10:58 29/11/2011

Hành trình 10 năm của một công ty luật “thuần Việt”

Anh Minh

Hôm 27/11 vừa qua, SMiC trở thành công ty luật duy nhất được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Phó chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu (ngoài cùng bên trái) và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Hà Hùng Cường (ngoài cùng bên phải) trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo SMiC.
Phó chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu (ngoài cùng bên trái) và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Hà Hùng Cường (ngoài cùng bên phải) trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo SMiC.
“Khi ấy chúng tôi chẳng có gì ngoài… chính tôi”, Tổng giám đốc SMiC Trịnh Văn Quyết nhớ lại quá trình khởi nghiệp đầy khiêm tốn với tư cách là một văn phòng luật sư của công ty luật này, 10 năm trước.

Hôm 27/11 vừa qua, SMiC trở thành công ty luật duy nhất được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, một sự ghi nhận xứng đáng cho những gì mà ông Quyết và các đồng sự đã làm được.

Từ một vài nhân sự thuở ban đầu, với lượng khách hàng và doanh thu khiêm tốn, hiện nay tổng số cán bộ nhân viên của SMiC đã lên tới hơn 50 người, cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên cho hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh thu hàng triệu USD mỗi năm. Đó có thể xem là những thành quả đáng ghi nhận đối với một hãng luật “thuần Việt” với nguồn lực hoàn toàn từ trong nước, không có yếu tố nước ngoài như nhiều đơn vị cùng ngành.

Tháng 7/2008 có thể coi là dấu mốc quan trọng trên bước đường phát triển của SMIC. Sau khi Luật Luật sư được ban hành năm 2006, Văn phòng Luật sư SMiC được chuyển đổi thành Công ty Luật SMiC, mở ra một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của SMiC.

Cũng trong năm 2008, SMiC đã khai trương chi nhánh tại Tp.HCM, thị trường dịch vụ tư vấn pháp luật sôi động nhất nước. Cũng từ đây, công ty này tiếp tục theo đuổi chiến lược vươn tầm hoạt động ra khu vực và thế giới.

Hiện tại, hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp trong nước thường xuyên sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của SMiC, trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái (Phu Thai Group), Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar, Ngân hàng An Bình (An Binh Bank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Công ty Honda Việt Nam...

Bên cạnh đó, SMiC còn cung cấp dịch vụ tư vấn cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài như: Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc), Tập đoàn Dệt lụa Thượng Hải (Shanghai Silk -Trung Quốc), Công ty Keely Wu (Đài Loan), Công ty Kris Fashion (Singapore), Tập đoàn Nippon (Nhật Bản)…

Ông Lê Đình Vinh, Phó tổng giám đốc SMiC, đánh giá sự phát triển hiện nay của SMiC đến từ 5 nhân tố cơ bản. Đó là triết lý đúng, cách làm đúng, chất lượng nguồn nhân lực, văn hóa doanh nghiệp và sự kết nối cộng đồng.

Ông Vinh, người từ bỏ con đường “nhà nước” khi nhảy ngang từ một vị trí đáng mơ ước ở Bộ Tư pháp, hiểu hơn ai hết tầm nhìn mà SMiC đang theo đuổi.

“Triết lý của SMiC là coi doanh nghiệp không phải là khách hàng thuần túy mà là những đối tác đồng hành. Khi khách hàng tìm đến tư vấn, điều đầu tiên chúng tôi quan tâm là liệu có giúp được khách hàng đó vượt qua những trở ngại pháp lý mà họ gặp phải hay không, chứ không phải là phí tư vấn”, ông Vinh nói.

Ngoài triết lý đúng thì còn cần có cách làm đúng, sáng tạo.“Trong khi nhiều công ty luật khác bắt tay với các công ty luật nước ngoài để khai thác thị trường tư vấn pháp lý tại Việt Nam thì chúng tôi là công ty luật đầu tiên trong nước chủ động vươn ra nước ngoài với việc đặt chi nhánh tại Singapore, cùng kế hoạch vươn ra thị trường châu Âu và Bắc Mỹ trong tương lại không xa”, ông Vinh nói.

Nhìn về tương lai, bên cạnh những thế mạnh truyền thống là tư vấn dự án, tư vấn đầu tư, hợp đồng, sở hữu trí tuệ, SMiC đang phát triển mạnh sang các lĩnh vực tư vấn về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sáp nhập và mua bán doanh nghiệp…