14:15 21/05/2015

Hành trình cà phê Sài Gòn

PV

Cà phê Sài Gòn… ngày xưa ấy  Từ đầu thế kỷ 20 trở đi cà phê được người Sài Gòn tiếp nhận khá nồng nhiệt. Những năm 1930 trở đi khắp sài Gòn – Chợ Lớn hầu như sáng nào các quán cà phê mở cửa là có đông khách. Đa số khách là thợ thuyền, người lao động cho đến giới trí thức bậc trung như công chức, giáo viên, sinh viên học sinh và cả các bà nội trợ. Còn khách sang thì uống cà phê trong các nhà hàng. Chủ các quán cà phê bình dân ở Sài Gòn phần lớn là người Hoa gốc Quảng Đông, còn lại là những quán cà phê của người Việt thì ít thấy bán thức ăn kèm theo.

Hành trình cà phê Sài Gòn - Ảnh 1

Theo thời gian người Sài Gòn bắt đầu nhớ hương thèm vị cà phê. Hôm nào rủng rỉnh thì cữ ăn sáng gồm đủ bộ: bánh bao, xíu mại, hủ tíu và cà phê. Bữa nào hẻo thì gói xôi, ổ bánh mì cũng xong nhưng không thể thiếu ly cà phê nóng hổi thơm ngát cho cữ sáng. Đến thập niên 1960 cùng với thay đổi về chính trị, xã hội về nhiều mặt nhất là tại Sài Gòn. Đã ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực đời sống và cà phê Sài Gòn đã có một bước chuyển mình quan trọng. Sau cà phê cao cấp kiểu Pháp và cà phê bình dân thì cà phê dành cho dân thành thị ra đời. Quán cà phê được trang trí đẹp hơn với nhiều tranh ảnh và âm nhạc dìu dặt cũng bắt đầu len trong không gian quán.  Nhưng quan trọng hơn chính là cách pha cà phê và thưởng thức cà phê. Cà phê pha phin là cách uống chính trong giai đoạn này. Cà phê phin cho người ta cái cảm giác háo hức được tham gia và sống cùng dòng đời của ly cà phê. Sau một thời gian chờ đợi bất chợt trong khoảng khắc giọt đắng đầu tiên xuất hiện như còn níu kéo bởi chiếc phin để rồi buông rơi cái chất sóng sánh nâu đen xuống ly trao tặng cho người một thứ cà phê thuần Việt không giống bất cứ loại cà phê nào trên thế giới.  Cho dù đi đến chân trời góc bể nào, bất chợt thấy cái phin tựa vai trên thành ly đang đếm những giọt buồn buông rơi như tiếng vọng cà phê Sài Gòn sẽ vang lên trong tâm hồn bạn.

Hành trình cà phê Sài Gòn - Ảnh 2

Cà phê Sài Gòn phát triển Đến năm 1990, thời mở cửa đã thúc đẩy thành phố phát triển. Cà phê Sài Gòn sau bao nhiêu năm ngủ yên nay đã hồi sinh. Đến giữa năm 1996, cà phê Trung Nguyên bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng mở chuỗi quán. Lúc này dân Sài Gòn tha hồ được lựa chọn hàng chục loại cà phê khác nhau nào là cà phê chồn, cà phê Moka, Arabica, Robusta, Culi,…Và những quán khác cũng ăn theo, khắp Sài Gòn đi đâu cũng thấy quán cà phê. Và cà phê Sài Gòn bắt đầu hình thành một thị trường hấp dẫn, quán sau mở ra luôn bề thế, bài bản hơn quán trước. Cuộc đua của những quán, nhà hàng cà phê ngày càng khốc liệt. Từ năm 2000 kinh tế thành phố phát triển nhanh. Doanh nhân, chuyên viên, du khách, người nước ngoài, Việt kiều đến làm việc và định cư ở thành phố ngày càng nhiều. Nhu cầu thưởng thức cà phê của họ cũng bắt đầu được chú ý. Trong thành phố xuất hiện những thương hiệu sang như Highlands, Windows,… Nhưng phải đến đến năm 2007 về sau thì những thương hiệu cà phê quốc tế mới thật sự bước chân vào Sài Gòn như hệ thống Gloria Jeans Coffees, Coffee Bean, Angel In Us Coffee, Starbuck,… Đã tạo nên một loạt cửa hàng cà phê cao cấp, gu pha cà phê cà phê cũng khác theo kiểu Ý, Pháp, Mỹ,… Đa dạng cà phê Sài Gòn Song song với dòng cà phê cao cấp, cà phê Sài Gòn do những người trẻ dám nghỉ, dám làm đã ra mắt những quán cà phê khá hay ho nhằm trình bày ý tưởng mới như cà phê sách, cà phê thời trang, cà phê chứng khoán, cà phê kịch, cà phê nhạc acoustic, cà phê đồ cũ, cà phê mang về... nhằm phục vụ từng nhóm khách riêng biệt. Nhưng thú vị và độc đáo gần với cá tính phóng khoáng, không câu nệ của người Sài Gòn, giới trẻ đã khai sinh ra cà phê bệt. Cà phê bệt thể hiện tính trẻ trung, giản dị, thân thiện của đông đảo thanh niên. Họ sẵn sàng ngồi bệt ngoài công viên, trên đoạn đường đẹp để thoải mái, thưởng thức cà phê, chuyện trò cùng người quen hay lạ; lặng ngắm, hít thở bầu không khí bình yên thân thuộc của Sài Gòn. Từ 2010 bóng đen của khủng hoảng kinh tế quay trở lại. Vật giá leo thang một ly cà phê quán lớn cũng có giá 50 – 70 ngàn, còn cà phê ngoại thì trên trăm ngàn. Vậy là cà phê cóc dành cho dân văn phòng, nhân viên tiếp thị, sinh viên, người làm ăn... ra đời khoảng năm 2013 - 2014 với giá cà phê khá mềm 15 – 17 ngàn đồng/ ly. Cà phê cóc kiểu mới thường chọn những căn nhà phố trên các đoạn đường không gần các trung tâm đông đúc của khu vực, tương đối yên tĩnh, mát mẻ có bóng cây càng được khách thích ngồi. Quán được trang trí khá bắt mắt với tranh ảnh, vật dụng về Sài Gòn xưa, gỗ mộc được dùng khá nhiều để trang trí không gian quán. Đặc biệt bàn ghế quán được làm nhỏ, thấp, hợp rơ với quán cóc, đa số người đến quán là khách trẻ thích ngồi túm tụm để bàn công việc, tán gẫu nhìn phố sá. Những quán cà phê cóc kiểu này rải rác khắp nơi: G coffee trên đường Hồ Xuân Hương, Q.3; Mộc trên đường Ngô Thời Nhiệm Q.3, Sài Gòn Xưa trên đường Nguyễn Tiểu La Q.10, cà phê Milano… Khách hàng cà phê Sài Gòn hiện nay vô cùng đa dạng phong phú. Đối với người Việt về thăm quê hương, du khách nước ngoài và các tỉnh đến thăm thành phố gần như đều có chương trình đi uống cà phê. Người khá giả, dân văn phòng cao cấp thì chọn cà phê ngoại, cà phê sân vườn bề thế. Nhân viên, công chức, sinh viên thì có cà phê cóc kiểu mới, cà phê theo chủ đề. Người trẻ thích một chút bụi bặm thì cà phê bệt. Người bận rộn thì có cà phê mang về, cà phê motorcycle, cà phê xe đạp phục vụ tận cửa.

Hành trình cà phê Sài Gòn - Ảnh 3

Bà Lê Thị Tuyết, cà phê Cheo Leo

Sài Gòn với biết bao nhiêu loại hình cà phê nhưng cái quán cà phê cóc trong xóm nhỏ, nơi ngã ba, ngã tư đường từ nữa đêm về sáng lúc thành phố còn ngủ yên vẫn luôn tồn tại. Chẳng hạn như quán cà phê Cheo Leo pha vợt trong con hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật Q.3, hay cà phê Thái Chi pha phin trên đường Nguyễn Phi Khanh Q.1. Tuy là cà phê cóc nhưng với tuổi đời 77 năm của Cheo Leo và 50 năm của Thái Chi, nó vẫn đứng vững và đại diện cho một dòng chảy không ngừng trong mạch sống Sài Gòn nối tiếp từ qúa khứ đến hiện tại. Cà phê Sài Gòn đã trở thành một nếp văn hóa ẩm thực tuyệt vời, đầy sức sống của Sài Gòn.

Bài & ảnh: Quang Tâm