15:37 24/04/2012

“Hậu” Bạc Hy Lai, Trùng Khánh đầm đìa nợ công

An Huy

Dưới thời Bạc Hy Lai, Trùng Khánh đã vay nợ hàng chục tỷ USD để rót vào các dự án đầu tư công

Sau khi ông Bạc Hy Lai bất ngờ mất chức Bí thư Trùng Khánh vào tháng 3 vừa qua, hoạt động chi tiêu công của Trùng Khánh khi ông còn đương chức bị dư luận “soi” kỹ hơn bao giờ hết.
Sau khi ông Bạc Hy Lai bất ngờ mất chức Bí thư Trùng Khánh vào tháng 3 vừa qua, hoạt động chi tiêu công của Trùng Khánh khi ông còn đương chức bị dư luận “soi” kỹ hơn bao giờ hết.
Dưới thời Bạc Hy Lai, Trùng Khánh đã vay nợ hàng chục tỷ USD để rót vào các dự án đầu tư công. Nhờ đó, địa phương này mới gặt hái được tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, góp phần đưa ông Bạc trở thành một “ngôi sao chính trị” mới nổi ở Trung Quốc.

Báo Wall Street Journal đã tiến hành phân tích các dữ liệu từ Trung Quốc và kết luận, 10 cơ quan đầu tư mà Trùng Khánh sử dụng như những công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã ôm vào số nợ 346 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 54 tỷ USD. Nợ công của Trùng Khánh phình to do hoạt động tái cấp vốn cho các ngân hàng và rót vào các dự án cơ sở hạ tầng đồ sộ như cầu đường. Tăng trưởng kinh tế ở Trùng Khánh nhờ đó bùng nổ, kéo hàng loạt công ty nước ngoài lớn tới đây tìm cơ hội làm ăn.

Vào năm 2007, khi ông Bạc trở thành Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, các cơ quan đầu tư của địa phương này mới chỉ nợ tổng cộng 162 tỷ Nhân dân tệ.

Những con số ấn tượng

Giới phân tích cho rằng, số nợ 54 tỷ USD nói trên mới chỉ là một phần nghĩa vụ nợ trên thực tế của Trùng Khánh, bởi vì các doanh nghiệp quốc doanh và các công ty bất động sản ở đây đều có nợ riêng. Chưa kể, số nợ này chưa tính đến nợ của những cơ quan đầu tư quy mô nhỏ của Trùng Khánh.

“Theo tôi, không phải là quá nếu cho rằng, chính quyền Trùng Khánh, các doanh nghiệp quốc doanh và các công ty địa ốc quốc doanh ở đây nợ tổng cộng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ ở thời điểm cuối năm 2011”, ông Victor Shi, một chuyên gia về nợ công của Trung Quốc tại Đại học Northwestern của Mỹ, nhận xét. Con số nợ công của Trùng Khánh mà ông Shi ước đoán lên tới 100% GDP của địa phương này, cao gấp nhiều lần so với mức 22% GDP của cả nước Trung Quốc như thống kê chính thức của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc công bố.

Hoạt động vay nợ ở Trùng Khánh gia tăng chóng mặt sau khi ông Bạc nhậm chức Bí thư vào năm 2007. Vào cuối năm 2010, các ngân hàng ở Trùng Khánh đã tăng gấp đôi lượng dư nợ tín dụng so với đầu năm 2007 lên mức hơn 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ - theo con số do hãng cung cấp dữ liệu Trung Quốc CEIC đưa ra.

Con số về tình hình tài chính tại các cơ quan đầu tư của Trùng Khánh cho thấy, các cơ quan đầu tư này khó có chuyện rơi vào cảnh vỡ nợ do giá trị tài sản của họ hiện lớn hơn đáng kể so với con số vay nợ. Tuy nhiên, phần nhiều khoản nợ được bảo đảm bằng đất đai, đặt Trùng Khánh vào thế rủi ro trong trường hợp thị trường bất động sản tụt dốc nhanh.

Sau khi ông Bạc Hy Lai bất ngờ mất chức Bí thư Trùng Khánh vào tháng 3 vừa qua, hoạt động chi tiêu công của Trùng Khánh khi ông còn đương chức bị dư luận “soi” kỹ hơn bao giờ hết. Hiện ông Bạc đang bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng”, còn vợ ông thì bị điều tra vì tình nghi có liên quan tới cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood.

Những khoản đầu tư công của Trùng Khánh có quy mô ấn tượng. Trong thời gian 2004-2010, thành phố này đã xây dựng khoảng 85.000 km đường bộ, nâng tổng chiều dài đường lên gấp 3 lần. Chiều dài các tuyến đường sắt cũng tăng gần gấp đôi. “Khi tôi lần đầu tiên tới đây vào năm 2006, phải mất 2 giờ đồng hồ để đi từ sân bay tới nhà máy của chúng tôi. Giờ thì chỉ mất 40 phút”, một doanh nhân người châu Âu cho biết.

Các dự án nhà ở xã hội cũng là một lĩnh vực mà các tổ chức đầu tư công của Trùng Khánh rót vốn mạnh. Một dự án xây dựng 40,9 triệu mét vuông nhà ở thu nhập thấp ở Trùng Khánh đưa địa phương này đi đầu trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân. Theo tính toán của các quan chức Trùng Khánh, vốn vay ngân hàng và vốn trái phiếu của các cơ quan đầu tư địa phương sẽ trang trải được 70% số tiền đầu tư dự kiến là 100 tỷ Nhân dân tệ cho dự án nhà ở này, phần còn lại đến từ vốn bơm trực tiếp từ chính quyền địa phương và Chính phủ Trung Quốc.

Thống kê cho thấy, cơn sốt chi tiêu công của Trùng Khánh ngày nào đã mang lại những lợi ích không nhỏ cho địa phương này. Năm ngoái, thành phố với 29,2 triệu dân này - trong đó có 16,1 triệu dân ở khu vực đô thị trung tâm và 13,1 triệu dân ở khu vực ngoại vi - đạt mức tăng trưởng kinh tế 16,5%, cao hơn 7 điểm phần trăm so với tăng trưởng toàn quốc. Được mệnh danh là Chicaco của Trung Quốc, Trùng Khánh nổi tiếng với hệ thống giao thông và điện lực tốt cũng như giá nhân công rẻ.

“Lần duy nhất mất điện ở Trùng Khánh là khi họ san núi để có thêm đất cho các ngành công nghiệp”, doanh nhân đến từ châu Âu cho biết. Các công ty nước ngoài, từ hãng Ford Motor cho tới Hon Hai Precision Industry, đều đã lập cơ sở sản xuất lớn ở Trùng Khánh. Hiện Ford đang có kế hoạch đưa nhà máy ở Trùng Khánh thành địa chỉ sản xuất lớn thứ hai của hãng sau Michigan ở Mỹ.

Hoạt động chi tiêu công của Trùng Khánh dưới thời Bạc Hy Lai rất được lòng dân chúng. “Bạc lão gia đã đi rồi”, ông Wang Xiangdong, một cư dân cao tuổi sống trong một dự án nhà ở công cộng ở ngoại ô Trùng Khánh, nói trong tiếc nuối. Căn nhà mà ông Wang đang sống đã được xây dưới thời Bạc Hy Lai. “Nhờ có căn nhà này mà những người như tôi được hưởng thứ gì đó tốt đẹp”, ông Wang nói.

Chiếm vị trí trung tâm trong các kế hoạch đầu tư công của Trùng Khánh là Công ty Quản lý tài sản Yufu, một cơ quan đầu tư cấp địa phương thành lập vào năm 2004. Đi theo mô hình đã phổ biến ở Trung Quốc, chính quyền Trùng Khánh cấp cho Yufu nhiều đất đai để dùng làm tài sản thế chấp vay vốn. Tiền vay được lại được Yufu dùng để tái cấp vốn cho các ngân hàng địa phương, nhờ đó, Yufu có được cổ phần trong Ngân hàng Thương mại Nông thôn Trùng Khánh, một ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.

Nợ nần cứ thế mà gia tăng. Đến cuối năm 2010, Yufu gánh số nghĩa vụ nợ tổng cộng 46,1 tỷ Nhân dân tệ, cao hơn gấp 3 lần so với ở thời điểm năm 2007 khi ông Bạc nhậm chức Bí thư. Bạc Hy Lai không trực tiếp điều hành Yufu, nhưng chính quyền Trùng Khánh kiểm soát cơ quan đầu tư này.

Tỷ lệ nợ so với tài sản ở mức 63% đưa Yufu trở thành một trong những cơ quan tài chính được chính quyền Trùng Khánh bảo trợ nặng nợ nhất. Năm 2010, Yufu đạt lợi nhuận 1 tỷ Nhân dân tệ. Theo giới phân tích, mức lợi nhuận này cho thấy, trong thời gian tới, Yufu sẽ phải bán tài sản mới trang trải được nợ nần.

Theo công bố trong đợt phát hành trái phiếu năm 2011 của Yufu, lợi nhuận của cơ quan đầu tư này đã giảm xuống mức 1 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2010 từ mức 1,7 Nhân dân tệ vào năm 2009 do doanh thu suy giảm từ lĩnh vực bất động sản.

Bắt buộc phải giảm tốc

Theo ông Wang Xiumo, một nhà phân tích cấp cao thuộc Học viện Khoa học xã hội Trùng Khánh, nhà lãnh đạo mới của Trùng Khánh nhiều khả năng sẽ tăng cường rà soát Yufu và các khoản đầu tư của công ty này. Ông Wang cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất đối với Yufu chính là sự phụ thuộc thái quá vào nguồn doanh thu từ đất đai.

“Tôi cho rằng, hoạt động các cơ quan đầu tư tài chính này sẽ bị điều chỉnh đôi chút. Sự phụ thuộc quá nhiều vào các giao dịch đất đai sẽ phải giảm xuống”, ông Wang nhận xét.

Tuần trước, tờ Wall Street Journal đưa tin, các quan chức Trùng Khánh đã bắt đầu thắt chặt giám sát các dự án chi tiêu công sau khi ông Bạc mất chức.

Tuy đi theo mô hình quản lý kinh tế nhà nước có phần “lạc hậu”, Trùng Khánh cũng chính là trung tâm thử nghiệm những biện pháp phát triển mới ở Trung Quốc. Hiện Trùng Khánh đang thử nghiệm những sáng kiến mới trong vấn đề quyền sở hữu đất đai của nông dân, cho phép người nhập cư từ nông thôn tiếp cận với hệ thống lương hưu, giáo dục và chăm sóc sức khỏe của khu vực đô thị.

Nếu thành công, những thử nghiệm này có thể đưa tiêu dùng nội địa đóng một vai trò tích cực hơn trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, vì cách làm như vậy sẽ tạo ra lối đi cho lực lượng dân số đông đảo ở nông thôn nước này tham gia vào sự thịnh vượng và những cơ hội của cuộc sống đô thị. Đó là cách chắc chắn nhất để tăng thu nhập cho người dân.

Những sáng kiến về chính sách xã hội, cũng giống như chính sách tăng trưởng dựa trên vay nợ của Trùng Khánh, có mối liên hệ sâu sắc với ông Bạc Hy Lai. Cho dù những chính sách của ông Bạc còn có thể tiếp tục được áp dụng ở Trùng Khánh, việc ông Bạc có được một lối thoát hay không còn lại chuyện phải chờ xem.

Ông Wang, chuyên gia của Học viện Khoa học xã hội Trùng Khánh cho rằng, tốc độ phát triển của địa phương này có thể sẽ chậm lại trong thời gian tới. “Các nhà lãnh đạo mới đã tuyên bố Trùng Khánh có thể trở thành một ‘xã hội thịnh vượng ở cấp độ vừa phải’ vào năm 2017, chậm hơn 2 năm so với mục tiêu mà ông Bạc đặt ra. Ông Bạc hơi quá sốt sắng với việc gặt hái thành công”, ông Wang nhận xét.

Trùng Khánh, thành phố nắm giữa hai con sông Dương Tử và Gia Lăng, không phải là địa phương Trung Quốc duy nhất mạnh tay vay nợ để đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực tế ở Trùng Khánh đã phản ánh những lựa chọn khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt.

Nhiều nhà phân tích quốc tế, thậm chí một số nhà lãnh đạo Trung Quốc, đã lên tiếng cảnh báo về sự phụ thuộc của kinh tế nước này vào hoạt động chi tiêu công - sự phụ thuộc đặt nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vào thế mất cân bằng đầy nguy hiểm và tạo cơ hội cho tham nhũng. Trung Quốc hiện đang tìm cách gia tăng tiêu dùng nội địa để giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động đầu tư và xuất khẩu.

Thực tế ở Trùng Khánh cũng cho thấy những vấn đề có thể xảy ra tại các địa phương khác ở Trung Quốc. Trên khắp nước này, các cơ quan đầu tư cấp địa phương kiểu như ở Trùng Khánh đã hoạt động mạnh hơn bao giờ hết kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 do chính sách kích thích tăng trưởng của Bắc Kinh. Nợ công của các địa phương Trung Quốc vì thế ước tính đã lên tới khoảng 10,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Phần nhiều số nợ này được thế chấp bởi đất đai, nên nhiều nhà quan sát lo ngại các khoản vay có thể trở thành nợ xấu một khi tăng trưởng kinh tế và thị trường bất động sản của Trung Quốc giảm tốc.