12:15 29/11/2013

Hoa Đông, “phép thử” sức mạnh với cả Mỹ, Trung

Thanh Hải

"Khái niệm hổ giấy là rất quan trọng. Tất cả các bên sẽ phải đối mặt với vấn đề này"

Máy bay Nhật Bản bay qua quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc - Ảnh: AP.<br>
Máy bay Nhật Bản bay qua quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc - Ảnh: AP.<br>
Những căng thẳng đang leo thang tại biển Hoa Đông sau khi Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở đây.

Dọa suông?

Hôm qua (28/11), theo hãng tin AFP, không hẹn mà gặp, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều khẳng định máy bay của các nước này đã bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc hôm 23/11 công bố thiết lập trên biển Hoa Đông.

Điều đáng quan tâm trong các tuyên bố này là máy bay Nhật Bản, Hàn Quốc đều không hề báo trước lịch bay theo yêu cầu của Bắc Kinh, nhưng không thấy phản ứng nào từ quân đội Trung Quốc như các cảnh báo “mạnh miệng” mà Trung Quốc đưa ra trước đó.

Quan trọng hơn, trong phát biểu hôm 28/11, người phát ngôn Yasutaka Nonaka của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản còn thẳng thừng, “chúng tôi không thay đổi việc tuần tra bình thường tại khu vực mà Trung Quốc vừa áp đặt ADIZ, cũng như không báo lịch trình bay với phía Trung Quốc”.

Còn phát ngôn viên của quân đội Hàn Quốc thì khẳng định, “máy bay quân sự của phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục bay đến khu vực bãi đá ngầm Ieodo, mà không cần thông báo cho phía Trung Quốc được biết”.

Việc máy bay Nhật, Hàn liên tiếp bay vào Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, diễn ra chỉ vài ngày sau khi hai máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ cũng bay qua nơi đây mà không hề báo lịch bay trước cho phía Trung Quốc. Tuyên bố sau vụ việc, Đại tá Steve Warren, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, nói “chúng tôi tiếp tục làm theo thủ tục thông thường, gồm không thông báo trước kế hoạch bay, hoặc gửi thông tin bằng radio hay đăng ký tần số trước...”.

Trước đó, hôm 23/11, trong thông cáo về việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (bao trùm lên cả khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản và bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu đang tranh chấp với Hàn Quốc), Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, quân đội nước này sẽ tiến hành những biện pháp "phòng thủ khẩn cấp" với các máy bay không chịu hợp tác trong việc nhận dạng, hay từ chối tuân thủ theo những quy định được áp dụng ở khu vực này.

Mặc dù trong các thông cáo đưa ra trong các ngày 26 và 28/11, Trung Quốc đều khẳng định nước này đã theo dõi sát diễn biến hoạt động của các máy bay trên, song rõ ràng là các chuyến bay trên đều diễn ra một cách bình thường mà không hề gặp phải bất cứ sự cản trở hay kháng cự nào của máy bay chiến đấu Trung Quốc.

Điều này đang khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc có đủ sức mạnh để thể hiện quyền lực của mình tại ADIZ, hay đó chỉ là lời dọa suông?

Hãng tin Reuters hôm 27/11 dẫn lời giáo sư Sun Zhe thuộc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung, Đại học Thanh Hoa, cho biết, “nếu Mỹ tiến hành hai hoặc ba chuyến bay như thế nữa, Trung Quốc sẽ buộc phải phản ứng. Nếu Trung Quốc chỉ nói miệng mà không có hành động, thì họ sẽ bị bẽ mặt”.

“Khái niệm hổ giấy là rất quan trọng. Tất cả các bên sẽ phải đối mặt với vấn đề này”, ông Sun Zhe nói.

Thực tế thì truyền thông Trung Quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích vấn đề này. Tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 28/11 nhận định rằng, việc Trung Quốc "theo dõi" là một phản ứng quá thông thường và Bắc Kinh rõ ràng đã thất bại khi không có phản ứng kịp thời, phù hợp. Sự phản ứng chậm chạp đó có thể hủy hoại hình ảnh của quân sự nước nhà.

Theo tờ báo, giới chức Trung Quốc “cần phải có phản ứng nhanh chóng với các tình huống khẩn cấp và thách thức khác nhau”, và phải nâng cao năng lực và sức mạnh của các cơ quan liên quan để đối phó với các việc nhạy cảm như vậy.

Bảo vệ đồng minh

Về phía Mỹ, theo giới quan sát, vấn đề ADIZ của Trung Quốc ở Hoa Đông cũng là một phép thử mới về cam kết xoay trục sang châu Á cũng như những khẳng định về việc Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh tại châu Á. Theo đài RFI, Mỹ đã không ít lần khẳng định việc vẫn duy trì chiến lược xoay trục về khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chiến lược này cho đến nay vẫn chỉ được nghe nói đến nhiều trong ngôn từ của các nhà ngoại giao Mỹ, mà chưa có dịp kiểm nghiệm bằng các sự vụ thực tế.

RFI bình luận rằng, nước Mỹ đã thông báo ý định tập trung khoảng 60% lực lượng tấn công trên toàn thế giới về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ nay đến cuối thập kỷ này. Nhiều cường quốc châu Á vẫn tự hỏi, liệu Mỹ có thể thực hiện được sự cân đối lại lực lượng như vậy và liệu quyết tâm đó có thể làm yên tâm các đồng minh ở khu vực châu Á của Mỹ hay không, nhất là mỗi khi nảy sinh các đòi hỏi về vấn đề chủ quyền của Trung Quốc như kiểu thiết lập vùng nhận dạng phòng không lần này.

Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama vắng mặt tại hai hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở châu Á hồi tháng 10 vừa qua, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ngân sách ở trong nước khiến chính quyền liên bang cạn tiền, hay việc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Kerry vẫn mải miết tập trung vào các hồ sơ hạt nhân Iran hay cuộc chiến ở Syria đã để lại một khoảng trống trong niềm tin của các đồng minh châu Á của Mỹ, đài RFI cho biết thêm.

Theo BBC, dự kiến, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Đông Á vào tuần tới. Dự kiến, ông sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh sau khi thăm Nhật Bản. Theo một quan chức Nhà Trắng, trong các cuộc gặp này, ông Biden sẽ nói rõ với lãnh đạo Trung Quốc việc lập ADIZ khiến các nước láng giềng Trung Quốc lo ngại, làm dấy lên những câu hỏi về cách thức Trung Quốc hoạt động trên không phận quốc tế, cũng như xử lý bất đồng với các nước xung quanh.

Ngoài chính sách xoay trục, việc Mỹ có bảo vệ đồng minh trong tranh chấp chủ quyền với bên thứ ba cũng được giới quan sát quan tâm. Trong cuộc điện đàm tối 27/11 với người đồng cấp Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel một lần nữa khẳng định quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư nằm trong phạm vi điều chỉnh của bản Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ; đồng thời cho rằng việc Trung Quốc thiết lập ADIZ hoàn toàn không ảnh hưởng đến các hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực này.

Trước đó trong phát biểu hôm 23/11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã nhấn mạnh, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp, nằm trong sự điều chỉnh của bản Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ bảo vệ đồng minh của mình nếu nơi này bị tấn công.

Rõ ràng, là đồng minh thân cận của Tokyo, đồng thời có nhiều căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản, Mỹ không thể làm ngơ trước đòi hỏi mới của Trung Quốc.