13:18 20/09/2022

Hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình ngầm dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội

Châu Anh

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã phối hợp xây dựng và báo cáo UBND Thành phố về khung chính sách hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ. Theo đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với 6 hộ phải phá dỡ khoảng 21 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ 43 hộ phải tạm cư trong vòng 1 tháng khoảng 4 tỷ đồng...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nghe báo cáo về tiến độ thi công ga ngầm S9
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nghe báo cáo về tiến độ thi công ga ngầm S9

Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa có chuyến kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (tuyến số 3), đoạn Nhổn - Ga Hà Nội trên địa bàn quận Ba Đình…

Tại Ga ngầm S9 - Kim Mã, bà Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp kiểm tra, nghe Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội báo cáo tiến độ triển khai, đồng thời, kiểm tra tại nhà một số hộ dân bị ảnh hưởng trên đỉnh hầm khi máy khoan hầm TBM đi qua.

Theo đại diện Quận ủy Ba Đình, dự án ga ngầm S9 thuộc địa bàn 2 phường Kim Mã và Ngọc Khánh, trong đó, phường Kim Mã có 18 hộ dân thuộc diện thu hồi tạm thời, còn phường Ngọc Khánh có 17 trường hợp phải thu hồi, với 15 nghìn m2.

Đến nay, UBND quận Ba Đình đã ban hành xong các quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án, thực hiện chi trả toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ (50 tỷ đồng), bố trí tái định cư đối với 13 hộ tại nhà N07 khu 5,3 ha Dịch Vọng; đã thu hồi xong mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư để thi công dự án. 

Về tình hình công tác giải phóng mặt bằng chung đoạn đi ngầm của dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, Dự án có tổng số 4 ga ngầm, thuộc địa bàn các quận Ba Đình (S9), Đống Đa (S10 và S11) và Hoàn Kiếm (S12).

Đến nay, việc giải phóng mặt bằng thi công 4 ga ngầm đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, qua quan trắc, khảo sát hiện trạng, có 50 hộ dân thuộc địa bàn 2 quận Ba Đình và Đống Đa bị ảnh hưởng khi thi công tuyến đường hầm của dự án, trong đó, có 43 hộ phải tạm cư trong vòng 1 tháng (khi máy khoan ngầm TBM đi qua) và 7 hộ phải phá dỡ trước khi tiến hành khoan ngầm (trong đó, có 1 hộ đã tự nguyện phá dỡ).

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã phối hợp xây dựng và báo cáo UBND Thành phố về khung chính sách hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ, làm căn cứ thỏa thuận sử dụng đất trong thời gian thi công tuyến hầm. Theo đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với 6 hộ phải phá dỡ khoảng 21 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ 43 hộ phải tạm cư trong vòng 1 tháng khoảng 4 tỷ đồng.

Trong tuần này, quận Đống Đa sẽ tiến hành chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân. Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ đối với quận Ba Đình và Đống Đa để hoàn thành toàn bộ nội dung này trong tháng 10/2022.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, trên cơ sở sự ủng hộ và đồng thuận cao của nhân dân, hiện nay, Chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã ký hợp đồng với 50 hộ dân thuộc diện bị ảnh hưởng bới dự án, đề nghị quận Đống Đa và Ba Đình phối hợp với đơn vị này, trong tháng 10/2022, tiến hành thủ tục, hoàn thành việc chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. 

Liên quan đến kiến nghị của 7 hộ phải tháo dỡ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Sở Tài chính nghiên cứu, sớm trả lời 2 quận liên quan đến vấn đề trượt giá khi xây dựng lại; giao Sở Xây dựng nghiên cứu bổ sung mua nhà tái định cư cho 1 hộ dân tại quận Ba Đình do bị thu hồi, giải phóng mặt bằng nhiều lần.

Đặc biệt, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Xây dựng, chính quyền hai quận Ba Đình, Đống Đa chỉ đạo các đơn vị liên quan nắm chắc tình hình các hộ dân để phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong vấn đề tạm cư khi tiến hành khoan ngầm.