12:19 27/03/2023

Hội thảo Khoa học kinh tế toàn quốc lần thứ nhất: Những tham mưu tâm huyết góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững

Nguyễn Hồng Sáng*

Hội thảo Khoa học kinh tế toàn quốc lần thứ nhất, năm 2023 vừa tổ chức thành công tại TP. Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 60 nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp...

Hội thảo Khoa học kinh tế toàn quốc lần thứ nhất nhận được gần 100 tham luận, công trình nghiên cứu tâm huyết, công phu, có tính khả thi của các nhà kinh tế, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về kinh tế, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp.
Hội thảo Khoa học kinh tế toàn quốc lần thứ nhất nhận được gần 100 tham luận, công trình nghiên cứu tâm huyết, công phu, có tính khả thi của các nhà kinh tế, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về kinh tế, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các nhà lý luận kinh tế chủ chốt cả nước đã tập trung thảo luận, củng cố những luận cứ khoa học mang tính khả thi và hiệu quả cho các định hướng, giải pháp, chương trình hành động phát triển Việt Nam thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới đang thay đổi nhanh chóng.

Hội thảo Khoa học kinh tế toàn quốc lần thứ nhất nhận được gần 100 tham luận, công trình nghiên cứu tâm huyết, công phu, có tính khả thi của các nhà kinh tế, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về kinh tế, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, trong đó có 30 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo, đề cập tập trung vào các nội dung, như: Bối cảnh quốc tế mới và các vấn đề năm 2023 liên quan doanh nghiệp, rào cản, khó khăn; các vấn đề thể chế, cải cách doanh nghiệp, cải cách tài chính; các khu vực kinh tế, xuất nhập khẩu và đổi mới sáng tạo; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững-an sinh xã hội; an ninh lương thực; sản xuất nông nghiệp sạch, hướng đến xuất khẩu; vấn đề “chuyển đổi xanh”, “chuyển đổi số”; kinh nghiệm hồi phục kinh tế của các địa phương, doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19....

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN BA KHÂU ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC  

Đánh giá bức tranh chung về tình hình kinh tế đất nước những năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19 cho thấy, kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế Việt Nam đạt bước tiến nhanh, đạt được mức tăng trưởng GDP cao hàng đầu khu vực và thế giới. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 xếp Việt Nam trong nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Đây là một trong những thành công mang dấu ấn đậm nét của điều hành kinh tế vĩ mô trong nhiệm kỳ qua.

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội KHKT Việt Nam:  "Các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện đúng và sáng tạo, dựa trên đổi mới tư duy kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, bảo vệ lợi ích quốc gia lâu dài theo chủ trương, đường lối của Đảng".
GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội KHKT Việt Nam:  "Các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện đúng và sáng tạo, dựa trên đổi mới tư duy kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, bảo vệ lợi ích quốc gia lâu dài theo chủ trương, đường lối của Đảng".

Đặc biệt năm 2022, Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Điểm sáng nổi bật là GDP năm 2022 ước tính tăng 8,02%, đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 do nền kinh tế đã khôi phục trở lại....

Tuy nhiên, bước vào năm 2023, bên cạnh những tín hiệu tích cực, bức tranh kinh tế hết tháng 2/2023 vẫn còn loạt thách thức cần phải sớm hóa giải, như: chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước…

Trao đổi, bàn luận tại hội thảo, một mặt các nhà khoa học đánh giá cao những chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số; thu hút đầu tư nước ngoài; bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội... mặt khác cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại về thể chế, chính sách, những rào cản trong phát triển kinh tế chưa được tháo gỡ....

Đặc biệt, để thực hiện thắng lợi ba đột phá chiến lược (hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng) mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, theo GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện đúng và sáng tạo, dựa trên đổi mới tư duy kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, bảo vệ lợi ích quốc gia lâu dài theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Cùng với đó, Quốc hội cần có chương trình xây dựng pháp luật một cách đồng bộ, hệ thống, không chỉ căn cứ đề xuất riêng lẻ của các ban ngành. Đồng thời, tích cực đổi mới hệ thống quản trị quốc gia, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp; khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung của đất nước.

Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế (TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Trường đại học Kinh tế Quốc dân;  PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Trần Thị Hoa Thơm, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất: Trong quá trình phát triển, khu vực kinh tế nhà nước phải là nền móng vững chắc, khu vực kinh tế tư nhân, nhất là tư nhân trong nước, phải vươn lên mạnh mẽ, trở thành nhân tố phát triển quan trọng với các mũi đột phá trong mạng lưới cung ứng toàn cầu...

Các nhà khoa học cũng cho rằng để tạo xung lực mới cho sự phát triển chung, góp phần thực hiện thắng lợi ba khâu đột phá theo chương trình, kế hoạch đã xác định, cần sự huy động nguồn quỹ đa dạng, phong phú, cả vốn nhà nước, vốn địa phương, vốn doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, nguồn quốc tế, nhưng phải bảo vệ được lợi ích lâu dài của đất nước, doanh nghiệp và người dân.

TẠO ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN 

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng cho đến nay, qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhiều thành tích phát triển kinh tế của Việt Nam rất đáng ghi nhận, dư luận quốc tế đánh gia cao, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Để duy trì triển vọng đó, cần phải nhận diện một cách đúng đắn thực trạng còn tồn tại, chỉ rõ những yếu kém, điểm nghẽn của nền kinh tế trong tiến trình phát triển.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam hiện có một số tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, trong đó các tập đoàn kinh tế nhà nước đóng vai trò “chủ đạo”. Song thực tế cho thấy, nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí không nhỏ nguồn lực quốc gia, thậm chí, đang phải vật lộn để “trụ hạng”. Trong khi đó, môi trường kinh doanh chưa bình đẳng, với nhiều rào cản về thể chế, khiến doanh nghiệp tư nhân, nhất là các tập đoàn tư nhân lớn gặp nhiều bất lợi. Kết cục là nền kinh tế thị trường Việt Nam vẫn thiếu các trụ cột đích thực.

Nguyên nhân của thực trạng này là do Nhà nước chậm thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực - “ngược nguyên lý thị trường” - theo nguyên tắc chọn người thắng, thay vì nguyên tắc khuyến khích người làm tốt. Các chủ thể kinh tế yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang bị bỏ lại phía sau, thậm chí loại ra khỏi cuộc chơi dựa trên nguyên tắc xin-cho.

Các đại biểu tham dự hội thảo Khoa học kinh tế toàn quốc lần thứ nhất của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo Khoa học kinh tế toàn quốc lần thứ nhất của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

Để giải quyết bài toán này, các nhà khoa học đề xuất Nhà nước cần xây dựng nền kinh tế, với các chủ thể “khác biệt về chức năng, bình đẳng về tư cách, được tự do kinh doanh” trên nền tảng sở hữu mới, trong đó, sở hữu trí tuệ (bao gồm sở hữu công nghệ) đóng vai trò quyết định, được vận hành trong môi trường công khai, minh bạch. Không được phép duy trì một môi trường kinh doanh phân biệt đối xử các thành phần kinh tế hay do “quan hệ thân hữu”. Hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế phải bảo vệ quyền tự do kinh doanh và nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các chủ thể thị trường.

Bàn luận về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, không khỏi trăn trở: “Trong Báo cáo chính trị Đại Hội XIII, xác định: Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế”.

Tuy nhiên những năm qua, không ít địa phương có chủ trương ưu tiên, ưu đãi đầu tư nước ngoài nhiều hơn phát triển các doanh nghiệp dân tộc; miễn giảm thuế, tạo mặt bằng đất đai thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài... Hệ quả là, tạo nên sự bất bình đẳng với doanh nghiệp nội địa.

Do đó, Đảng, Nhà nước cần đánh giá nghiêm túc, khách quan về thành tích xuất, nhập khẩu trong những năm gần đây khi sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa còn khiêm tốn, có nguy cơ dẫn đến nền kinh tế “gia công”. Đồng thời, cần có khung pháp luật phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, để yếu tố nội lực quyết định sự phát triển của đất nước trong thời đại hội nhập.

Tham luận tại hội thảo, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, dẫn chứng: “Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rõ đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao, năm 2045 là nước có mức thu nhập cao với tỷ lệ tầng lớp trung lưu cao tuyệt đối, gắn liền với hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững, bảo đảm công bằng, thúc đẩy hội nhập xã hội và đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân”.

Theo GS.TS. Ngô Thắng Lợi, mặc dù còn có những biểu hiện yếu kém nhưng trong thời gian qua, đã có những dấu hiệu của sự dẫn dắt nền kinh tế phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam.  Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân (điển hình trong đó là: Sun Group, Vingroup, Thaco, Masan, FPT…) không chỉ dẫn đầu ở các lĩnh vực hoạt động trong nước, mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới.

ĐƯA NÔNG NGHIỆP VƯƠN TẦM THẾ GIỚI 

Kinh tế tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, cần thiết phải đưa ra bộ tiêu chí đánh giá phát triển khu vực kinh tế tư nhân, làm cơ sở để có những giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển tương xứng với vị trí của mình trong nền kinh tế. Bộ tiêu chí đánh giá phát triển kinh tế tư nhân hướng đến 2 góc độ chính là đánh giá bản thân kinh tế tư nhân phát triển đến mức nào và khía cạnh chính sách cho phát triển khu vực này.

Việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hướng tới xuất khẩu đến các thị trường khó tính được nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự hội thảo quan tâm, tích cực thảo luận. Để có sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, theo các nhà khoa học, cùng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thì quy trình sản xuất, chế biến đóng vai trò hết sức quan trọng.

Do đó, theo các nhà khoa học, cần đẩy mạnh phát triển trồng trọt theo hướng nông nghiệp thông minh, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa và chất lượng sản phẩm ngày càng cao.

Theo ông Cà Văn Chiu, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế tỉnh Sơn La và TS. Lê Thị Xuân Liên, Hội Khoa học Kinh tế tỉnh Quảng Trị, các địa phương cần phát huy lợi thế vùng miền theo hướng chuyên canh, an toàn bền vững, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, ứng dụng nhanh thành tựu khoa học công nghệ cao, công nghệ mới về giống, công nghệ sinh học, canh tác và thu hoạch, phấn đấu mỗi địa phương đều có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần vào thành quả chung của ngành nông nghiệp Việt Nam, hướng đến xuất khẩu.

———————————————

(*)Thiếu tá Nhà báo, Thạc sĩ, Báo Quân đội nhân dân.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2023 phát hành ngày 27-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hội thảo Khoa học kinh tế toàn quốc lần thứ nhất: Những tham mưu tâm huyết góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 1