12:40 01/07/2025

Hành trình NetZero và xây dựng tương lai xanh của Singapore, những kinh nghiệm cho các nước đang phát triển

Bảo Huy

Singapore đã khẳng định vị thế là quốc gia tiên phong trong hành động khí hậu bằng cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050, trong đó khu vực công lập đặt mục tiêu đạt được cột mốc này sớm hơn khoảng năm 2045. Theo Bộ Bền vững và Môi trường Singapore, mục tiêu đầy tham vọng này thể hiện nhận thức rõ ràng về tính cấp thiết của hành động tập thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu...

Xuất phát điểm với diện tích và nguồn tài nguyên hạn chế, Singapore có một cách tiếp cận vừa đổi mới vừa thực dụng đối với hành động khí hậu.
Xuất phát điểm với diện tích và nguồn tài nguyên hạn chế, Singapore có một cách tiếp cận vừa đổi mới vừa thực dụng đối với hành động khí hậu.

Chiến lược giảm phát thải của Singapore thể hiện cách tiếp cận vừa đổi mới vừa thực dụng đối với hành động khí hậu. Từ vai trò dẫn dắt của khu vực công trong nâng cao hiệu quả năng lượng, đẩy mạnh điện mặt trời nội địa, đến thúc đẩy hợp tác khu vực để nhập khẩu năng lượng sạch, tất cả đều phản ánh quyết tâm toàn diện trong giảm phát thải khí nhà kính của quốc đảo 5,8 triệu dân này…

NỖ LỰC GIẢM THẢI CARBON TRONG NƯỚC

Là một quốc đảo nhỏ có mật độ dân số cao và nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, Singapore đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quá trình khử carbon nền kinh tế. Khác với các quốc gia có quy mô lớn hơn có thể tận dụng dồi dào các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió hay địa nhiệt, Singapore buộc phải định hình quá trình chuyển dịch năng lượng của mình thông qua sự kết hợp giữa các biện pháp nâng cao hiệu quả trong nước, đổi mới công nghệ và thiết lập các mối quan hệ hợp tác năng lượng khu vực.

Singapore xác định rõ nếu muốn hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 thì khu vực công- nơi kiểm soát phần lớn tài sản hạ tầng và tiêu thụ khoảng 15% tổng năng lượng quốc gia phải đi tiên phong. Với vai trò là người thiết lập tiêu chuẩn và định hình xu hướng, chính phủ Singapore đã triển khai lộ trình riêng mang tên “Public Sector GreenGov.SG” (Lộ trình Phát thải ròng bằng 0 của khu vực công), trong đó cam kết mọi hoạt động vận hành, đầu tư và mua sắm công sẽ đi đầu trong giảm phát thải và sử dụng năng lượng bền vững.

Theo đó, các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng nghiêm ngặt đã được áp dụng cho các tòa nhà công- vốn chiếm hơn 75% diện tích sử dụng trong khu vực này. Từ năm 2021, tất cả các công trình chính phủ mới hoặc được cải tạo đều phải đạt chuẩn Green Mark Platinum Super Low Energy (Chứng nhận công trình xanh Bạch kim- Siêu tiết kiệm năng lượng), đảm bảo tiết kiệm ít nhất 60% năng lượng so với mức tiêu thụ năm 2005.

Biểu đồ thể hiện kịch bản giảm phát thải bình quân đầu người ngành điện của Singapore theo các lộ trình khác nhau. Đường "Singapore Green Plan" phản ánh mục tiêu hiện tại, trong khi hai đường "IEA NZE" (Upper/Lower) thể hiện phạm vi giảm phát thải 52–58% vào năm 2035 nếu Singapore tăng tốc theo kịch bản NZE của IEA. Nguồn: EMBER.
Biểu đồ thể hiện kịch bản giảm phát thải bình quân đầu người ngành điện của Singapore theo các lộ trình khác nhau. Đường "Singapore Green Plan" phản ánh mục tiêu hiện tại, trong khi hai đường "IEA NZE" (Upper/Lower) thể hiện phạm vi giảm phát thải 52–58% vào năm 2035 nếu Singapore tăng tốc theo kịch bản NZE của IEA. Nguồn: EMBER.

Không chỉ dừng lại ở chứng nhận, chính phủ Singapore còn triển khai hàng loạt biện pháp nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng. Các hệ thống quản lý năng lượng thông minh được lắp đặt để giám sát và điều chỉnh mức tiêu thụ điện theo thời gian thực.

Trong mua sắm công, các thiết bị tiêu thụ ít điện như đèn LED hay hệ thống làm mát hiệu suất cao luôn được ưu tiên. Đặc biệt, mô hình Hợp đồng tiết kiệm năng lượng có đảm bảo đang được áp dụng rộng rãi, theo đó, các công ty tư nhân sẽ tiến hành kiểm toán năng lượng, đề xuất giải pháp tiết kiệm và cam kết hiệu quả thực tế trong suốt thời hạn hợp đồng.

Một điển hình cho cách tiếp cận này là dự án Tuas Nexus- tổ hợp liên hợp xử lý nước thải và chất thải rắn. Nhờ thiết kế tích hợp, cơ sở này giúp giảm thiểu tổn thất năng lượng và tối đa hóa thu hồi tài nguyên, dự kiến mỗi năm cắt giảm hơn 200.000 tấn CO₂ khi đi vào vận hành năm 2026.

 Bên cạnh đó, giao thông vận tải là một trong những nguồn phát thải lớn nhất và Singapore đang từng bước chuyển đổi toàn diện đội xe công sang năng lượng sạch. Theo lộ trình công bố, từ tháng 4/2023, toàn bộ ô tô mới của chính phủ phải là xe không phát thải và phải sử dụng điện hoặc hydro. Điều này phù hợp với mục tiêu quốc gia loại bỏ xe động cơ đốt trong và giảm phát thải khí thải đường phố.

Đặc biệt, hệ thống xe buýt công cộng đang được điện khí hóa mạnh mẽ. Mục tiêu đến năm 2030 một nửa đội xe sẽ chuyển sang chạy điện và toàn bộ đội xe sẽ “xanh hóa” vào năm 2040. Tuy nhiên, các phương tiện vận tải hạng nặng vẫn còn là thách thức do công nghệ thay thế chưa hoàn thiện. Chính phủ Singapore đang theo dõi sát sao các đột phá trong lĩnh vực năng lượng sạch để sẵn sàng mở rộng điện khí hóa trong tương lai gần.

Với diện tích đất hạn chế, năng lượng mặt trời là nguồn tài nguyên tái tạo khả thi nhất tại Singapore. Mục tiêu quốc gia đặt ra đạt công suất điện mặt trời 2 gigawatt-peak (GWp) vào năm 2030, trong đó khu vực công sẽ đóng góp đến 1.5 GWp.

Các chương trình như SolarNova tập hợp nhu cầu lắp đặt điện mặt trời từ các cơ quan nhà nước đã góp phần thúc đẩy quy mô triển khai. Khoảng 30% các khối nhà ở công đã được lắp đặt pin năng lượng mặt trời, cung cấp điện cho các không gian công cộng như thang máy, đèn chiếu sáng ban ngày...

Dù vậy, do tính gián đoạn và giới hạn không gian, năng lượng mặt trời không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện đang gia tăng. Nước này đang thử nghiệm các giải pháp như pin năng lượng mặt trời thẳng đứng và hệ thống lưu trữ điện nhằm tận dụng tối đa từng mét vuông và làm chủ nguồn cung. Đây sẽ là yếu tố then chốt giúp thu hẹp khoảng cách giữa năng lực sản xuất điện mặt trời và nhu cầu tiêu thụ thực tế.

HỢP TÁC NĂNG LƯỢNG KHU VỰC LÀ CHÌA KHÓA MỞ RỘNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Với những hạn chế về diện tích và tài nguyên, năng lượng mặt trời nội địa không đủ để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của Singapore trong dài hạn. Theo báo cáo của tổ chức Ember, ngay cả khi Singapore tận dụng tối đa tiềm năng lý thuyết về điện mặt trời với ước tính khoảng 8,6 GWp vào năm 2050 thì nguồn cung này cũng chỉ đáp ứng khoảng 12% tổng nhu cầu điện dự kiến.

Thực tế này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhập khẩu năng lượng tái tạo nhằm đa dạng hóa cơ cấu nguồn điện và giảm sự phụ thuộc gần như tuyệt đối vào khí đốt tự nhiên hiện chiếm đến 92% sản lượng điện toàn quốc. Singapore đã đặt mục tiêu nhập khẩu đến 4 GW điện vào năm 2035, tương đương khoảng 30% tổng nguồn cung điện quốc gia.

Dù tiềm năng rõ rệt nhưng việc thúc đẩy hợp tác năng lượng khu vực vẫn đối mặt với nhiều trở ngại. Sự khác biệt về khung pháp lý, chính sách năng lượng, mô hình thị trường và tiêu chuẩn kỹ thuật giữa các quốc gia ASEAN gây khó khăn cho thiết lập các thỏa thuận điện lực đa phương một cách liền mạch.

Về hạ tầng, việc xây dựng các hệ thống truyền tải điện xuyên biên giới, gồm cáp ngầm dưới biển và nâng cấp đường dây hiện hữu đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Ember ước tính khu vực Đông Nam Á cần khoảng 200 tỷ USD đầu tư vào hạ tầng lưới điện từ nay đến năm 2030 nếu muốn hiện thực hóa mục tiêu tích hợp năng lượng khu vực. Quy mô đầu tư và thời gian thi công kéo dài đòi hỏi cam kết chính trị ổn định và hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ.

Việc nhập khẩu năng lượng tái tạo không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn đem đến lợi ích kinh tế rõ rệt. Theo Ember, giá điện mặt trời nhập khẩu có thể thấp đến 13,5 cent USD/kWh- thấp hơn đáng kể so với biểu giá điện nội địa của Singapore, hiện ở mức 22,4 cent USD/kWh. Khoảng chênh lệch này giúp bình ổn giá điện trong nước và giảm chi phí năng lượng dài hạn cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.

Ngoài ra, mở rộng nhập khẩu năng lượng tái tạo còn hỗ trợ mạnh mẽ các mục tiêu khí hậu quốc gia. Ember ước tính nếu Singapore nâng mục tiêu nhập khẩu từ 4 GW lên 8,1 GW vào năm 2035- tức gấp đôi hiện tại thì có thể giúp giảm lượng khí thải trên đầu người từ ngành điện đến 52-58% so với mức năm 2022. Sự chuyển dịch này đạt được nhờ thay thế khí đốt bằng các nguồn năng lượng sạch như điện gió, thủy điện hoặc điện mặt trời từ các nước láng giềng.

CƠ HỘI KINH TẾ TỪ QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI XANH

Đối với những lĩnh vực khó điện khí hóa như công nghiệp nặng và vận tải biển, Singapore đang tập trung nghiên cứu các giải pháp bổ sung như hydro có hàm lượng carbon thấp và công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS). Dù các công nghệ này còn ở giai đoạn đầu và có chi phí cao, nhưng mang lại tiềm năng to lớn trong việc xử lý lượng khí thải tồn dư mà các biện pháp thông thường không thể giải quyết.

Singapore đang tích cực đánh giá tính khả thi của hydro như một nguồn nhiên liệu sạch cho phát điện và các quy trình công nghiệp. Song song đó, chính phủ cũng đầu tư vào nghiên cứu CCUS nhằm giảm phát thải từ các hoạt động thiết yếu như đốt rác sinh hoạt. Mặc dù chưa thể triển khai quy mô lớn trong ngắn hạn, việc phát triển các công nghệ này là bước đi chiến lược cho mục tiêu giảm phát thải sâu trong dài hạn.

Chiến lược chuyển dịch năng lượng của Singapore mang lại nhiều bài học quý giá cho các nước đang phát triển có hoàn cảnh tương tự.
Chiến lược chuyển dịch năng lượng của Singapore mang lại nhiều bài học quý giá cho các nước đang phát triển có hoàn cảnh tương tự.

Ngoài ra, Singapore đang định vị mình là trung tâm tài chính xanh hàng đầu khu vực, tận dụng hệ sinh thái tài chính phát triển để hỗ trợ các khoản đầu tư bền vững. Các sáng kiến như Liên minh Tài chính Glasgow vì Mục tiêu Net Zero đang tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính điều chỉnh danh mục đầu tư theo hướng thân thiện với khí hậu. Trái phiếu xanh, khoản vay gắn với bền vững và các công cụ tài chính đổi mới khác đang ngày càng phổ biến, giúp doanh nghiệp huy động vốn cho các dự án năng lượng tái tạo và nâng cấp hiệu quả năng lượng.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua bán tín chỉ carbon đang gia tăng nhanh chóng. Singapore đang xây dựng hệ sinh thái dịch vụ carbon toàn diện, bao gồm các khung kiểm tra, giám sát và xác minh nhằm đảm bảo tính minh bạch của hoạt động giao dịch tín chỉ carbon. Các nỗ lực này phù hợp với xu thế toàn cầu về định giá carbon và cơ chế bù trừ, đồng thời mở ra vai trò chiến lược cho Singapore trong thị trường carbon đang hình thành.

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp đòi hỏi lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp để vận hành các công nghệ mới. Singapore đã triển khai các chương trình đào tạo lại như Chương trình Chuyển đổi Nghề nghiệp cho các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng sạch và tái tạo. Đồng thời, các chương trình đào tạo chuyên sâu trong tài chính xanh, kỹ thuật năng lượng tái tạo và quản lý bền vững cũng đang được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực mới của thị trường.

Việc trang bị cho người lao động những kỹ năng tương thích với thời đại không chỉ thúc đẩy tạo việc làm trong nước mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Singapore trong việc xuất khẩu dịch vụ và chuyên môn sang các nước trong khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực như phát triển dự án năng lượng tái tạo và quản lý tín chỉ carbon.

NĂM BÀI HỌC CHO CÁC QUỐC GIA NHỎ ĐANG PHÁT TRIỂN

Chiến lược chuyển dịch năng lượng của Singapore mang lại nhiều bài học cho các nước đang phát triển.

Thứ nhất, Singapore đã chứng minh rằng ngay cả những quốc gia thiếu đất đai vẫn có thể phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả thông qua các giải pháp sáng tạo như lắp đặt pin mặt trời trên mái nhà (đạt 300 MWp vào 2023), triển khai điện mặt trời nổi, và xây dựng các tòa nhà siêu tiết kiệm năng lượng (Green Mark Platinum).

Điều này cho thấy các nước nhỏ cần ưu tiên khai thác tối đa tiềm năng năng lượng sạch trong nước thay vì phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Thứ hai, bài học về hợp tác khu vực để nhập khẩu điện tái tạo từ các nước láng giềng (như dự án 4 GW điện sạch từ Lào, Indonesia) cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng lưới điện kết nối và cơ chế mua bán điện xuyên biên giới- một giải pháp then chốt giúp các quốc gia nhỏ bù đắp hạn chế về tài nguyên. 

Thứ ba, chiến lược giao thông xanh của Singapore với lộ trình chuyển đổi 100% xe buýt sang năng lượng sạch vào 2040 và chính sách chỉ mua xe điện cho cơ quan nhà nước từ 2023 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điện khí hóa giao thông công cộng- một hướng đi khả thi cho các thành phố đang đối mặt với ô nhiễm không khí.

Thứ tư, các sáng kiến về tài chính xanh như phát triển thị trường carbon, trái phiếu xanh và chương trình đào tạo nhân lực cho nền kinh tế xanh cho thấy cách một quốc gia nhỏ có thể biến thách thức khí hậu thành cơ hội phát triển kinh tế.

Thứ năm, việc Singapore đầu tư mạnh vào nghiên cứu công nghệ mới như hydro xanh, CCUS đã chứng minh rằng các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể tham gia vào cuộc đua công nghệ sạch thông qua hợp tác quốc tế và chiến lược tập trung vào thế mạnh riêng.