10:30 21/01/2008

Hàn Quốc hết thời “nhất nam viết hữu”

Khi Park He-ran còn là một bà mẹ trẻ, chị em trong khu phố thường hỏi bà có bí quyết gì để sinh liên tục ba cậu con trai

Ở Hàn Quốc - từng là một trong những xã hội gia trưởng khắc nghiệt nhất châu Á - truyền thống chuộng con trai đã có từ nhiều thế kỷ, bây giờ nhanh chóng suy tàn.
Ở Hàn Quốc - từng là một trong những xã hội gia trưởng khắc nghiệt nhất châu Á - truyền thống chuộng con trai đã có từ nhiều thế kỷ, bây giờ nhanh chóng suy tàn.
Khi Park He-ran còn là một bà mẹ trẻ, chị em trong khu phố thường hỏi bà có bí quyết gì để sinh liên tục ba cậu con trai.

Thời đó, “nhiệm vụ tối cao” của phụ nữ Hàn Quốc là sinh cho gia đình chồng một nam tử. Năm nay 61 tuổi, bà Park lại rơi vào tình cảnh trái ngược. “Nghe tôi nói, chỉ có ba con trai, không có con gái, ai cũng tỏ vẻ thương hại. Chỉ trong một thế hệ, tôi từ một phụ nữ may mắn trở thành một bà mẹ đáng thương”, bà nói một cách chua chát.

Ở Hàn Quốc - từng là một trong những xã hội gia trưởng khắc nghiệt nhất châu Á - truyền thống chuộng con trai đã có từ nhiều thế kỷ, bây giờ nhanh chóng suy tàn; số lượng các vụ nạo phá thai sau khi xác định giới tính của thai nhi bằng siêu âm đã giảm mạnh.

Theo một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 10, Hàn Quốc là nước đầu tiên ở châu Á mà tình trạng mất cân bằng giới tính sơ sinh đang có xu thế đảo ngược, trở về với trạng thái cân bằng tự nhiên. Năm ngoái bình quân 107,4 bé trai mới sinh thì có 100 bé gái; tuy chưa phải là tỷ lệ bình thường nhưng đã giảm rất nhiều so với tỷ lệ 116,5 trai - 100 gái vào thập niên 1990.

Nhân tố quan trọng tạo nên sự thay đổi quan niệm của xã hội là do nền kinh tế mở rộng cửa cho phụ nữ tham gia, từ đó nâng cao vai trò và giá trị của phụ nữ. Chính phủ cũng có vai trò trong việc tuyên truyền, giáo dục người dân và thi hành những chính sách như cấm nạo phá thai “ngoài luồng”, cấm bác sĩ tiết lộ giới tính thai nhi trước ngày sinh.

Các nhà dân số học nói rằng, sự thay đổi quan niệm về con trai - con gái của người Hàn Quốc có thể đặt ra một khuôn mẫu tốt cho các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam - là những nơi truyền thống trọng nam khinh nữ cộng với kỹ thuật hiện đại đã dẫn tới việc nạo phá tràn lan những thai nhi giới tính nữ.

Theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNPF), ở Trung Quốc năm 2005, tỷ lệ nam - nữ sơ sinh là 120 trai - 100 gái; ở Việt Nam là 110 trai - 100 gái; còn ở Ấn Độ số liệu năm 2001 là 108 trai - 100 gái. UNPF cho rằng, mất cân đối về nam-nữ sẽ dẫn tới tình trạng gia tăng bạo lực giới tính và làm trầm trọng tình trạng buôn bán phụ nữ khi cơ hội kiếm vợ của nam thanh niên ngày càng ít.

Nghiên cứu trường hợp Hàn Quốc cho thấy, tệ nạn nạo phá thai nhi nữ rộ lên trong những năm 1980 cùng với sự ra đời của công nghệ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi. Mất cân bằng nam - nữ sơ sinh lên cao trào trong thập niên 1990, với tỷ lệ 112 trai - 100 gái, cho đến năm 2002 thì bắt đầu giảm và người ta hy vọng sẽ trở lại mức cân bằng 105 trai - 100 gái vào năm 2010 nếu chủ trương cấm tiết lộ giới tính thai nhi được thực thi triệt để.

Giáo sư Chung Woo-jin, trường Đại học Yonsei University ở Seoul, nhận xét: “Ngày xưa khi chưa có tấm lưới bảo hiểm xã hội, các bậc cha mẹ coi việc sinh con trai như một phương thức đầu tư cho tuổi già. Thật xấu hổ và nguy hiểm nếu không sinh được con trai; thậm chí nhiều cặp vợ chồng phải ly dị vì người vợ chỉ sinh toàn con gái”.

Nhưng từ thập niên 1980, Hàn Quốc tiến vào công nghiệp hóa và xã hội được định hình lại theo cách mà người dân Hàn Quốc không hình dung nổi. Đám con trai lớn lên kéo nhau ra thành phố tìm công việc làm có lương cao; các bậc cha mẹ cũng có thu nhập khá hơn, có tiền dành dụm để tự lo tuổi già mà không phải phụ thuộc vào con cái như trước. Ngay cả các cô gái sau khi lập gia đình cũng không bị buộc chặt vào nghĩa vụ phục vụ gia đình chồng mà còn có thể hỗ trợ cha mẹ ruột già yếu về tình cảm hoặc tài chính.

Những thay đổi về kinh tế càng ngày càng không cho phép đàn ông giữ rịt vợ ở nhà lo chuyện nội trợ. Khi phụ nữ tham gia lao động ngoài xã hội, họ lấy lại được niềm tự tin và sự kính trọng của người chung quanh. Phụ nữ Hàn Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ở các công sở, doanh nghiệp, các trường đại học hàng đầu của đất nước. Năm ngoái, cứ 10 phụ nữ Hàn Quốc trưởng thành có 6 người đang học đại học; năm 1981 tỷ lệ này chỉ là 1/10; nữ nghị sĩ chiếm 13% số ghế trong Quốc hội, gấp đôi so với bốn năm trước.

Theo nghiên cứu của WB, ở Hàn Quốc những thay đổi về kinh tế rất chậm tác động đến việc thay đổi quan niệm của xã hội về con cái. Lý do là Hàn Quốc phải trải qua một giai đoạn dưới chế độ độc tài quân phiệt, trong đó có những chính sách và luật lệ đặt ra để duy trì cái tôn ti trật tự theo kiểu Khổng giáo, khích lệ lòng trung thành không chỉ đối với các bậc trưởng lão trong gia đình mà cả các lãnh đạo của đất nước.

Khi đất nước này tiến sang thể chế dân chủ vào cuối thập niên 1980, quan niệm nam nữ bình quyền mới bắt đầu lan tỏa. Năm 1990, đạo luật chỉ cho phép con trai được thừa kế tài sản của gia đình - nền tảng của hệ thống Khổng giáo - trở thành điều luật đầu tiên về gia đình bị bãi bỏ; trong 15 năm tiếp theo những luật lệ tương tự cũng bị xóa bỏ hoặc thay đổi.

Việc sinh con trai không còn là nghĩa vụ “tối hậu” của phụ nữ Hàn Quốc. Viện Sức khỏe và xã hội Hàn Quốc khảo sát ý kiến của 5.400 phụ nữ dưới 45 tuổi chỉ có 10% nói rằng họ muốn sinh con trai. Tỷ lệ này vào năm 1991 là 40%. Đối với nhiều gia đình Hàn Quốc, việc con trai “nối dõi tông đường” là một quan niệm “không khoa học và phi lý” và càng ngày người ta càng không thấy sự khác biệt nào giữa con trai và con gái trong việc tạo ra và duy trì hạnh phúc của gia đình.