Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách
Thủ tướng chỉ rõ, làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách để người dân hiểu, tự giác tham gia xây dựng chính sách, thực hiện chính sách, hưởng thụ các chính sách và phản hồi để phát huy hoặc hoàn thiện chính sách...
Chiều 24/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách, với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”.
Cùng dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành; lãnh đạo các cơ quan Thông tấn, báo chí chủ lực quốc gia. Dự hội nghị tại các điểm cầu 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan báo chí của địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước luôn xác định “dân là gốc”; người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển; mọi chính sách, pháp luật đều hướng tới người dân; cùng với đó khuyến khích, tạo điều kiện để người dân cũng tham gia, trong đó công tác truyền thông.
Thủ tướng chỉ rõ, làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách để người dân hiểu, tự giác tham gia xây dựng chính sách, thực hiện chính sách, được thụ hưởng các chính sách và phản hồi để phát huy hoặc hoàn thiện chính sách...
Hội nghị nhằm rà soát lại những kết quả, hạn chế, nguyên nhân, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của công tác truyền thông chính sách; trong cả nội dung, hình thức, biện pháp, tổ chức bộ máy, nguồn lực, kiểm tra, giám sát... trong công tác truyền thông chính sách. Qua đó góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết công tác truyền thông chính sách thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã chủ động, tích cực tham gia quán triệt, phổ biến hiệu quả, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện.
Công tác truyền thông chính sách được đặt ở vị trí quan trọng trong chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương; được coi là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường giám sát và nâng cao hiệu quả việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Công tác này cũng đã được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, qua đó đã công khai, minh bạch các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”; Đã tạo được sự đồng thuận xã hội, góp phần đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, trở thành nguồn lực to lớn.
Đồng thời theo hướng đi trước một bước, tạo nhận thức và đồng thuận xã hội, bảo đảm tương tác hai chiều trên cơ sở nắm bắt quy luật, nhu cầu, thói quen, tâm lý của các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; Đã có một số cách làm sáng tạo, đột phá, hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, tăng cường thông tin chính thống kịp thời, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, góp phần ổn định xã hội, tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Điển hình là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, phòng, chống tham nhũng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại...
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, phương thức truyền thông mới để điều tiết, định hướng thông tin, dư luận...
Bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế của công tác truyền thông chính sách như: một số bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng, đầu tư đúng mức công tác truyền thông chính sách. Nội dung và hình thức truyền thông còn đơn giản, nhìn chung mới một chiều, thậm chí có lúc, có nơi còn mang tính áp đặt, thiếu sáng tạo.
Một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động trong việc cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện truyền thông với các cơ quan báo chí, thậm chí có tình trạng né tránh khi được yêu cầu cung cấp thông tin…
Tính tương tác hai chiều trong truyền thông chính sách còn hạn chế, nhất là việc lấy ý kiến của người dân và các đối tượng chịu ảnh hưởng trước khi ban hành chính sách.
Một số chủ trương chính sách chưa được truyền thông chủ động, kịp thời; người dân bị tác động, dẫn dắt bởi thông tin không chính thống. Một số vụ việc, vấn đề do lúng túng, thiếu chủ động xử lý dẫn đến “khủng hoảng truyền thông”.
Hoạt động truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội từ sớm, từ xa, ngay từ khâu lập đề nghị và soạn thảo, ban hành, triển khai chính sách văn bản quy phạm pháp luật nhưng thực hiện chưa được khoa học, đồng bộ, nhất quán, bài bản, hiệu quả.
Một số chủ trương, chính sách khi tuyên truyền còn khô cứng, máy móc, chưa đến được với người dân một cách gần gũi, dễ nghe, dễ hiểu. Các sản phẩm truyền thông nhiều khi chưa phù hợp, chưa đa dạng về hình thức thể hiện đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội một cách đa chiều.
Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông còn chưa chú trọng xây dựng các chuyên mục, chiến dịch truyền thông, đưa tin vào khung giờ thu hút khán, thính giả, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền thông về chính sách....
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ có các tham luận nhằm thúc đẩy truyền thông chính sách đạt hiệu quả; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có kết luận hội nghị.