15:39 27/10/2020

Hồi là xả, VN-Index thủng 950 điểm

Lan Ngọc

Diễn biến cực xấu của thị trường chứng khoán quốc tế đêm qua không ảnh hưởng gì lớn đến thị trường trong nước. Chính nhà đầu tư trong nước đã canh giá hồi để xả hàng, khiến đại đa số cổ phiếu bị dìm trong sắc đỏ

VN-Index hồi trong phiên không nhiều và lực xả xuất hiện về chiều giống hôm qua.
VN-Index hồi trong phiên không nhiều và lực xả xuất hiện về chiều giống hôm qua.

Diễn biến cực xấu của thị trường chứng khoán quốc tế đêm qua không ảnh hưởng gì lớn đến thị trường trong nước. Chính nhà đầu tư trong nước đã canh giá hồi để xả hàng, khiến đại đa số cổ phiếu bị dìm trong sắc đỏ.

Đêm qua S&P 500 giảm 1,86%, DJIA giảm 2,29% nhưng may mắn là sáng nay thị trường tương lai lại xanh nhẹ. Thị trường trong nước sau phiên bán đổ bán tháo bất ngờ đã cân bằng trở lại sáng nay và hầu như không không chịu ảnh hưởng gì từ diễn biến bên ngoài. Mức giảm sâu nhất trong buổi sáng của VN-Index cũng chỉ tới 948 điểm và phần lớn thời gian còn lại chỉ số này giữ vững ngưỡng 950 điểm, cũng là mức thấp nhất của ngày hôm qua.

Thực tế đã xuất hiện những nỗ lực bắt đáy mới và khoảng 30 phút cuối phiên sáng thị trường đã phục hồi nhẹ. VN-Index lên cao nhất 954,72 điểm, tăng 0,41% so với tham chiếu. Sau các phiên lao dốc bất ngờ, khả năng phục hồi rất hay xảy ra. Tuy vậy các nhà đầu tư cầm cổ lại coi đây là cơ hội để thoát hàng giá tốt.

Thị trường lại có một đợt bán rất mạnh nữa trong buổi chiều và kéo dài tới hết phiên. VN-Index đóng cửa sát giá thấp nhất ngày và giảm 0,46% so với tham chiếu. Mặc dù chỉ số giảm tương đối nhẹ, nhưng cũng đã để mất mốc 950 điểm, chỉ còn 946,47 điểm. Đặc biệt HSX có tới 317 cổ phiếu giảm giá, chỉ 103 mã tăng. Trong số giảm thì 150 mã giảm trên 1%, khoảng 90 mã giảm trên 2%. Như thế thị trường đã gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, bất chấp chỉ số giảm không đáng kể.

Nhóm blue-chips thiệt hại tương đối ít, VN30-Index đóng cửa giảm 0,45% với 7 mã tăng/16 mã giảm. May mắn nhất là nhóm trụ chỉ có VHM giảm 1,15%, VNM giảm 0,81% và BID giảm 0,73% là đáng kể. GAS, VCB vẫn tham chiếu, SAB kịp tăng 1 bước giá lúc đóng cửa.

Những mã vẫn còn đỡ VN-Index là VIC tăng 0,57%, HPG tăng 1,95%, CTG tăng 0,82%. Trong các mã tâm điểm kéo chỉ số lẫn thanh khoản gần đây, duy nhất HPG là mạnh mẽ rõ ràng. HPG giao dịch tới gần 25,3 triệu cổ tương đương giá trị 787,2 tỷ đồng và mức đóng cửa tiếp tục lập đỉnh cao lịch sử mới ở 31.400 đồng, dù so với mức cao nhất hôm qua thì vẫn thấp hơn (32.000 đồng).

Hồi là xả, VN-Index thủng 950 điểm - Ảnh 1.

HPG đóng cửa ở đỉnh lịch sử mới, dù chưa đạt tới mức cao nhất trong phiên hôm qua.

MSN và TCB phải hứng chịu lực xả rất cao và giá không thể duy trì đà tăng được. MSN giảm suốt thời gian giao dịch và chỉ đến lúc đóng cửa mới được kéo trở lại tham chiếu. TCB được nâng đỡ trong phiên nhưng kết thúc lại bị xả quá nhiều đợt ATC tới gần 1,6 triệu cổ, khiến giá giảm 0,21%. HDB giảm 1,8%, MBB giảm 2,72%, STB giảm 5,67%, FPT giảm 1,33%, PLX giảm 1,2%, POW giảm 1,8%, SBT giảm 3,67%, SSI giảm 2,27%, VRE giảm 2,7% là các blue-chips rất yếu. Cũng may là các cổ phiếu này ít tác động tới VN-Index.

Thiệt hại lớn thuộc về các cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ. Chỉ số Midcap đóng cửa giảm 0,96%, Smallcap giảm 1,07%. Tuy không có hiện tượng sàn hàng loạt nhưng mức giảm cực mạnh với thanh khoản lớn xuất hiện tại rất nhiều mã. Nhóm này trong thời gian VN-Index tăng lên 970 điểm thì giá tăng không bao nhiêu, nhưng khi quay đầu lại rơi 2-5% mỗi ngày là bình thường.

Mức giảm của VN-Index so với đỉnh trong phiên chỉ khoảng 0,86%, VN30-Index giảm 1,19% nhưng cổ phiếu thì tạo bull-trap lớn hơn rất nhiều. Riêng rổ VN30 có 11 cổ phiếu giảm so với đỉnh từ 2% trở lên. Biên độ dao động như vậy là rất rộng một ngày và các nhà đầu tư hưng phấn bắt đáy chịu thiệt hại khá lớn.

Hiện tượng xả hàng buổi chiều sau khi cuối phiên sáng có một nhịp phục hồi tốt và thị trường quốc tế không có diễn biến xấu hơn thể hiện tâm lý muốn thoát khỏi thị trường đã tăng lên. Hoạt động xả hàng được canh ở thời điểm thị trường phục hồi khỏe nhất phiên và kéo dài liên tục. Giá trị khớp lệnh hai sàn cả ngày lên tới gần 8.313 tỷ đồng và khoảng 1.211 tỷ đồng thỏa thuận. Liên tục 3 phiên giá trị khớp lệnh đều vượt 8.000 tỷ đồng thể hiện khối lượng cổ phiếu muốn bán đi rất nhiều.

Thị trường đơn thuần có khối lượng cổ phiếu tích lũy chiều tăng giá quá lớn nên áp lực chốt lời cần nhiều phiên để có thể hấp thụ được. Các thông tin hỗ trợ ngày một ít đi trong bối cảnh thị trường có nhịp tăng kéo dài nhất lịch sử mà chưa hề có nhịp điều chỉnh xen kẽ nào quá 2%.