Hãng lithium lớn nhất thế giới cầu cứu vì khó cạnh tranh với Trung Quốc
Nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới Albemarle kêu gọi các chính phủ can thiệp nhằm giảm bớt vị thế thống trị của Trung Quốc trên thị trường các khoáng sản quan trọng đối với việc sản xuất ô tô điện...
CEO Kent Masters của Albemarle - công ty có trụ sở ở Mỹ - muốn có thêm sự trợ giúp từ các quốc gia và nhà sản xuất ô tô để chống lại sự cạnh tranh của Trung Quốc sau sự sụt dốc của thị trường lithium, thành phần chính của pin dùng cho xe điện và xe hybrid.
“Nếu có ý định xây dựng chuỗi cung ứng phương Tây cho ô tô điện, chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ”, ông Masters nói với tờ báo Financial Times.
Giá lithium giảm mạnh đã khiến doanh nghiệp phương Tây khó cạnh tranh hơn với các nhà sản xuất Trung Quốc do chi phí sản xuất ở Trung Quốc rẻ hơn. Đây là lý do Albemarle phải cắt giảm kế hoạch mở rộng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá lithium đã giảm hơn 80% xuống dưới 12.000 USD/tấn do doanh số bán ô tô điện toàn cầu chậm lại và có sự xuất hiện của một làn sóng nguồn cung lithium mới. Ngoài ra, đạo luật chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cụ thể là Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), đã không thể giảm được sự phụ thuộc của phương Tây vào Trung Quốc về các vật liệu như lithium - theo ông Masters.
“Chúng tôi không nhất thiết phải nhận được sự ủng hộ từ thị trường hoặc những doanh nghiệp khác trong ngành về việc đây có phải là một cuộc khủng hoảng hay không, nhưng đây đang là một thời điểm rất quan trọng. Hoặc Trung Quốc sẽ kiểm soát các chuỗi cung ứng này hoặc chúng ta sẽ phải xây dựng chuỗi cung ứng của phương Tây để cạnh tranh.Tôi không chắc liệu phương Tây ở thời điểm hiện tại có đang xây dựng những chuỗi cung ứng như vậy hay không” - vị CEO nói.
Hôm thứ Tư tuần này, Albemarle công bố kế hoạch cắt giảm chi phí lần thứ hai trong năm nay, bao gồm việc dừng hoạt động một dây chuyền sản xuất và tạm dừng mở rộng nhà máy tinh luyện lithium hydroxit Kemerton ở Australia.
Các nhà phân tích cho rằng động thái này sẽ dẫn đến khoản lỗ khoảng 1 tỷ USD và cắt giảm 300 việc làm, đồng thời phản ánh lợi thế lớn của Trung Quốc trong việc tinh chế các khoáng sản chiến lược.
Theo công ty dữ liệu hàng hóa Benchmark Mineral Intelligence, Trung Quốc chế biến 65% lượng lithium của thế giới. Quốc gia châu Á này có lợi thế nhờ chi phí xây dựng rẻ hơn, các khoản trợ cấp và bí quyết kỹ thuật.
Các vấn đề của Albemarle - công ty vốn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân có kỹ năng để điều hành hoạt động phức tạp tại nhà máy Kemerton - có thể khiến các quan chức chính phủ phương Tây phải hành động.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Australia, bà Madeleine King, hôm thứ Năm cam kết sẽ đẩy nhanh các ưu đãi thuế đã được lên kế hoạch dành cho các doanh nghiệp chế biến các khoáng sản quan trọng.
Các doanh nghiệp châu Âu như AMG Critical Materials - công ty sắp xây dựng một nhà máy lọc lithium nhỏ ở Đức - cũng tin rằng họ có thể cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách sử dụng công nghệ mới nhất để giảm chi phí vận hành. Giám đốc điều hành AMG, ông Heinz Schimmelbusch, nói “chúng tôi không cho là sẽ có những trở ngại lớn” trong việc đưa dây chuyền sản xuất đầu tiên vào hoạt động, do Đức có lịch sử lâu đời về lithium và hóa chất.
IRA, đạo luật trị giá 369 tỷ USD của ông Biden, đã thúc đẩy việc xây dựng một số nhà máy sản xuất ô tô điện và pin xe điện ở Mỹ. Ông Masters cho rằng đạo luật này “quan trọng” nhưng “chưa bao giờ thực sự ngấm tới lĩnh vực các khoáng sản quan trọng”.
Albemarle đã xây dựng chiến lược của mình trên cơ sở hy vọng rằng các nhà sản xuất ô tô sẽ trả mức giá cao hơn cho những sản phẩm lithium có thể đảm bảo rằng những chiếc ô tô điện sử dụng sản phẩm lithium đó đủ điều kiện nhận được tín dụng thuế theo quy định của IRA.
Các nhà sản xuất ô tô điện được hưởng khoản tín dụng thuế tiêu dùng trị giá 3.750 USD đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ nếu xe đó có đạt trên một mức nhất định về nguyên liệu pin được sản xuất trong nước hoặc đến từ các đối tác thương mại được chọn hoặc được tái chế.
Albemarle lỗ ròng 188 triệu USD trong quý 2 năm nay, trái ngược hoàn toàn với khoản lãi ròng 650 triệu USD đạt được vào cùng kỳ năm trước.
Các nhà phân tích tại công ty Berenberg cho rằng Albemarle có thể cần được bơm 2 tỷ USD tiền vốn để có thể trang trải các nghĩa vụ nợ vào năm tới. Tuy nhiên, ông Masters khẳng định công ty của ông có thể đủ khả năng tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn này.