09:00 30/11/2007

“Hộ” không muốn thành “doanh”!

Nguyễn Hoài

Có phải mặc "chiếc áo" hộ gia đình thì có lợi về thuế, ít bị áp lực nghĩa vụ với môi trường và người lao động?

Cả nước hiện có khoảng 3 triệu hộ kinh tế cá thể.
Cả nước hiện có khoảng 3 triệu hộ kinh tế cá thể.
Mặc dù quy mô vốn khá lớn, sử dụng nhiều lao động nhưng không ít hộ kinh doanh cá thể chỉ muốn mãi là "hộ" và né tránh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Có phải mặc "chiếc áo" hộ gia đình thì có lợi về thuế, ít bị áp lực nghĩa vụ với môi trường và người lao động?

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có khoảng 230 nghìn doanh nghiệp và ước 3 triệu hộ kinh tế cá thể. Hộ kinh tế cá thể thường tập trung tại các làng nghề truyền thống như làng tiểu thương Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), làng sắt thép Đa Hội, làng giấy Phong Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh), làng dệt nhuộm Nam Cao, Phương La (Thái Bình)...

Trong đó, có hàng nghìn hộ có quy mô vốn khá lớn, phạm vi thị trường rộng. Tại làng sắt thép Đa Hội (Châu Khê, Từ Sơn) có cả trăm hộ kinh tế lớn. Họ mua thép phế khắp nước và sau khi cán thành phôi, họ cung cấp cho các nhà máy cán thép, trong đó có cả nhà máy thép quốc doanh.

Nhân lực lao động của mỗi hộ lớn này không bao giờ dưới 10 người và địa điểm kinh doanh cũng không dưới 2 địa điểm như quy định tại Nghị định 109 của Chính phủ, ấy vậy nhưng nói đến chuyển mô hình hoạt động thành doanh nghiệp thì không ai trong số đó mặn mà.

Mới đây, Chương trình phát triển kinh tế tư nhân IFC - MPDF phối hợp với công ty tư vấn MCG và VCCI đã công bố các số liệu khảo sát những hộ kinh tế cá thể lớn có tiềm năng chuyển đổi thành doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh.

Kết quả cho thấy: 13% số hộ dự định chuyển đổi thành doanh nghiệp trong 6 tháng; 1 hộ chuyển trong 9 tháng; 16 hộ (20%) sẽ chuyển đổi trong vòng một năm và 54 hộ cho biết, họ không có ý định chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Mặc dù ở tỉnh này, đã có một cửa liên thông (đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, con dấu) và cấp đăng ký kinh doanh trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký mới vẫn chỉ dừng ở con số 300 doanh nghiệp/năm trong khi tỉnh Bắc Ninh có 52 nghìn hộ kinh doanh cá thể.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) nói: "Chúng ta chưa có một điều tra cụ thể nào ở các chợ Đồng Xuân (Hà Nội) hay chợ quận 5 (Tp. HCM) để thấy rằng: chắc gì hộ kinh tế cá thể ở đó đều là nhỏ so với thực tế giao dịch, quy mô doanh thu, phạm vi thị trường, số lượng nhân lực sử dụng như quy định hiện nay!".

Có rất nhiều nguyên nhân để các hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp như tập quán sản xuất gia truyền, thiếu vốn, thiếu mặt bằng, thiếu nhân lực, nhất là nhân lực kế toán nhưng theo một chuyên gia, vấn đề không chỉ nằm ở đó mà xuất phát từ những lý do khác.

Thứ nhất, trục lợi thuế. Với các quy định đóng thuế hiện hành, các hộ kinh doanh cá thể ngoài việc đóng thuế môn bài họ còn phải đóng thêm một loại thuế tạm gọi là thuế khoán. Cũng chính vì thu thuế khoán theo kiểu thỏa thuận giữa cán bộ thuế và chủ hộ nên vấn đề này luôn "âm u", tranh tối tranh sáng.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh nói: "Có không ít hộ sản xuất công nghiệp sử dụng tới dăm bảy chục lao động nhưng vẫn mặc áo cũ. Bởi vì họ có thể thỏa thuận được trong chuyện nộp thuế. Đây là điều không thể chấp nhận được vì đã gọi là thỏa thuận thì chỉ có thể đóng thuế thấp hơn".

Thứ hai, nếu dưới dạng hộ thì họ chỉ bị điều chỉnh bởi các quy định có tính pháp lý thấp hơn và chính quyền địa phương nhiều lúc cũng bỏ qua cho họ về phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trong khi nếu là doanh nghiệp thì những nghĩa vụ trên phải được thực hiện nghiêm túc hơn bởi những quy định pháp lý cao hơn.

Từ thực tế trên, có thể thấy, nếu duy trì tình trạng hộ kinh doanh cá thể có khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng cứ là hộ sẽ dẫn đến khá nhiều bất cập. Một là, Nhà nước bị thất thu thuế. Hai là, môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, không thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp. Ba là, các hộ này sẽ không có điều kiện tiếp cận các phương thức quản trị doanh nghiệp, công nghệ thông tin hiện đại, mở rộng thị trường và luật pháp giao thương.

Các chuyên gia của MCG, IFC- MPDF và VCCI đã chỉ ra rằng, trước hết phải tháo gỡ vướng mắc trong kê khai tài sản để tính thuế. Khi lập doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể phải đưa tài sản của mình vào tài sản doanh nghiệp nhưng không kèm theo hóa đơn chứng từ về nguồn gốc, giá mua đầu vào nên không xác định mức khấu hao tài sản cố định.

Tuy nhiên, luật sư Trần Hữu Huỳnh lại cho rằng, vấn đề này không đáng ngại và nên để các hộ tự khai, vì: khi lập doanh nghiệp, phải có nhiều thành viên góp vốn, kê khai cao thì vốn điều lệ cao và doanh nghiệp sẽ bị tổn thất lớn khi chịu trách nhiệm đối với khoản nợ.

Thứ hai, cần tạo ra cơ chế liên thông một cửa trong việc cấp giấy đăng ký kinh doanh, con dấu..., cùng với đó là nâng cao vai trò hội, hiệp hội ngành nghề trong việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý doanh nghiệp, tiếp thị sản phẩm, bảo vệ nhãn hiệu, kế toán sổ sách, bảo vệ môi trường và an toàn lao động.