22:07 06/06/2012

Hé mở một góc lãi suất thấp

Hồng Nhung

Thực tế triển khai trần lãi suất cho vay VND sau gần một tháng đang dần hé mở

Vốn vay lãi suất thấp mới chen chân với tỷ lệ rất nhỏ trong tổng dư nợ.
Vốn vay lãi suất thấp mới chen chân với tỷ lệ rất nhỏ trong tổng dư nợ.
Thực tế triển khai trần lãi suất cho vay sau gần một tháng đang dần hé mở. Còn sớm để nói về kết quả chung, nhưng đó là sự khởi đầu đáng thất vọng.

Nếu Ngân hàng Nhà nước muốn, câu trả lời là có. Nếu muốn biết các ngân hàng đang cho vay thế nào, dữ liệu là sẵn có, chỉ có điều có công bố rộng rãi hay không mà thôi.

Đầu tuần này, bên lề diễn đàn Quốc hội, có ý kiến đại biểu cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần công bố số liệu thống kê các ngân hàng đang cho vay với các khách hàng ở những mức dư nợ, lãi suất cụ thể; qua đó để nhận định và đánh giá chính xác tình hình tín dụng hiện nay.

Việc thống kê như vậy là nằm trong khả năng. Đơn cử như tại Tp.HCM, tại cuộc họp giữa chính quyền địa phương và ngân hàng trên địa bàn, dữ liệu thống kê được công bố khá cụ thể và chi tiết. Từ đây, một góc của lãi suất thấp đang hé mở.

Sau gần một tháng Thông tư số 14/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về áp trần lãi suất cho vay với 4 nhóm đối tượng có hiệu lực, thực tế dòng vốn giá thấp chảy vào doanh nghiệp là rất hạn chế.

Thống kê công bố tại cuộc họp trên cho thấy, trên địa bàn Tp.HCM có hơn 100.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa - đối tượng được khuyến khích tín dụng, nhưng hiện mới chỉ có 650 doanh nghiệp tiếp cận được vốn lãi suất ưu đãi, tức chỉ có tỷ lệ 0,65%.

Tất nhiên đó chỉ là một tỷ lệ tương đối để tham khảo. Không phải tất cả hơn 100.000 doanh nghiệp đó đều có nhu cầu vay, quan trọng hơn là tất cả đều đảm bảo được các điều kiện cho vay ngân hàng đặt ra.

Một thống kê khác lại cho thấy một thực tế đã khẳng định trước đó: các hợp đồng tín dụng đã ký trước thời điểm Thông tư 14 có hiệu lực vẫn phải chịu lãi suất cũ, cao hơn trần 15%/năm và vừa xuống 14%/năm. Cho nên cơ chế trần chỉ có giá trị với một số ít là nguồn vốn mới giải ngân.

Mới chỉ gần một tháng, còn sớm để khẳng định kết quả chung của chính sách, song dữ liệu cho thấy đang có một sự khởi đầu đáng thất vọng.

Cụ thể, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cho thấy, đến 31/5, lượng vốn vay được lãi suất ưu đãi 14%/năm theo cơ chế trần chiếm tỷ trọng rất nhỏ: chỉ có 60 doanh nghiệp được vay 679 tỷ đồng phát triển nông nghiệp, nông thôn, bằng 3,58% so với dư nợ cuối năm 2011 trong lĩnh vực này; 459 doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay 4279 tỷ đồng, bằng 3,59% so với dư nợ cuối năm 2011 trong cùng lĩnh vực; 37 doanh nghiệp được vay 181 tỷ đồng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, bằng 1,59% so với dư nợ cuối năm 2011 trong lĩnh vực này.

Với số liệu tham khảo ở một địa bàn trọng điểm như vậy, câu hỏi lớn đặt ra: bao giờ tỷ trọng vốn được ưu đãi lãi suất từ mức dăm ba phần trăm như trên sẽ lan rộng trong miếng bánh 100% tổng dư nợ?

Theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại lớn như Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank)…, sau khi âm trong quý 1/2012, tín dụng đã bắt đầu tăng trưởng trở lại trong tháng 4 và 5. Điều này gợi hy vọng tín dụng chung của hệ thống sẽ có chuyển biến tích cực hơn trong nửa cuối năm, đi cùng với nguồn vốn lãi suất thấp sẽ lan tỏa thêm.

Để có một sự lan tỏa thực sự, một số ý kiến từ chính lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng cần mở rộng diện áp trần lãi suất cho vay, có thể là các mức trần khác nhau với các nhóm đối tượng khác nhau. Đây cũng là một khả năng đang được Ngân hàng Nhà nước xem xét.