15:00 06/02/2007

Hàng tốt, vì sao chẳng ai mua?

"Quả thật, từ trước đến nay tôi chưa biết cách tính khoản gọi là “hoa hồng cho người đi mua xe”, có lẽ vì vậy tôi không bán được nhiều"

Ông Phạm Thời Nghĩa với chiếc xe chữa cháy mini chào hàng giá rẻ, chẳng ai chịu mua.
Ông Phạm Thời Nghĩa với chiếc xe chữa cháy mini chào hàng giá rẻ, chẳng ai chịu mua.
Công ty Động Lực vừa nghiên cứu và sản xuất thành công xe chữa cháy mini, tiện dụng chữa cháy tức thời trong các khu dân cư hẻm nhỏ, chợ, siêu thị... và tung ra bán với mức giá chỉ 95 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn máy bơm khiêng tay của Nhật (khoảng 200 triệu đồng/chiếc).

Thế nhưng kỹ sư Phạm Thời Nghĩa - Giám đốc Công ty - lại đang buồn vì “chất lượng châu Âu, giá thành Việt Nam”, lại chẳng ai mua

Với mức giá bằng 55% hàng nhập, chỉ trừ bồn chứa nước inox sản xuất tại Việt Nam, còn toàn bộ linh kiện, thiết bị nhập từ châu Âu, ông nghĩ sao khi khách không mua hàng?

Là một kỹ sư, lại được sự hỗ trợ chuyên môn của hãng Ziegler, Rosenbauer từ Đức, tôi đảm bảo về mặt chuyên môn là tính năng kỹ thuật của xe chữa cháy Động Lực không thua kém xe nhập. Giá rẻ do chi phí nhân công tại Việt Nam rẻ, công ty chưa đầu tư nhiều vào quảng cáo, tiếp thị...

Điều tôi cảm thấy bức xúc là các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thời gian qua nói rất nhiều trên báo đài về chuyện “cháy” ở các chợ, khu chung cư, hẻm nhỏ... nhưng ý thức thật sự về chuyện phòng cháy lại không cao.

Không bán được hàng, có phải do Động Lực chưa đầu tư vào khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm?


Nhân viên của tôi đi chào hàng khắp các nơi. Ở phường thì kinh phí phòng cháy chữa cháy chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng/năm, họ đâu có đủ tiền mua xe, nên phải “chờ xin ý kiến cấp trên”.

Nhân viên chào hàng lên quận lại không thể gặp được người có thẩm quyền quyết định. Ban quản lý các chợ thường chỉ xài bình chữa cháy, cũng có nơi quan tâm, nhận catalogue... nhưng họ cũng không có quyền quyết định mua, lại phải “chờ xin ý kiến cấp trên”.

Cho đến nay, người duy nhất nỗ lực tìm mọi cách để mua một chiếc xe chữa cháy mini là chủ tịch UBND phường 12, quận 3 (Tp.HCM), xin tiền ngân sách mua, và công ty tôi đã nhận tiền thanh toán qua kho bạc nhà nước.

Theo ông có “sự thật ngầm hiểu” nào ở đây?

Xe chữa cháy mini của công ty Động Lực dùng cho khu dân cư, hẻm nhỏ, chợ, trường học... với tính năng chữa cháy tức thời gần như xe chữa cháy lớn, có cửa nhận nước kiểu thủ công (đổ nước bằng xô - chậu...), tốc độ xe có thể đạt 25km/g, tầm phun xa của vòi nước 25- 28m, đường kính ống xả 60mm...

Sự thật là có cơ quan dám chi mua xe chữa cháy ngoại nhập đắt gần gấp đôi xe sản xuất trong nước. Có người nói với tôi, ông cứ nâng giá xe lên cao hơn, thì tiền hoa hồng tăng lên theo, sẽ kích thích người đi mua xe.

Tôi lại nghĩ khác, tôi khởi động sản xuất xe từ năm 1989, khi vụ cháy toà nhà Imexco xảy ra, mục tiêu ban đầu là bức xúc về số lượng, tính năng yếu kém của hệ thống xe chữa cháy mà làm, nay chúng tôi cũng không đặt nặng vấn đề “chi phí hoa hồng”.

Nhưng trên thương trường, điều này sẽ làm hạn chế sự phát triển của sản xuất kinh doanh...

Quả thật, từ trước đến nay tôi chưa biết cách tính khoản gọi là “hoa hồng cho người đi mua xe”, có lẽ vì vậy tôi không bán được nhiều. Hơn 10 năm chỉ lo sản xuất, cứ nghĩ sản xuất tốt, bán giá thật hạ, khách sẽ mua. Trước đây, tôi cho rằng thật vô lý khi chắt chiu từng đồng quản lý, mà phải tốn hàng chục triệu để quảng cáo, tiếp thị.

Nay tôi hiểu ra, giật mình nhìn lại, thì đã mất thị phần rồi.

Ông sẽ làm gì để lấy lại thị trường tiêu thụ trong nước?

Tôi sẽ tiếp tục bám vào lắp ráp ô tô chữa cháy, vẫn theo đuổi chính sách giá rẻ và chất lượng tương đương hàng nhập, nhưng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn nữa để làm tiếp thị, quảng cáo. Bây giờ, sau cả chục năm làm giám đốc, tôi lại “khăn gói đi học”, học đủ các khoá trong nước, nước ngoài về kinh doanh bán hàng, chiến lược tiếp thị...

Học rồi lại tiếc. Giá mà tôi là dân kinh tế, nay có thể đã chiếm được đến 90% thị phần trong nước.