15:43 26/12/2008

Hết thời “sống bằng lương, giàu bằng thưởng”?

Quỳnh Lam

Mặc dù chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết năm nay họ không dám chi thưởng Tết “mạnh tay”

Tiền thưởng Tết đang là mối lo của nhiều doanh nghiệp.
Tiền thưởng Tết đang là mối lo của nhiều doanh nghiệp.
Mặc dù chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết năm nay họ không dám chi thưởng Tết “mạnh tay”, do phải dự phòng khó khăn cho năm 2009.

Không dám “vung tay quá trán”

Cho đến ngày 26/12, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, số doanh nghiệp báo cáo mức thưởng tết năm nay mới đếm được  trên đầu ngón tay, chủ yếu là các doanh nghiệp của Tp.HCM.

Theo ông Đặng Quang Điều, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế - xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sớm nhất cũng phải cách Tết Nguyên đán 20 ngày thì mới có thông tin cụ thể, doanh nghiệp nào thưởng bao nhiêu, cao thấp như thế nào.

Tuy nhiên, ông Điều cũng đưa ra nhận định, so với năm ngoái, năm nay thu nhập bình quân của người lao động giảm, chắc chắn thưởng Tết năm nay sẽ giảm. Với cán bộ quản lý, khó có mức thưởng lên đến mấy trăm triệu như năm ngoái. Còn đối với công nhân, mức thưởng nhìn chung của năm nay vẫn là một tháng lương.

Trao đổi với VnEconomy, giám đốc một doanh nghiệp  xuất khẩu thuộc một trong những ngành được nhìn nhận là khó khăn trong năm qua chia sẻ, mặc dù quỹ thưởng năm nay của doanh nghiệp ông không mấy eo hẹp nhưng trong thời buổi khủng hoảng, không thể “vung tay quá trán”, cần có dự phòng rủi ro cho năm sau.

Quan điểm của ông Nguyễn Đức Tuyên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cầu Giấy là, phấn đấu để có mức thưởng bằng năm ngoái, tức là 1 đến 1,5 tháng lương/người (tương đương từ 2 triệu đến 3 triệu đồng).

Ông Tuyên cho rằng, với tình hình lạm phát, giá cả đắt đỏ, nếu thưởng không bằng năm ngoái không hiểu công nhân sẽ sắm tết thế nào? Thế nhưng, nếu thưởng cao hơn, ra năm làm ăn khó khăn, công ty rất dễ lâm vào cảnh “ăn bữa nay lo bữa mai”.

Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng - ngành một thời  “làm giàu” bằng tiền thưởng - đưa ra dự báo, hầu hết doanh nghiệp tài chính ngân hàng sẽ giảm thưởng khoảng 40- 60% trong năm nay.

Không lo thưởng Tết, chỉ lo thất nghiệp

Trao đổi với VnEconomy về vấn đề tiền thưởng Tết, ông Phạm Văn Trụ, Phó ban Chính sách kinh tế (Liên đoàn Lao động Hà Nội) cho biết, tiền thưởng Tết không nằm trong quy định bắt buộc của Luật Lao động, vì thế thưởng bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp “làm ăn” được, họ sẽ có chế độ thưởng tốt và ngược lại.

Cũng theo ông Trụ, vào thời điểm này của năm ngoái, công nhân rất nhiều việc làm thêm, doanh nghiệp liên tục tăng ca, sản phẩm tiêu thụ mạnh, hiển nhiên tiền thưởng sẽ cao.

Năm nay, hàng làm ra không bán được, chính sách cắt giảm lao động đang được các doanh nghiệp áp dụng, vì thế, với nhiều lao động vấn đề đặt ra trước mắt lúc này không phải là tiền thưởng mà chính là nguy cơ phải nghỉ việc.
 
Theo tìm hiểu, việc cắt giảm lao động đang diễn ra không chỉ với các doanh nghiệp phía Nam. Nhiều công ty lớn tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) đã và đang có kế hoạch cắt giảm số lượng lớn nhân công.

Một cán bộ của Công ty Canon Việt Nam cho biết, công ty này đang có kế hoạch giảm khoảng 3.000 lao động.

Từ đầu tháng 12, công ty đã có thông báo với nội dung: do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, đầu ra gặp khó khăn nên việc làm tại công ty sẽ giảm. Công nhân nào muốn nghỉ việc thì viết đơn, công ty sẽ trả một tháng lương và 1,4 triệu đồng phụ cấp. Khi nào khó khăn qua đi, các công nhân nghỉ việc sẽ được quay trở lại làm việc không phải qua tuyển dụng.

Tại Khu công nghiệp An Khánh, đang xuất hiện việc công nhân làm ở các nhà máy nghỉ việc, ra làm thời vụ cho các cơ sở sản xuất dệt len, bánh kẹo của các hộ sản xuất bên ngoài. Nhiều doanh nghiệp dệt may tại khu công nghiệp này phải  hoạt động cầm chừng mấy tháng nay vì không có đơn hàng.
 
Với nhiều công ty, mặc dù không thông báo việc cắt giảm nhân công, cũng không cho nghỉ việc nhưng lại không có việc làm, tháng chỉ làm được chục công, lương khoảng 300 nghìn đồng, tự khắc công nhân phải đi tìm việc làm thêm bên ngoài, một công nhân cho biết.

Hằng, một công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, tâm sự, gần hết tháng 12 rồi nhưng công ty của cô vẫn chưa thấy công ty thông báo chuyện thưởng Tết. Công nhân ở đây chỉ trông chờ vào việc được nhận tháng lương thứ 13 (theo Luật Lao động), còn thưởng tết thì như các năm trước cũng chỉ ở mức một, hai trăm nghìn đồng.

Một số công nhân tại Khu công nghiệp An Khánh cũng nói, họ không hy vọng nhiều vào tiền thưởng Tết, điều họ mong muốn là ra Tết vẫn có việc làm.