15:51 10/04/2023

Hàng T2 xả lớn, thanh khoản tăng cao, VN-Index giảm phiên thứ 3 liên tiếp

Kim Phong

Lượng hàng kỷ lục hôm 6/3 về tài khoản đã tạo sức ép mạnh hôm nay và cả buổi chiều VN-Index chìm dưới vùng đỏ. Độ rộng cũng co hẹp kết hợp với thanh khoản khớp lệnh hai sàn lên tới gần 15.200 tỷ đồng, tăng 38% so với phiên cuối tuần trước...

Các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục gây sức ép mạnh lên chỉ số.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục gây sức ép mạnh lên chỉ số.

Lượng hàng kỷ lục hôm 6/3 về tài khoản đã tạo sức ép mạnh hôm nay và cả buổi chiều VN-Index chìm dưới vùng đỏ. Độ rộng cũng co hẹp kết hợp với thanh khoản khớp lệnh hai sàn lên tới gần 15.200 tỷ đồng, tăng 38% so với phiên cuối tuần trước.

Nhóm blue-chips tiếp tục là các mã chịu áp lực lớn nhất, VN30-Index đóng cửa giảm 0,14% và chỉ còn 5 mã tăng/20 mã giảm. Độ rộng toàn sàn HoSE cũng xấu hơn, với 173 mã tăng/215 mã giảm. Hôm nay là phiên độ rộng sàn này kém nhất 8 phiên vừa qua.

Diễn biến thị trường gần đây tách biệt giữa độ rộng cổ phiếu và biến động của chỉ số. VN-Index hầu như chỉ đi ngang và giảm, trong khi độ rộng thể hiện cổ phiếu vẫn tăng tốt. Tuy nhiên đến hôm nay thì số giảm giá đã bắt đầu vượt lên, thể hiện áp lực bán đã có ảnh hưởng rõ rệt hơn.

Hôm nay cũng là phiên lượng hàng kỷ lục của ngày 6/3 về tài khoản. Tính riêng khớp lệnh 2 sàn, hơn 1,1 tỷ cổ phiếu tương đương trên 16,9 ngàn tỷ đồng về tài khoản. Giao dịch hôm nay đạt 943,4 triệu cổ và gần 15,2 ngàn tỷ. Tính ra vẫn có một lượng hàng được giữ lại.

VN-Index mất điểm chủ yếu do nhóm cổ phiếu lớn yếu. Độ rộng của rổ VN30 quá tệ kết hợp với nhiều mã trụ giảm sâu: BID giảm 2,08%, VCB giảm 1,11%, VHM giảm 1,78%, VIC giảm 1,1% và GAS giảm 1,68%, HPG giảm 2,36%... Toàn bộ 10 cổ phiếu khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất toàn là các mã trong nhóm VN30.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là các mã có sức đề kháng tốt nhất nhưng cũng không còn rõ rệt. Chỉ số Midcap tăng không đáng kể 0,22%, Smallcap giảm 0,09%. 11 cổ phiếu tăng kịch trần tại HoSE nổi bật một số mã bán lẻ như MWG, PET với thanh khoản khá lớn, tương ứng 114,7 tỷ đồng và 59,4 tỷ đồng. Ngoài ra FRT cũng tăng 4,1% với giao dịch hơn 150 tỷ đồng.

VN-Index thể hiện thị trường chịu sức ép mạnh hơn trong phiên chiều.
VN-Index thể hiện thị trường chịu sức ép mạnh hơn trong phiên chiều.

Tính chung toàn sàn HoSE, trong 173 mã còn tăng, 88 cổ phiếu tăng trên 1%. Tổng giá trị khớp lệnh của nhóm này chiếm khoảng 27% giá trị sàn. Tuy nhiên cũng chưa tới một nửa số này đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng (29 mã). 10 cổ phiếu giao dịch lớn nhất là SHB tăng 3,45%, DIG tăng 2,35%, KBC tăng 5,39%, MWG tăng 5,13%, TCB tăng 2,2%, POW tăng 2,3%, FRT tăng 4,1%, DBC tăng 4,56%, DGW tăng 6,87%, KDH tăng 1,07%. Tất cả các cổ phiếu này đều có thanh khoản trên 100 tỷ đồng.

Dù vậy rất nhiều mã trong nhóm tăng mạnh nhất và có thanh khoản tốt nhất này chịu áp lực bán thấy rõ. DIG chẳng hạn, vẫn tụt dốc gần 2,25% so với mức đỉnh, TCB tụt 1,95%, FRT tụt 2,08%, DBC tụt 1,97%...

Thống kê toàn sàn HoSE, tới hơn 82% số cổ phiếu phát sinh giao dịch hôm nay có diễn biến giá tụt dần về cuối phiên. Tới 231 cổ phiếu tụt tối thiểu 1%, 144 mã tụt trên 2%. Điều đó cho thấy bất kể cổ phiếu còn tăng giá hay không thì vẫn xuất hiện lực bán đáng kể.

Khối ngoại phiên này cũng bán ròng mạnh 305,4 tỷ đồng, với giá trị bán tuyệt đối trên HoSE là 1.099,5 tỷ đồng. Đây là quy mô bán lớn nhất 5 phiên. Mức mua vào khoảng 794,1 tỷ đồng. Lực mua của khối ngoại đang ở mức thấp so với trung bình các tuần trước và quỹ Fubon không còn hút được thêm vốn mới. Tuần trước quỹ này không còn mua nữa và cuối tuần còn bị rút vốn ròng.

Các cổ phiếu bị khối ngoại xả ròng lớn hôm nay là HPG -108,5 tỷ, STB -73,4 tỷ, KDH -61,5 tỷ, VPB -33,9 tỷ, DGC -19,6 tỷ, VCB -19,5 tỷ, POW -17,8 tỷ, BID -16 tỷ... Phía mua có HDB +51,6 tỷ, SSI +44,6 tỷ, VND +21,3 tỷ, VRE +16,7 tỷ...

Thanh khoản dâng cao trong những ngày qua là một tín hiệu tốt cho thấy dòng tiền đã quay lại mạnh mẽ. Tuy nhiên điều đó cũng hàm ý có nhiều nhà đầu cơ ngắn hạn tranh thủ chốt lời. Độ rộng bắt đầu co hẹp lại trong mỗi vòng T2 hàng về đồng nghĩa với sức ép từ bên bán bắt đầu có hiệu lực. Thị trường bước vào giai đoạn thử thách cung cầu quan trọng.