15:31 30/03/2011

Hàng hóa, dịch vụ rục rịch “nhấn ga” tăng giá

Y Nhung

Giá xăng dầu vừa tăng lên mức kỷ lục, khiến tới đây không ít hàng hóa, dịch vụ có thể sẽ phải điều chỉnh theo

Giá bán tại siêu thị cũng sẽ có mức tăng trễ hơn so với giá trên thị trường tự do.
Giá bán tại siêu thị cũng sẽ có mức tăng trễ hơn so với giá trên thị trường tự do.
Từ 22h tối 29/3, giá xăng dầu đã đồng loạt được điều chỉnh tăng thêm từ 10-15% so với trước đó. Mức tăng mạnh này, theo nhận định, có thể khiến giá cả của không ít hàng hoá, dịch vụ cũng bị đẩy lên.

Cước vận tải sẽ tiếp tục tăng

Vào ngày 24/2, khi giá xăng dầu tăng lần đầu tiên trong năm 2011 với mức 17% áp dụng đối với mặt hàng xăng và 24% đối với dầu diezel, thì theo tính toán của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, chi phí đầu vào trực tiếp của các doanh nghiệp vận tải cũng tăng thêm khoảng 10%. Cùng với các yếu tố tác động khác như tỷ giá… cước phí phải tăng trung bình là 15% để bù đắp cho các chi phí.

Và từ đầu tháng 3, mức tăng này đã được các doanh nghiệp vận tải áp dụng.

Vậy, sau lần giá xăng dầu tăng thêm từ 2.000 - 2.800 đồng/lít từ tối 29/3, giá cước vận tải có tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm?

Trả lời VnEconomy, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nói trước đây, khi giá xăng dầu còn ở mức thấp, nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 45% chi phí hoạt động của doanh nghiệp vận tải, nhưng nay thì con số này đã vượt 50%.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội, khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng thêm khoảng 10%, các doanh nghiệp hãy tính đến phương án điều chỉnh giá. Điều này đồng nghĩa với việc, giá dịch vụ vận tải của nhiều công ty tới đây sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mức tăng cần phải tính toán để điều chỉnh cho phù hợp với từng khu vực và để khách hàng có thể chấp nhận.

“Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp vận tải hiện ở mức khá thấp, chỉ khoảng 10%, nên nếu không tăng giá sẽ khó có điều kiện để tái sản xuất mở rộng”, ông Hùng "giãi bày".

Tuy vậy, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng kêu gọi các doanh nghiệp cần phải tiết giảm các chi phí, tổ chức lại việc vận chuyển để hạn chế tình trạng chạy xe không có khách gây lãng phí lớn về nhiên liệu và gây ô nhiễm đối với môi trường.
 
Thép, xi măng đang “nghe ngóng”

Đối với ngành thép, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: để luyện được một tấn thép thành phẩm từ phôi mất khoảng 40 kg dầu FO (dầu mazut). Theo mức điều chỉnh tăng giá vừa rồi của Bộ Tài chính, mặt hàng này tăng 2.000 đồng/kg, từ 14.800 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg, tương đương giá thành mỗi tấn thép thành phẩm tăng lên là khoảng 80.000 đồng. Đó là chưa kể tới các chi phí khác cũng sẽ phải tăng như vận tải…

Như vậy, theo ông Nghi, các doanh nghiệp thép cũng sẽ phải đối mặt với bài toán tăng giá.

“Song, mức tăng bao nhiêu còn phải phụ thuộc vào giá phôi, thép phế trên thế giới. Đây mới chính là nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, sức mua của thị trường trong thời gian tới cũng là một trong các yếu tố quyết định mức tăng của hàng hoá này”, ông Nghi nói.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Chánh văn phòng Hiệp hội Xi măng thì cho hay, sau đợt điều chỉnh tăng thêm 60.000 đồng/tấn vào đầu tháng 2/2011, các doanh nghiệp trong ngành hầu hết vẫn chưa có sự thay đổi về giá. Mặt hàng này  đang được bán ra phổ biến từ 900.000 đồng - 1,36 triệu đồng/tấn, tuỳ theo chủng loại và khu vực. Nhưng sau hai lần giá xăng dầu được điều chỉnh với mức tăng rất cao, tới đây giá bán của vật liệu này sẽ không thể giữ nguyên.

Thêm vào đó, thời điểm này cũng đã có thông tin từ 1/4, giá bán than cho sản xuất xi măng sẽ tăng thêm 500.000 đồng/tấn lên mức 1,8- 1,9 triệu đồng/tấn đối với than cám 3c, 4a.

“Trong khi hiện nay điện và xăng dầu đang chiếm từ 40-50% chi phí sản xuất của các nhà máy xi măng. Do đó, sang tháng 4, chắc chắn các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh giá để bù đắp cho các chi phí đầu vào”, ông Điệp nhìn nhận.

Hàng tiêu dùng sắp có giá mới?

Theo thông tin từ Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, các siêu thị đã nhận được rất nhiều đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp. Mức tăng được áp dụng đối với hầu hết các sản phẩm từ may mặc, thực phẩm đến đồ gia dụng, với mức thấp nhất là 3% và cao nhất là 15%.

Ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng việc giá xăng vừa chính thức được điều chỉnh tăng khá mạnh sẽ làm cho chi phí sản xuất, vận chuyển của nhiều doanh nghiệp bị đẩy lên, giá đầu ra chắc chắn cũng phải tăng theo.

Tuy nhiên, giá bán tại siêu thị cũng sẽ có mức tăng trễ hơn so với giá trên thị trường tự do. Ông Phú dự đoán, mức giá mới sẽ được nhiều siêu thị áp dụng từ khoảng 10-15/4 tới.

Cũng theo khuyến cáo của ông Phú, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá để hạn chế tình trạng “té nước theo mưa” khiến giá cả tăng đột biến đối với nhiều mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiếu yếu gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.