm tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các ngành, địa phương liên quan; đặc biệt có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, du lịch và đại diện các doanh nghiệp.

Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng, sự tham gia của các chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ giúp các chương trình phát triển du lịch của Hải Phòng đồng bộ, hiệu quả cao, phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Thường trực Thành ủy sẽ trực tiếp nghe tổ công tác về du lịch báo cáo mỗi tháng 1 lần để kịp thời có các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm đưa du lịch Hải Phòng phát triển bứt phá, xứng đáng là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế chủ yếu của Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16.