20:58 29/07/2021

Hàn Quốc rơi vào "khủng hoảng" vaccine, người dân chờ 111 giờ để được xếp lịch tiêm

Hoài Thu

Trang web đăng ký tiêm vaccine của chính phủ Hàn Quốc liên tục rơi vào tình trạng quá tải, trong khi nước này thiếu vaccine trầm trọng do những chủ quan ban đầu...

Xếp hàng tiêm vaccine Covid-19 tại Seoul vào đầu tháng 7 - Ảnh: Reuters
Xếp hàng tiêm vaccine Covid-19 tại Seoul vào đầu tháng 7 - Ảnh: Reuters

Tại Hàn Quốc, nơi từng được xem là hình mẫu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, chiến dịch tiêm vaccine diễn ra tương đối chậm, trong khi nước này đang hứng chịu làn sóng bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất từ trước tới nay. 

ĐĂNG KÝ TIÊM VACCINE NHƯ BỊ LỪA, CHỜ 111 GIỜ MỚI ĐẾN LƯỢT

Người dân Hàn Quốc hiện tiến hành đăng ký xếp lịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 qua một trang web của chính phủ. Thời gian gần đây, sau khi đăng nhập và đặt lịch hẹn, họ thường xuyên thấy một cửa sổ bật lên với dòng tin nhắn “đã có một chút chậm trễ”. 

Trong đó, đáng chú ý có trường hợp nhận được tin nhắn nói rằng: “Đang có 401.032 người xếp hàng trước bạn. Thời gian chờ dự kiến của bạn là 111 giờ, 23 phút và 52 giây” - theo ảnh chụp màn hình được một người chia sẻ trên mạng xã hội. 

Theo New York Times, chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại Hàn Quốc vài tháng gần đây diễn ra khá chậm và thiếu vaccine trầm trọng. Hàn Quốc nằm trong số nước có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất trong nhóm G20. Tính tới ngày 28/7, mới chỉ có 34,9% dân số nước này được tiêm ít nhất một liều vaccine - thấp hơn nhiều so với mức 55-70% tại các quốc gia phát triển khác.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-​in tiêm vaccine AstraZeneca hồi tháng 4 - Ảnh: Yonhap
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-​in tiêm vaccine AstraZeneca hồi tháng 4 - Ảnh: Yonhap

Hàn Quốc đang đối mặt với làn sóng ca nhiễm mới tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát với 1.896 ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 28/7. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay tại nước này.

Nhiều người chỉ trích chính phủ nước này “ngủ quên” với những thành công ban đầu trong công tác phòng chống dịch và tính toán sai mức độ khẩn cấp của việc tìm kiếm nguồn vaccine. Hậu quả của những sai lầm này càng thêm trầm trọng trong thời điểm mà nước này trở nên dễ tổn thương nhất trước đại dịch lịch sử. 

Đầu tháng này, quan chức Hàn Quốc thông báo cho những người ngoài 50 tuổi rằng đã đến lượt họ đăng ký tiêm vaccine. Sau đó, trang web đăng ký tiêm vaccine của chính phủ thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải và nghẽn khi có tới 10 triệu người truy cập cùng lúc. Trong khi đó, trang web chỉ có thể xử lý tối 300.000 yêu cầu đăng ký tại một thời điểm. 

Nhiều người được yêu cầu lặp lại quy trình đăng ký nhiều lần suốt nhiều giờ. Một số người tức giận cho rằng việc này giống như lừa đảo. Một số khác so sánh việc đăng ký tiêm vaccine giống như cố tranh giành để mua vé xem buổi biểu diễn của nhóm nhạc BTS - thường “cháy vé” trong vài phút. 

SỰ XA XỈ KHI CHỜ XEM VACCINE CÓ HIỆU QUẢ VÀ AN TOÀN KHÔNG

Làn sóng lây nhiễm mới khiến nhiều quan chức Hàn Quốc bất ngờ khi chỉ vài tuần trước, chính phủ đã cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch ngay trước mùa du lịch hè. Cơ quan chức năng nước này thông báo rằng sẽ cho phép tối đa 6 người ăn uống tại chỗ cùng nhau từ ngày 1/7, tăng từ giới hạn 4 người trước đó. Các câu lạc bộ đêm cũng được mở cửa trở lại. Nhà hàng, quán cà phê và phòng tập thể hình được mở cửa tới tối muộn. 

 

"Chúng ta không cần phải trở thành quốc gia đầu tiên hoặc thứ hai bắt đầu tiêm vaccine. Không giống như Mỹ và Anh, những quốc gia đã phải vội vàng tung ra vaccine để ngăn chặn các ca nhiễm nặng, Hàn Quốc được hưởng sự xa xỉ là có thể chờ xem liệu vaccine có hiệu quả và an toàn không".

SON YOUNG-RAE, QUAN CHỨC VỀ PHÒNG CHỐNG, DỊCH BỆNH TẠI HÀN QUỐC (THÁNG 12/2020)

Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cảnh báo rằng không nên nới lỏng các biện pháp hạn chế trong khi tỷ lệ tiêm chủng trong dân chúng vẫn ở mức thấp và biến thể Delta đang lây lan mạnh. 

“Chính phủ đã phát đi thông điệp sai lệch tới người dân”, Kim Woo-​joo, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hàn Quốc, nhận xét. 

Trong một khảo sát do Gallup Korea thực hiện vào tháng 11/2020, 87% người trưởng thành Hàn Quốc cho biết sẵn sàng tiêm khi có vaccine. Tỷ lệ này cho thấy sự nhiệt tình của người dân Hàn Quốc với vaccine Covid-19, cao hơn so với mức trung bình 72% của các quốc gia được khảo sát. 

Khi nhiều người chỉ trích chính phủ chậm trễ trong việc mua vaccine, các quan chức, trong đó có ông Son Young-rae - một quan chức cấp cao về phòng chống dịch bệnh của chính phủ, khuyên người dân không nên lo lắng. 

Trong phần lớn năm 2020, Hàn Quốc được ca ngợi với chương trình xét nghiệm thần tốc và truy vết, giúp nước này tránh được được các đợt phong tỏa nghiêm ngặt như ở nhiều quốc gia khác. Hàn Quốc là một trong số những nền kinh tế chịu ít ảnh hưởng nhất bởi đại dịch. 

“Chúng ta không cần phải trở thành quốc gia đầu tiên hoặc thứ hai bắt đầu tiêm vaccine”, ông Son nói vào tháng 12/2020. “Không giống như Mỹ và Anh, những quốc gia đã phải vội vàng tung ra vaccine để ngăn chặn các ca nhiễm nặng, Hàn Quốc được hưởng sự xa xỉ là có thể chờ xem liệu vaccine có hiệu quả và an toàn không”. 

Với việc gần như kiểm soát được dịch bệnh, Hàn Quốc không quyết liệt đặt mua khi các loại vaccine mới ở giai đoạn đầu nghiên cứu và thử nghiệm. 

Quốc gia này chỉ bắt đầu tiêm vaccine cho người dân từ cuối tháng 2 năm nay, chậm hơn 2 tháng so với Anh. Tính tới cuối tháng 5, tổng số liều vaccine được tiêm mỗi ngày tại nước này ít khi vượt quá 100.000.

Sau đó, khi có số lượng lớn vaccine AstraZeneca, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu một loại chính sách để kêu gọi người dân tiêm vaccine như cho phép những người đã tiêm vaccine ra ngoài mà không phải đeo khẩu trang hay đi du lịch theo đoàn. Vào đầu tháng 6, có khoảng có khoảng 877.000 người được tiêm vaccine mỗi ngày tại nước này. 

Lô vaccine Pfizer do Israel gửi về đến sân bay quốc tế Incheon gần Seoul vào đầu tháng 7 - Ảnh: AP
Lô vaccine Pfizer do Israel gửi về đến sân bay quốc tế Incheon gần Seoul vào đầu tháng 7 - Ảnh: AP

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc không thúc giục mạnh mẽ để nhận được vaccine sớm khiến Hàn Quốc nằm ở nhóm cuối trong danh sách được nhận vaccine. Tới khi nước này cần một số lượng vaccine lớn, nguồn cung lại khan hiếm trầm trọng do các nhà sản xuất không đáp ứng kịp nhu cầu trên toàn thế giới. Và sự khan hiếm càng thêm trầm trọng khi các biến thể virus nguy hiểm và lây lan nhanh thổi bùng làn sóng dịch bệnh mới.

Theo hợp đồng, Hàn Quốc đã đặt mua 190 triệu liều vaccine, đủ để tiêm cho toàn bộ dân số, mỗi người hai liều. Tuy nhiên, đến nay nước này mới chỉ nhận được 25 triệu liều. 

Sự tuyệt vọng của dân chúng với chiến dịch tiêm chủng gây áp lực không nhỏ tới chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in. Một trong những ưu tiên của ông khi gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 5 là muốn Mỹ giúp đảm bảo nguồn cung vaccine.

Sau đó, phía Mỹ đã cung cấp cho Hàn Quốc 1 triệu liều vaccine Johnson & Johnson (loại chỉ cần tiêm một liều). Hàn Quốc cũng nhận được 780.000 liều từ Israel đầu tháng này và cam kết sẽ trả lại số vaccine khác trong tương lai. 

"NGƯỜI DÂN CẦN VACCINE, CHỨ KHÔNG CẦN ĐƯỢC BỎ KHẨU TRANG"

Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Tới cuối tháng 6, dự trữ vaccine của nước này bắt đầu cạn kiệt. Công tác tiêm chủng bị chững lại xuống chỉ còn dưới 200.000 người được tiêm trong nhiều ngày. 

Tới đầu tháng 7, khi số lượng ca nhiễm mới bắt đầu tăng vọt, số người được tiêm vaccine mỗi ngày giảm xuống có lúc chỉ còn 1.665 người, buộc chính phủ phải hủy bỏ kế hoạch mở cửa trước mùa du lịch hè.

Mới đây, chính phủ Hàn Quốc đưa ra các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay, trong đó có việc cấm tập trung trên hai người vào buổi tối. 

“Tôi cảm thấy bối rối không biết chính phủ đang làm gì khi nói về việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch trước kỳ nghỉ hè trong khi chúng tôi vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày. Hầu hết những người trẻ với nhiều hoạt động xã hội thậm chí còn chưa tiêm mũi vaccine đầu tiên”, ông Kim Young-ho, một nhân viên giao hàng ở Seoul cho biết. "Người dân cần vaccine chứ không cần được bỏ khẩu trang”. 

Nhiều người dưới 50 tuổi tại Hàn Quốc đến nay chưa thể được tiêm vaccine. Từ hôm 27/7, Chính phủ bắt đầu tiêm cho hàng triệu người trên 50 tuổi và dự kiến bắt đầu tiêm cho người dưới 50 tuổi vào đầu tháng sau. 

Bộ trưởng Hàn Quốc Kim Boo-​kyum đã lên tiếng xin lỗi vì gây ra sự thất vọng và bối rối cho người dân, đồng thời thừa nhận rằng chính phủ đã quá mong muốn nới lỏng các biện pháp hạn chế và giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như gia đình thu nhập thấp - nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. 

Trong vài tuần tới, tốc độ tiêm chủng tại Hàn Quốc được dự báo sẽ nhanh hơn với 73 triệu liều vaccine dự kiến về tới vào cuối tháng 9. Chỉ riêng trong ngày 27 và 28/7, nước này có tổng cộng 1 triệu người được tiêm vaccine. 

Dù gặp phải một số trục trặc, quan chức Hàn Quốc cho biết họ vẫn tự tin rằng có thể đạt được mục tiêu tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho 36 triệu người - tương đương 70% dân số - vào cuối tháng 9.