06:00 14/06/2023

Hoạt động khai khoáng còn nhiều bất cập: Thiệt thòi vẫn thuộc về người dân tại các điểm mỏ

Vũ Khuê

Vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa có giải pháp khắc phục; chất thải không được xử lý triệt để ảnh hưởng tới trồng trọt; người dân gần khu mỏ không được thụ hưởng các lợi ích từ dự án…

Chi phí xã hội chưa được tính đúng, tính đủ trong quá trình khai thác khoáng sản.
Chi phí xã hội chưa được tính đúng, tính đủ trong quá trình khai thác khoáng sản.

Theo các số liệu năm 2022, Việt Nam hiện có 5.000 mỏ và điểm quặng (900 mỏ đang khai thác), thuộc 48 loại khoáng sản khác nhau như: bauxit, đất hiếm, than, apatit, đá hoa trắng, titan-zircon…

Số lượng doanh nghiệp trong ngành khai khoáng tăng nhanh chóng, năm 2019 là 3.804 doanh nghiệp, tăng gần 850 doanh nghiệp so với năm 2011. Trong đó doanh nghiệp tư nhân 3.700 (97,2%), doanh nghiệp nhà nước 62 (1,84%), doanh nghiệp FDI 30 (0,96%).

NHIỀU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

Tại buổi “Đối thoại chính sách chi phí xã hội trong hoạt động khai thác mỏ” do Trung tâm nghiên cứu kinh tế và Chiến lược Việt Nam (Vess) tổ chức mới đây, các nhóm cộng đồng tại nhiều địa phương đều lên tiếng về những tác động tiêu cực của các mỏ khai khoáng.

Ngoài việc mất đất sản xuất, chi phí đền bù chi trả theo đất vườn, đất canh tác nhưng không thoả đáng, đại diện cộng đồng xã Đồng Khê, Văn Chấn, Yên Bái, cho biết quy trình khai thác quá lạm dụng.

Những đợt nổ mìn gây dư chấn mạnh khiến nứt tường nhà, bồi lấp dòng chảy, ảnh hưởng tới cây cối, hoa màu; khói bụi nặng ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân xung quanh…

Hơn nữa, chất thải không được xử lý triệt để dẫn tới khi mưa lũ tràn xuống gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới đồi nương, hoa màu của người dân. Dù có nhiều cuộc họp đối thoại nhưng chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm cũng như chưa có biện pháp khắc phục.

Theo đại diện xã Đồng Khê, lợi thì không thấy, nhưng ảnh hưởng từ khói bụi, tiếng ồn, rung giật lớn, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân xung quanh sống ngay gần mỏ đá là điều đã nhìn thấy.

Bà Triệu Thị Tuyến, Nhóm cộng đồng phụ nữ thị trấn Yên thế, Bắc Giang chia sẻ, khi có dự án khai khoáng tại địa bàn, kinh tế địa phương được nâng lên, hạ tầng đường xá, lối đi vào nhà dân không khó khăn như trước, một số con em người dân có việc làm trong mỏ; có chế độ ưu đãi, giúp đỡ làm nhà cho công nhân, cùng địa phương hỗ trợ người dân.

Song tiêu cực là đồng ruộng bị thu hẹp, tác động tới nguồn nước bà con, trước dùng nước tự nhiên từ trên rừng nhưng khi vào quy hoạch mỏ thì mất nguồn nước đó; ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn làm ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân sống xung quanh.

Bên cạnh đó, người dân chưa thoả đáng về chi trả phí môi trường. Những chi phí ngoại ứng như tiếng động, bụi không được tính toán, không được đền bù.

Nghiên cứu của VESS cũng chỉ ra, quá trình quản trị ngành công nghiệp khai thác tại Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập. Vẫn còn nhiều hoạt động khoáng sản chưa được quy định trong Luật Khoáng sản và chưa đồng bộ với các luật khác.

Thêm vào đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, hệ thống chính sách, luật pháp chưa thật sự quan tâm đến phát triển các hoạt động khoáng sản phía hạ nguồn.

Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan liên quan chưa tốt, điều này một phần do tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực ở cấp cơ sở… Quyền lợi của Bộ thì Bộ muốn giữ, tỉnh thì tỉnh giữ, nhưng cơ sở lại không có trong khi khai thác tại cơ sở.

“Trong quá trình khai thác nảy sinh nhiều vấn đề khác mà doanh nghiệp không phải chịu nhưng người dân, người sống xung quanh, thậm chí Chính phủ phải chịu", PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Vess nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình: nhiều quy định về công khai đã được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên việc thực hiện chưa hiệu quả.

VẬN DỤNG TỐI ĐA CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG

Mặc dù các cơ quan quản lý đã tìm cách giám sát hoạt động khai thác của doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc kê khai đúng và đủ, nhưng việc triển khai trên thực tế còn nhiều bất cập, gây phiền hà, tốn kém và khó khăn cho doanh nghiệp và trên thực tế doanh nghiệp không khó để có thể lách hay đưa ra các lý do để có thể không thực hiện các quy định này.

Ngoài ra, việc phân bổ và sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản cũng chưa hợp lý; thiếu quy định trong phân bổ nguồn thu giữa các địa phương, đặc biệt là những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động khai khoáng (nơi có mỏ khai thác).

Thậm chí, hiện chưa có cơ chế phân bổ để các địa phương nơi có mỏ khoáng sản được hưởng lợi nhiều hơn và trực tiếp từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Vẫn tồn tại tranh cãi về tính hợp lý của các quy định. Khai thác gây ô nhiễm dòng nước, bụi đường, hạ tầng bị ảnh hưởng… trên cơ sở đó có nhiều vấn đề chính sách cần bàn dần.

Nhưng để có được chính sách phát triển bền vững ngành khai khoáng bằng văn bản pháp luật, theo ông Thành, cần vận dụng tối đa cơ chế thị trường cạnh tranh trong việc cấp phép quyền khai thác đi liền với sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tăng cường tiêu chuẩn trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành khai khoáng.

Nếu không có chính sách cụ thể, chủ mỏ bao giờ cũng khai thác quá mức, doanh nghiệp nước ngoài có khuynh hướng sang các nước đang phát triển để khai thác khoáng sản…

PGS.TS. Lưu Đức Hải, Chủ tịch hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), cho rằng ngoại ứng tiêu cực nhưng xác định như thế nào rất khó. Luật khoáng sản quy định về thuế và phí có thể điều tiết được, nhưng có nơi làm được, có nơi chưa làm được.

Hơn nữa, các loại ô nhiễm chưa được đưa vào tính toán và chi trả của doanh nghiệp, hay ảnh hưởng tới nguồn nước, cây trồng cũng vậy dù có thể hạch toán được.

Do đó, ông Hải đưa 3 đề xuất: phí bảo vệ môi trường chia thế nào để người trực tiếp chịu ảnh hưởng được hưởng; các thiệt hại được tính toán thế nào, ai tính toán, cơ chế nào cho sự tính toán này; cần minh bạch về dự án, trong tham vấn ý kiến bà con.

TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam nêu ý kiến, trong chi phí xã hội có chi phí tính được như thiệt hại, nhưng có chi phí không tính được như nổ mìn khiến dân không ngủ được, phát bệnh. Chi phí xã hội hiện nay chưa được đưa vào Luật nên ông rất ủng hộ việc đưa chi phí này vào luật để người dân chịu ảnh hưởng được hưởng.

Giá trị gia tăng kinh tế của doanh nghiệp rất rõ, nhưng giá trị gia tăng xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Khai thác nhưng môi trường phải tốt hơn cũ, hoặc ít nhất phải bằng cũ.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, Luật khoáng sản nên bỏ từ “hỗ trợ”, vì 1 nghìn hay 1 tỷ đồng cũng là hỗ trợ… mà cần có quy định cụ thể bằng luật.