Hai phương án luật hoá quyền sản xuất, kinh doanh vũ khí
Thủ tướng tha thiết phương án hai, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần chọn phương án một
Sáng 22/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí (điều 15).
Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí”.
Phương án 2: “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - an ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại phiên họp thứ 6, đa số ý kiến thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án 1 dự thảo luật Chính phủ trình.
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng văn bản báo cáo Đảng đoàn Quốc hội xin ý kiến Bộ Chính trị về nội dung này theo hướng thực hiện phương án 1.
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng văn bản báo cáo Đảng đoàn Quốc hội xin ý kiến Bộ Chính trị về nội dung này theo hướng thực hiện phương án 1.
Qua tổng hợp ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với phương án 1. Tuy nhiên, tại công văn số 3590, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng thì đề nghị chỉ giữ một phương án là phương án 2. Theo phương án này, việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - an ninh Võ Trọng Việt nói: “Thường trực cơ quan thẩm tra đã họp, thảo luận về vấn đề này và nhất trí lựa chọn phương án 1”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng cần xem lại quy định tại điều này. Vì, vũ khí được quy định tại dự thảo luật bao gồm cả vũ khí thô sơ.
Theo giải thích tại dự thảo thì vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp. Vũ khí thô sơ gồm: các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
“Những thứ này thì được sản xuất rất nhiều, thậm chí lò rèn người ta cũng làm được, tại sao lại quy định chỉ có hai bộ Quốc phòng và Công an mới được sản xuất. Nên thay từ vũ khí bằng vũ khí quân dụng”, ông Định góp ý.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình thì cần thêm dữ liệu, xem hiệu quả công việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh vũ khí của hai bộ thời gian qua ra sao.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng để có thêm căn cứ lựa chọn cần tổng kết pháp lệnh hiện hành và phân tích đánh giá ưu nhược điểm của từng phương án.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, Thủ tướng tha thiết phương án hai vì do đặc thù của ngành công an, nên để Chính phủ quy định cho sát hơn và linh hoạt hơn với thực tiễn.
Cả hai phương án, theo Chủ tịch, đều phù hợp với Hiến pháp, nhưng băn khoăn là cùng một nền công nghiệp quốc phòng an ninh mà một cái là luật quy định, một cái lại để Chính phủ quy định.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, ngay từ đầu của quá trình soạn thảo luật, điều 15 đã gây đã tranh cãi rất nhiều. Bộ Công an cũng đã thảo luận kỹ và thấy cả hai phương án đều không vướng gì.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ gói lại phiên thảo luận: do còn có nhiều ý kiến khác nhau nên giữ lại cả hai phương án xin chỉ đạo của Bộ Chính trị.