Hàng trăm nghìn người Tây Ban Nha biểu tình phản đối Catalonia ly khai
Kể từ khi cuộc khủng hoảng Catalonia xảy ra, chưa khi nào có một cuộc biểu tình phản đối ly khai lớn như vậy
Hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình ở Barcelona, thủ phủ của Catalonia, vào ngày Chủ nhật phản đối việc xứ này tách khỏi Tây Ban Nha để trở thành một quốc gia độc lập. Đây được coi là cuộc biểu tình phản đối Catalonia ly khai lớn nhất từ trước đến nay.
Hãng tin Reuters cho biết, theo kết quả một cuộc khảo sát công bố cùng ngày, các chính đảng phản đối Catalonia ly khai đang dẫn trước phe ly khai về tỷ lệ ủng hộ của cử tri vùng, dù mức chênh lệch không phải là lớn. Đây là cuộc thăm dò dư luận đầu tiên kể từ khi Catalonia tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về ly khai theo đó làm bùng nổ cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Tây Ban Nha trong vòng 4 thập niên.
Các cuộc khảo sát ý kiến và các cuộc bầu cử gần đây cho thấy khoảng một nửa cử tri Catalonia - xứ tự trị giàu có thuộc phía Đông Bắc của Tây Ban Nha - không muốn ly khai. Tuy nhiên, việc ủng hộ một Tây Ban Nha thống nhất diễn ra khá âm thầm, trong khi phong trào ly khai diễn ra rầm rộ.
Hôm thứ Sáu tuần trước, sau khi Nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập, Chính phủ ở Madrid đã ngay lập tức tuyên bố sa thải bộ máy lãnh đạo của xứ này, bao gồm người đứng đầu Catalonia là ông Carles Puigdemont. Nghị viện của Catalonia cũng bị giải tán. Cùng với đó, Madrid tuyên bố tổ chức bầu cử ở Catalonia vào ngày 21/12 để lập chính quyền mới.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng Catalonia xảy ra, chưa khi nào có một cuộc biểu tình phản đối ly khai và ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất lớn như cuộc biểu tình ngày Chủ nhật. Dòng người biểu tình vẫy hàng nghìn lá cờ Tây Ban Nha và hô vang "Viva Espana" (Tây Ban Nha chiến thắng). Cuộc biểu tình một lần nữa cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội Catalonia, giữa một bên là những người muốn ly khai và một bên những người muốn giữ nguyên trạng.
Hôm thứ Bảy, Chính phủ Tây Ban Nha nói các chính trị gia ly khai của Catalonia, bao gồm ông Puigdemont, có thể chạy đua trong cuộc bầu cử vào ngày 21/12 nếu họ muốn. Tuy nhiên, đảng ly khai CUP của Catalonia chưa rõ liệu có tham gia hay không.
Cùng ngày, ông Puigdemont kêu gọi người dân Catalonia phản đối hòa bình đối với các mệnh lệnh và sự kiểm soát của Chính phủ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ông chưa đưa ra được những bước đi cụ thể mà phe ly khai dự định thực hiện khi chính quyền ở Madrid tiến vào Barcelona để giành quyền kiểm soát.
Các nước châu Âu, Mỹ và Mexico đều đã lên tiếng phản đối việc Catalonia tuyên bố độc lập, đồng thời ủng hộ một Tây Ban Nha thống nhất.
Tuy nhiên, những cảm xúc trái ngược của người dân Catalonia đang dâng cao, và vài ngày tới sẽ là khoảng thời gian khó khăn đôií với Madrid khi Chính phủ trung ương áp đặt sự kiểm soát trực tiếp lên xứ này. Khi ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý của Catalonia vào hôm 1/10, cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha đã bị cáo buộc mạnh tay.
Kể từ khi nền dân chủ được lập lại ở Tây Ban Nha vào cuối thập niên 1970, nước này đã trải qua một số cuộc biến động, bao gồm một âm mưu đảo chính bất thành vào năm 1981, một cuộc xung đột ly khai của xứ Basque, và gần đây hơn là một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề Catalonia là thách thức lớn nhất về sự toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha.
Cuộc khủng hoảng Catalonia đã khiến hàng loạt doanh nghiệp lớn rời bỏ xứ này. Lượng khách du lịch tới Barcelona cũng sụt giảm, trong khi thị trường chứng khoán Tây Ban Nha cũng liên tục chao đảo kể từ khi khủng hoảng bắt đầu.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ sự phản đối nhằm vào phong trào ly khai của Catalonia, lo ngại rằng việc xứ này giành độc lập có thể thổi bùng các phòng trào ly khai khác trong khu vực.