Hàng loạt tỉnh, thành “thần tốc” xây dựng sàn thương mại điện tử trong thời đại dịch
Dịch Covid-19 được ví như "chất xúc tác mạnh" giúp thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh. Năm 2021, hàng loạt các tỉnh thành đã tự thân thành lập các sàn thương mại điện tử "nội tỉnh" để thúc đẩy giao thương...
Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, qua 2 năm đại dịch, tỷ lệ người dân lựa chọn mua sắm bằng hình thức trực tuyến - qua các sàn thương mại điện tử đã tăng nhanh. Tới nay hơn một nửa dân số Việt Nam - khoảng 45 triệu người đã tham gia mua sắm trực tuyến.
Nhìn nhận về xu hướng tiêu dùng của người Việt trong 2 năm vừa qua, các chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, người tiêu dùng ngày càng hứng thú hơn với sự tiện lợi của hình thức mua sắm trực tuyến. Việc sử dụng thanh toán trực tuyến thường xuyên hơn khiến khách hàng nhận ra sự an toàn và đơn giản của các hình thức này. Tuy nhiên, nhóm đối tượng khách hàng này phần lớn vẫn là nhóm trung lưu, ở các thành phố lớn.
Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năng lực kỹ thuật số và có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử.
Bắc Giang là địa phương thành công nhất trong số những tỉnh thành đã kết nối số để đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử.
Sau thành công trong tiêu thụ vải thiều qua các kênh thương mại điện tử, tử, những tháng gần đây, Bắc Giang tiếp tục quảng bá, giới thiệu nông sản chủ lực, đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng và doanh nghiệp trong vào ngoài nước qua các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, thông qua các sự kiện kết nối giao thương, qua các sàn thương mại trực tuyến, hàng loạt doanh nghiệp đã ký kết sẽ bao tiêu hơn 48.000 tấn cam; 36.000 tấn bưởi, 4.000 tấn na và hơn 60.000 tấn thịt lợn và khoảng 17.000 tấn thịt gà và nhiều loại nông sản… trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Cùng chung xu hướng chạy đua để đẩy mạnh giao thương trên không gian mạng, theo ghi nhận của VnEconomy, chỉ tính từ đầu năm 2021 tới nay, hàng các tỉnh thành như Bắc Cạn, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bình Dương, Cà Mau… đã “tự túc” xây dựng các sàn thương điện tử của tỉnh nhà để giúp nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Mới đây nhất, ngày 21/12, tỉnh Bình Dương cũng đã chính thức cho ra mắt sàn thương mại điện tử của địa phương mình. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, giao thương qua nền tảng số đang là xu hướng tất yếu, việc ứng dụng công nghệ, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ông Minh cũng rất tin tưởng sàn thương mại điện tử Bình Dương sẽ kết nối và mở ra một "cánh cửa mới" cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Dương nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng phát triển thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Không chỉ dừng ở sàn thương mại điện tử tiêu thụ nông sản, cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chính thức trở thành địa phương dẫn đầu ra mắt sàn thương mại điện tử du lịch, đánh dấu bước chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Đại diện UBND tỉnh Vũng Tàu cho biết, sàn du lịch trực tuyến của Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi quy tụ các sản phẩm đặc sản, các dịch vụ du lịch, lưu trú, hhà hàng, khách sạn… trên địa bàn tỉnh và sẽ là cầu nối độc đáo giúp khách hàng toàn quốc và quốc tế dễ dàng tìm kiếm.
Các doanh nghiệp có thể tự đăng ký gian hàng, các tour sau đó quảng bá trên sàn, các chương trình kích cầu, ưu đãi. Trong năm đầu tiên, doanh nghiệp sẽ được miễn phí phí sàn.
Khách du lịch có thể vào xem và so sánh, tìm hiểu thông tin một cách công khai, minh bạch và thanh toán bằng thẻ nội địa, thanh toán bằng thẻ quốc tế. Cũng như các sàn thương mại điện tử khác, khách du lịch hoàn toàn được đánh giá bằng sao và phản hồi về sản phẩm trên trang này.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, ngay sau khi ra mắt, sàn du lịch đã có khoảng hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia sàn. Trong tương lai, sàn sàn du lịch của Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được nâng cấp cả bản tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử đánh giá, Bà Rịa -Vũng Tàu là tỉnh tiên phong trong việc lập sàn về du lịch. Việc lập sàn du lịch cho thấy tỉnh rất chú trọng khai thác thế mạnh du lịch bằng việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Sàn thương mại du lịch của Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giúp tỉnh quảng bá, kết nối các doanh nghiệp với du khách hiệu quả, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid -19.
Có thể nói, hai năm vừa qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt thái độ tiếp cận của nhiều địa phương với vấn đề này đã có sự chuyển biến tích cực, rõ nét.
Bằng chứng là nhiều địa phương không ngồi yên chờ đợi sự trợ giúp của các bộ, ngành trung ương, thay vào đó, nhiều sàn thương mại đã được hoàn thiện, vận hành để giới thiệu, quảng bá những sản phẩm của tỉnh.
Tuy nhiên, để các sàn thương mại điện tử này thành công thực sự, giúp thúc đẩy giao thương tốt hơn thì cần thêm thời gian và cả những số liệu báo cáo thực tế để có thể giá chính xác hiệu quả.
Các chuyên gia về thương mại điện tử cho rằng, hiện vẫn còn những khó khăn nhất định khiến cho việc thúc đẩy giao thương số tại các tỉnh, thành gặp nhiều trở ngại.
Điển hình nhất đó là thói quen của nông dân chủ yếu vẫn là buôn bán qua thương lái, kỹ năng bán hàng của người dân qua các sàn thương mại điện tử còn hạn chế, bên cạnh đó tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh rất thấp, vì vậy việc thực hiện thanh toán trực tuyến sẽ còn nhiều trục trặc...