13:51 21/03/2023

Công nghiệp khai khoáng: Cần hệ thống quản trị tốt hơn

Song Hà

Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản có lịch sử lâu đời, từng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên đóng góp của ngành vào GDP và lao động đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy việc quản trị tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều bất cập...

Công nghiệp khai khoáng đóng góp vào GDP có xu hướng giảm.
Công nghiệp khai khoáng đóng góp vào GDP có xu hướng giảm.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) vừa công bố kết quả nghiên cứu “Hướng tới một hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn - Cách tiếp cận kinh tế chính trị”. Kết quả cho thấy Việt Nam chỉ đáp ứng được 6/27 tiêu chí của quản trị tốt.

ĐÓNG GÓP VÀO GDP CÓ XU HƯỚNG GIẢM

Theo các số liệu năm 2022, nước ta có 5.000 mỏ và điểm quặng (900 mỏ đang khai thác), thuộc 48 loại khoáng sản khác nhau như: bauxit, đất hiếm, than, apatit, đá hoa trắng, titan-zircon, sắt, đồng, chì kẽm, mangan, cromit, antimon, kim loại hiếm…

Số lượng doanh nghiệp trong ngành khai khoáng tăng nhanh chóng, năm 2019 là 3.804 doanh nghiệp, tăng gần 850 doanh nghiệp so với năm 2011. Trong đó doanh nghiệp tư nhân 3.700 (97,2%), doanh nghiệp nhà nước 62 (1,84%), doanh nghiệp FDI 30 (0,96%).

Đặc biệt trong số này có 1.935 doanh nghiệp khai thác đá (50,87%); 873 doanh nghiệp khai thác cát sỏi (22,95%); 330 doanh nghiệp khai thác kim loại (8,68%); 181 doanh nghiệp khai thác than (4,76%), trong đó 60% là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, doanh thu phần lớn đến từ ngành than (62,6%). Doanh thu từ doanh nghiệp khai thác đá đứng thứ hai (18,5%).

Cũng theo số liệu năm 2019, ngành khai khoáng đóng góp 1.491,2 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, chỉ chiếm 0,61% tổng thu ngân sách từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp ngành khai thác than là 788,4 tỷ đồng (52,9%); doanh nghiệp ngành khai thác đá 394,9 tỷ đồng (26,5%) và doanh nghiệp khai thác đất sét 6,3 tỷ đồng (0,4%).

Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp khai khoáng là 5.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp khai thác đá có lợi nhuận cao nhất, 1.988,5 tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp có lợi nhuận 11 tỷ đồng. Doanh nghiệp khai thác than có lợi nhuận cao thứ hai, 1.860,5 tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp có lợi nhuận khoảng 5,64 tỷ đồng.

Về tổng giá trị và đóng góp vào GDP của ngành khai khoáng tại Việt Nam: giai đoạn 2005-2012 đóng góp 18,6 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 4,37% GDP) năm 2005, tăng lên hơn 77,5 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 5,14% GDP) năm 2012; giai đoạn 2012-2020 đóng góp có xu hướng giảm (73,1 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 2,49% GDP năm 2020).

Số lượng lao động ngành khai khoáng tại Việt Nam giai đoạn 2011-2018 có xu hướng giảm, đặt ra bài toán về giải quyết việc làm đối với những lao động không còn làm việc trong ngành khai khoáng.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và ngay tại Việt Nam thì vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn. Năm 2018, tổng số lao động là 173 nghìn người, giảm 100 nghìn lao động so với 2011. Ngược lại, thu nhập bình quân có xu hướng tăng, gấp 2 lần, từ chưa đến 3 triệu đồng/tháng năm 2011 lên 6,7 triệu đồng/tháng năm 2018.

TỒN TẠI BẤT CẬP TRONG QUẢN TRỊ

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Phạm Văn Long cho biết quản trị tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập. Kết quả đánh giá cho thấy Việt Nam chỉ đáp ứng được 6/27 tiêu chí của quản trị tốt; các tiêu chí đáp ứng đa số liên quan đến các quy định liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực khai khoáng.

Các thách thức đặt ra trong quá trình quản trị ngành công nghiệp khai thác tại Việt Nam chủ yếu liên quan đến các vấn đề về thể chế, chính sách, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình, công tác cấp phép khai thác, thu, quản lý và phân phối nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Cụ thể, vẫn còn nhiều hoạt động khoáng sản chưa được quy định trong Luật Khoáng sản, cùng với đó là luật này vẫn chưa đồng bộ với các luật khác. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm. Hệ thống chính sách, luật pháp chưa thật sự quan tâm đến phát triển các hoạt động khoáng sản phía hạ nguồn. Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan liên quan chưa tốt, một phần do tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực ở cấp cơ sở.

Về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, theo ông Long, tuy nhiều quy định về công khai đã được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng việc thực hiện còn chưa nghiêm túc. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của hoạt động khai khoáng đến cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mực. Tại một số địa phương, việc tham vấn người dân còn mang tính hình thức. Người dân thậm chí không biết đến sự tồn tại của “đánh giá tác động môi trường”.

Đáng quan ngại, pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định về xử phạt khi cơ quan, địa phương không công khai, hoặc chậm công khai thông tin. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu nghiêm túc trong công khai hồ sơ xin cấp phép thăm dò khoáng sản. Hầu hết các tiêu chí liên quan đến cấp giấy phép khai thác theo các nguyên tắc trong khung quản trị tài nguyên thiên nhiên đều chưa đạt tiêu chuẩn.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2023 phát hành ngày 20-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Công nghiệp khai khoáng: Cần hệ thống quản trị tốt hơn - Ảnh 1