06:00 29/12/2022

Hạn chế người lao động rút bảo hiểm một lần

Nhật Dương

Một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng là do người lao động sợ chính sách thay đổi theo hướng bất lợi, và thiếu niềm tin, theo Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…

Ảnh - N.Dương.
Ảnh - N.Dương.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người hưởng bảo hiểm xã một lần ước năm 2022 là 895.500 người, tăng thêm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.

SỐ RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN TĂNG NHƯNG KHÔNG BẤT THƯỜNG

So với bình quân các năm vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho rằng, mức tăng ước của năm 2022 không phải bất thường. Việc hưởng bảo hiểm một lần tăng nhanh liên quan mật thiết đến sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Cùng với đó còn do tác động tiêu cực của các dịch bệnh hơn hai năm qua khiến đời sống của người dân, cũng như người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp chỉ còn trông chờ vào số tiền rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế xã hội diễn ra cuối tuần qua, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh bình thường, nhiều người lao động đã phải sống tằn tiện, đời sống vật chất thiếu thốn, không có hoặc có rất ít tích lũy, rất dễ bị tổn thương trước biến cố hoặc khủng hoảng, nhất là sau 2 năm chống chọi với đại dịch. 

Vì vậy, hình ảnh hàng đoàn người lao động xếp hàng rút bảo hiểm xã hội một lần trong suốt năm 2022 và đang “bùng” trở lại những tháng cuối năm nay ở khu vực phía Nam là hệ lụy khó tránh khỏi khi người lao động quá khó khăn, không còn nơi “bấu víu”.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Uỷ ban Xã hội) nhìn nhận, số người hưởng bảo hiểm xã một lần năm 2022 tăng 3,7% so với năm 2021 – thời điểm dịch bệnh căng thẳng là cần quan tâm. Cùng với việc rút bảo hiểm xã hội gia tăng, còn có tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Những yếu tố này dẫn đến chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động không được đảm bảo cả về quyền lợi ngắn hạn lẫn lâu dài. Theo ông Lợi, quỹ bảo hiểm xã hội là “của để dành” nhằm thực hiện an sinh khi người lao động không còn khả năng lao động, đây cũng là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội, song những thực tế đang diễn ra hiện nay là vấn đề cần xem xét, nhìn nhận thấu đáo.

SỬA ĐỔI CHÍNH SÁCH THEO HƯỚNG HÀI HÒA QUYỀN LỢI CẢ TRƯỚC MẮT LẪN LÂU DÀI

Liên quan đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay một trong những yếu tố được xem là nguyên nhân chính của tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần là thủ tục thực hiện quá thuận tiện, quá dễ dàng. “Chúng tôi đã đề nghị các địa phương khi người lao động đến làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần thì cán bộ sẽ tư vấn cho người lao động luôn về các quyền lợi khi không rút và cân nhắc về quyết định đó. Trong năm 2022 đã có khoảng 20.000 lao động khi đến nộp hồ sơ và qua tư vấn của bộ phận một cửa đã rút lại ý định nhận bảo hiểm xã hội một lần”, ông Thọ thông tin.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương. 
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương. 

Thực tế, vấn đề này đã được truyền thông qua rất nhiều kênh nên theo ông Thọ, nếu nói người lao động không hiểu biết thì không phải. “Mọi giải pháp đã được phân tích rất kỹ nhưng bao trùm lên tất cả là người lao động sợ chính sách thay đổi theo hướng bất lợi, đó chính là thiếu niềm tin. Bên cạnh đó, tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con” vốn đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt. Vì chính sách của chúng ta dễ dàng như thế nên chúng tôi cũng không thể nào cản trở người lao động không được nhận bảo hiểm xã hội một lần bằng cách gây khó khăn cho họ, mà buộc phải giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động”, ông Đỗ Ngọc Thọ phân trần.

Về các giải pháp cụ thể để hạn chế tình trạng trên, ông Đỗ Ngọc Thọ nói chưa thể đề cập chi tiết, song tới đây khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục phối hợp, trao đổi với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan để tìm các giải pháp phù hợp.

Mặc dù vậy, giải pháp nào chăng nữa thì trước hết vẫn phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động, đồng thời phải giải quyết được hài hòa quyền lợi của người lao động trong trước mắt và dài hạn. 

“Hiện chúng tôi đang cân nhắc đến giải pháp bổ sung chính sách để thúc đẩy chính sách nhằm giữ người lao động ở lại trong hệ thống. Tuy nhiên, thực sự đây là lần thứ 3 đặt ra vấn đề này nhưng vẫn rất khó khăn, chính sách của chúng ra cũng không giống nước nào trên thế giới, nhưng có nhiều chính sách đã ăn sâu vào tâm trí người lao động từ xưa đến nay như chính sách thôi việc, rút bảo hiểm xã hội một lần thì rất khó thay đổi ngay”, ông Đỗ Ngọc Thọ lí giải.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52 phát hành ngày 26-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hạn chế người lao động rút bảo hiểm một lần  - Ảnh 1