Hành trình xây dựng đế chế 40 tỷ USD của ông chủ JD.com
Lớn lên trong gia cảnh bần hàn, Richard Liu hiện là chủ đế chế thương mại điện tử bán cả siêu xe BMW và đồng hồ xa xỉ
Hãng thương mại điện tử Trung Quốc JD.com thường bị chìm dưới bởi cái bóng của đối thủ Alibaba. Tuy nhiên, mới đây cái tên này phủ sóng các mặt báo trên toàn cầu bởi Richard Liu, người sáng lập, CEO của hãng này bị bắt ở Mỹ do nghi ngờ liên quan tới bê bối tình dục, CNN cho biết.
Sau đó Liu đã được trở về Trung Quốc, JD cho biết ông bị buộc tội nhầm. Tuy nhiên, sự chú ý dành cho tỷ phú cũng như đế chế của ông vẫn không dứt. Tên của Liu vẫn nằm trong các chủ đề dẫn đầu được đề cập trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Công ty bán BMW và đồng hồ xa xỉ trực tuyến
JD.com hiện là hãng thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Trung Quốc, sau Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Sớm nhập cuộc trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh tại Trung Quốc đã giúp Liu, 45 tuổi, trở thành một trong những tỷ phú công nghệ giàu nhất tại nước này với tài sản ước tính hơn 7 tỷ USD.
Nhằm tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh, Liu cho biết ông muốn công ty của mình chỉ bán hàng thật và kiểm soát toàn bộ quy trình giao hàng tới tay khách hàng.
JD đã xây dựng mạng lưới vận tải khổng lồ, khai thác hàng trăm cửa hàng và nhà kho trên khắp Trung Quốc. Sử dụng mọi phương tiện từ xe đạp cho tới máy bay tự lái, công ty này hiện giao 90% hàng hóa đặt mua trên JD.com tới tay khách hàng trong ngày hoặc ngày hôm sau.
JD.com bán đủ loại hàng hóa từ thời trang cao cấp cho tới thực phẩm tươi, nhắm tới nhóm khách hàng giàu có tại Trung Quốc. Các thương hiệu lớn như bán lẻ Muji, đồng hồ xa xỉ Chopard hay xe sang BMW là các gian hàng hàng đầu trên trang bán hàng trực tuyến với hơn 300 triệu người dùng này.
Khẩu ngữ "hàng thật, giao ngay trong ngày" của JD như "cú đánh trực diện" vào Alibaba cũng như các đối thủ khác vốn thường bị phàn nàn về việc không đủ mạnh tay trong việc ngăn chặn hàng giả khỏi nền tảng của mình.
Giống như Alibaba, JD đang cố gắng thu hút khách hàng ở nước ngoài. Công ty này đã đầu tư mạnh vào việc mở rộng hoạt động sang khu vực Đông Nam Á và châu Âu.
Các nhà đầu tư lớn của JD gồm có gã công nghệ khổng lồ Trung Quốc Tencent và hãng bán lẻ Mỹ Walmart. Hồi tháng 6, Google cũng đầu tư 550 triệu USD vào JD.
Liu hiện nắm giữ khoảng 16% cổ phần của JD nhưng kiểm soát 79,5% quyền biểu quyết.
Từ giấc mơ về bữa cơm có thịt
Liu sinh ra tại Liu Qiangdong thuộc Suqian, tỉnh Giang Tô, ngôi làng cách Thượng Hải khoảng 400km về phía Tây Bắc. Ông lớn lên trong giai đoạn Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế. Dù đất nước đang trải qua thời kỳ tăng trưởng bùng nổ, quê hương cũng như gia đình Liu vẫn rất nghèo khó. Ông sống trong gia cảnh bần hàn trong hầu hết năm tháng tuổi trẻ. Trong một bài phát biểu về thời trung học của mình hồi năm ngoái, Liu cho biết ông từng mơ về bữa cơm có thịt bởi khi đó mỗi năm ông chỉ được ăn thịt 1 - 2 lần.
Liu kể lại rằng khi ông đỗ vào đại học Renmin - trường hàng đầu tại Bắc Kinh, cả làng đã giúp ông đi học.
"Họ góp tổng cộng 76 quả trứng và 500 Nhân dân tệ (73 USD theo tỷ giá hiện tại) để giúp tôi nắm lấy cơ hội đổi đời", Liu cho biết trong một đăng tải trên blog của công ty.
Sau khi tốt nghiệp đại học, hầu hết bạn học của Liu muốn làm việc cho cơ quan nhà nước hoặc đi du học. Nhưng ông không muốn trở thành công chức và cũng không có tiền đi du học. Ông cũng nhận thức được rằng gia đình mình quá nghèo, thậm chí không đủ tiền trả tiền thuốc cho bà.
"Tôi cần phải kiếm tiền để chữa bệnh cho bà", Liu chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ hồi tháng 1.
Vì vậy, năm 1998, ông thành lập công ty bán phụ kiện máy tính tại trung tâm công nghệ cao Zhongguancun ở phía tây bắc Bắc Kinh. Tới năm 2013, công ty của ông mở rộng ra bán hàng chục loại hàng hóa.
Tuy nhiên, khi dịch SARS bùng nổ tại Trung Quốc, khách hàng và nhân viên đều không muốn ra ngoài vì sợ bị nhiễm loại virus chết người. Do đó, Liu đóng các cửa hàng và cho phép hầu hết nhân viên làm việc ở nhà trong lúc ông cùng các quản lý tìm cách.
"Một ngày sau đó, một trong các quản lý của chúng tôi nói: 'tại sao chúng ta không bán hàng qua mạng internet?'", Liu nói tại một hội nghị bán lẻ hồi đầu năm. "Nhờ thế chúng tôi không cần gặp gỡ khách hàng. Cũng không còn các rủi ro từ cả hai bên".
Năm sau đó, Liu xây dựng nền tảng thương mại điện tử mà sau này trở thành JD.com. Công ty niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2014. Chỉ trong 2 ngày sau bê bối ở Mỹ của ông Liu, JD đã mất 16% vốn hóa, tương đương 7,2 tỷ USD. Công ty này hiện có vốn hóa khoảng 40 tỷ USD.