17:11 28/10/2022

Hạn chót "chốt" tăng, giảm nhu cầu vốn đầu tư các dự án giao thông năm 2022

Anh Tú

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa có công điện yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát chuẩn xác kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý...

Căn cứ đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công, Bộ sẽ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022.
Căn cứ đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công, Bộ sẽ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án căn cứ yêu cầu về tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, tiến hành rà soát, đánh giá khả năng thực hiện, chuẩn xác nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 theo từng dự án được giao quản lý.

Quá thời hạn trên, các đơn vị không có báo cáo được hiểu là không có nhu cầu điều hòa điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

Trên cơ sở báo cáo của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp nhu cầu điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 giữa các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý, tham mưu Bộ trưởng xem xét quyết định trước ngày 15/11/2022 theo quy định tại Nghị định số 40 ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án làm rõ nguyên nhân đề xuất tăng/giảm nhu cầu so với kế hoạch năm đã được giao của từng dự án (nếu có); tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Kế hoạch - Đầu tư) về nhu cầu điều hòa, điều chỉnh kế hoạch trước ngày 31/10.

"Việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên điều hòa, điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án trong cùng đơn vị. Đối với đề xuất giảm kế hoạch chỉ được điều chỉnh khi dự án khác có nhu cầu tăng kế hoạch", công điện nêu rõ.

Căn cứ đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công, Bộ sẽ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 của các tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các đơn vị.

Thủ trưởng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo và kết quả giải ngân kế hoạch năm 2022 của các dự án được giao quản lý.

Tính đến hết tháng 10, Bộ Giao thông vận tải dự kiến giải ngân được khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, gồm 2.991/4.877 tỷ đồng vốn ODA, đạt 61,3% kế hoạch và 27.143/45.451 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 59,7% kế hoạch.

Tốc độ giải ngân hết tháng 10 của Bộ Giao thông vận tải vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước, nhưng chậm hơn kế hoạch đề ra khoảng 655 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (66,1%).

Như vậy, từ nay tới cuối năm 2022, Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.194 tỷ đồng, tương đương 40,1% kế hoạch.

Theo đó, riêng cao tốc Bắc - Nam được ưu tiên đến 10.414,2 tỷ đồng, chiếm gần 52% kế hoạch giải ngân cuối năm. Cụ thể, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần giải ngân khoảng 6.504,4 tỷ đồng, chủ yếu cho công tác giải phóng mặt bằng; 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cần giải ngân khoảng 3.909,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.494 tỷ đồng; các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân 1.513,9 tỷ đồng và nhóm các dự án giao thông còn lại giải ngân 5.470 tỷ đồng...