VCCI nói gì về miễn thuế mua hàng nước ngoài qua sàn thương mại điện tử?
Góp ý về chính sách miễn thuế nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử, VCCI kiến nghị Bộ Tài chính áp dụng hạn ngạch miễn thuế theo năm hoặc theo từng sàn thương mại điện tử và xây dựng cơ chế quản lý theo người bán...
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
HẠN NGẠCH MIỄN THUẾ NÊN TÍNH THEO NĂM VÀ QUẢN LÝ THEO NGƯỜI BÁN
Theo VCCI, dự thảo đặt ra giới hạn miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành, miễn thuế nhập khẩu với hàng hoá giao dịch qua thương mại điện tử là 01 đơn/ngày và không quá 4 đơn/tháng và quản lý theo người mua tại Việt Nam là chưa hợp lý.
VCCI phân tích, thứ nhất, cách thiết kế giới hạn theo đơn vị ngày, tháng rất khó áp dụng và thiếu tính khả thi.
Theo quy định tại Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc đơn hàng có được miễn kiểm tra chuyên ngành hay không cho người mua trước khi mua hàng. Việc này sẽ yêu cầu một cơ chế liên thông thông tin giữa tất cả các sàn.
“Nếu hệ thống truy vấn không thể đáp ứng được các yêu cầu trên, quy định này sẽ gây rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp khi không thể cung cấp thông tin chính xác cho khách hàng và tăng rủi ro hủy đơn, dẫn đến tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Do vậy, việc áp dụng hạn ngạch nên được quản lý theo khoảng thời gian dài hơn, chẳng hạn, theo năm hoặc quản lý đơn lẻ theo từng sàn thương mại điện tử”, VCCI kiến nghị.
“Cơ chế này sẽ rất phức tạp do đặc thù của hoạt động mua sắm thương mại điện tử do người tiêu dùng thường sử dụng nhiều nền tảng sàn thương mại điện tử, vì vậy, hệ thống phải kết nối thông tin giữa tất cả các sàn thương mại điện tử”, VCCI phân tích.
Bên cạnh đó, do các chương trình khuyến mại lớn và người mua có thể lựa chọn sẵn sản phẩm cần mua, trong thời điểm khuyến mại, người mua có thể nhanh chóng đặt rất nhiều đơn hàng cùng lúc.
Việc này yêu cầu Hệ thống truy vấn phải cực kỳ nhanh và cập nhật liên tục để trả kết quả chính xác đến từng giây.
Thứ hai, cách quản lý theo người mua cũng chưa phù hợp với giao dịch qua biên giới qua thương mại điện tử do những đặc điểm khác biệt của hình thức này so với việc giao dịch qua biên giới truyền thống.
Cụ thể, theo lý giải của VCCI, đối với giao dịch qua biên giới truyền thống, các đơn vị nhập khẩu ở Việt Nam thường là các đơn vị nhập khẩu thường xuyên nên có tính chuyên nghiệp và có thể xác định được một cách chính xác.
Trong khi đó, các thông tin về người bán ở nước ngoài thường khó kiểm chứng và thực tế có thể dùng nhiều cách thức để thay đổi từ người bán này sang người bán khác. Do vậy, cơ quan nhà nước thường quản lý hoạt động nhập khẩu theo người mua là đơn vị nhập khẩu.
Nhưng với giao dịch thương mại điện tử qua biên giới hoàn toàn khác.
Hoạt động giao dịch qua sàn thương mại điện tử kiểm soát được thông tin từ cả hai phía, cả người mua và người bán và đặc biệt là thông tin người bán được kiểm soát chặt chẽ hơn rất nhiều theo các quy định tại Nghị định 52.
Hơn nữa, người mua trên sàn thường có xu hướng dựa vào các tiêu chí như đánh giá, số lượng mua hàng,… để lựa chọn người bán. Do đó, các đơn hàng thường sẽ tập trung chủ yếu vào một số lượng người bán nhất định. Các thông tin về những người bán như tên gian hàng, thông tin người bán, thông tin gian hàng sẽ đầy đủ và khó thay đổi.
Do vậy, “thay vì quản lý theo người mua, cơ chế kiểm soát hạn ngạch có thể áp dụng cho người bán. Theo đó, những người bán có số lượng đơn hàng trong năm thấp có thể được miễn kiểm tra chuyên ngành, tương tự như cách thức quản lý với hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh. Những người bán có số lượng đơn hàng lớn có thể áp dụng việc kiểm tra chuyên ngành”, VCCI kiến nghị.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng áp dụng giới hạn theo năm hoặc theo từng sàn thương mại điện tử, hoặc xây dựng cơ chế quản lý theo người bán.
CHẶN ĐỨNG "CHIÊU" CHIA NHỎ LÔ HÀNG ĐỂ TRỐN THUẾ
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được miễn thuế nhập khẩu gồm 2 loại.
Thứ nhất là, hàng hóa nhập khẩu có giá trị hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống.
Thứ hai là, hàng hóa nhập khẩu có giá trị hải quan theo từng đơn hàng trên 1 triệu đồng nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 100.000 đồng.
Ngoài ra, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế, miễn quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu không quá 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, hiện quy định của pháp luật về thuế nhập khẩu có đề cập hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh, không phân biệt hàng hóa thương mại điện tử hay hàng hóa khác, có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc tổng số thuế từ 100.000 đồng trở xuống thì được miễn thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, chưa có cụ thể số lần hoặc lô hàng được miễn thuế, vì vậy có tình trạng người khai hải quan lợi dụng chính sách này để chia nhỏ lô hàng nhằm trốn thuế.
Vì vậy, quy định tại dự thảo nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách miễn thuế để chia, tách hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế khi thực hiện mua bán hàng hóa qua giao dịch thương mại điện tử.