Hollywood sắp mở cửa bảo tàng vinh danh điện ảnh lớn nhất khu vực Bắc Mỹ
Thiết kế bảo tàng là kiến trúc sư nổi tiếng Renzo Piano, với nguồn kinh phí tài trợ lên đến 390 triệu USD từ các doanh nghiệp Hollywood bao gồm Disney, Warner và Netflix…
Sau thời gian dài trì hoãn vì dịch bệnh, vào tuần tới, bảo tàng hàn lâm điện ảnh sẽ chính thức mở cửa, là bảo tàng vinh danh điện ảnh lớn nhất khu vực Bắc Mỹ và sẽ do Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ điều hành.
Phát biểu trong sự kiện đặc biệt ngày 21/9 chuẩn bị cho lễ khai trương bảo tàng vào tuần tới, chủ nhân 2 giải Oscar danh giá, tài tử gạo cội Tom Hanks nhấn mạnh việc thành lập bảo tàng đầu tiên dành cho màn bạc tại Los Angeles có ý nghĩa lớn với thành phố, nơi tọa lạc kinh đô Hollywood.
Tom Hanks là thành viên Hội đồng quản trị của bảo tàng điện ảnh này, anh đã phát biểu trong một buổi tham quan trước bảo tàng với truyền thông: “Phim ảnh tiếp tục là nghệ thuật kỳ diệu, có thể trò chuyện với mọi người ở khắp nơi. Bảo tàng điện ảnh mới ở Los Angeles là nơi tôn vinh nghệ thuật”.
Bảo tàng nằm trong khuôn viên rộng 28.000 m2, bao gồm hai tòa nhà được nối với nhau bằng những cây cầu kính. Hai rạp chiếu phim được đặt bên trong. KTS Piano đã cải tạo khu bách hóa thương mại để làm nơi trưng bày những tác phẩm chính. Ở sân trước, kiến trúc sư tài ba khéo léo bố trí một khối hình cầu mô phỏng rạp chiếu phim David Geffen đang bay lơ lửng, gợi nhắc những hình ảnh trong loạt phim "Chiến tranh giữa các vì sao". Ông gọi chi tiết này là "khí cầu Zeppelin dẫn đến một thế giới khác".
Những hiện vật trưng bày tại bảo tàng mang đến cái nhìn tổng quan về điện ảnh thế giới xuyên suốt một thế kỷ. Một vài hiện vật đặc sắc có thể kể đến như trang phục ma ca rồng Dracula của nhà văn Bram Stoker, nhân vật chiến binh trong Chúa tể những chiếc nhẫn, người lưỡng sinh trong Hình hài của nước, robot C-3PO và R2-D2 trong Chiến tranh giữa các vì sao, hay xe trượt tuyết Rosebud trong phim Công dân Kane, tác phẩm phim thường xuyên được bình chọn là hay nhất mọi thời đại.
Bên cạnh đó, khu vực triển lãm cũng đang trưng bày các tác phẩm của đạo diễn hoạt hình Nhật Bản Hayao Miyazaki, với chi tiết "đường hầm ống cây" lấy cảm hứng từ tác phẩm Totoro, dẫn du khách đến với những thiết kế lâu đài bay và nhân vật Ghibli.
Các phòng trưng bày khác sẽ tôn vinh các kiệt tác thủ công từ khâu dựng phim, chỉ đạo diễn xuất, làm tóc và trang điểm. Các thiết kế trang phục mang tính biểu tượng như bộ trang phục lấy cảm hứng từ châu Phi được Danai Gurira mặc trong bộ phim siêu anh hùng Black Panther năm 2018... cũng sẽ được trang trọng lưu giữ trong một không gian riêng.
Giám đốc bảo tàng Bill Kramer khẳng định các triển lãm tại bảo tàng sẽ mang đến cho du khách những câu chuyện đa dạng từ khắp các nền điện ảnh trên thế giới. Sau buổi khai trương với sự tham dự của các sao Hollywood vào 25/9 tới, bảo tàng sẽ chính thức mở cửa đón khách từ ngày 30/9.
Trước đó, bản vẽ thiết kế công trình của bảo tàng được chính thức công bố vào tháng 06/2016, thay thế một đề xuất thất bại về một bảo tàng ở trung tâm Hollywood của kiến trúc sư người Pháp - Christian de Portzamparc thực hiện năm 1964 với vị trí xây dựng tại Đại lộ Wilshire và Fairfax Đại lộ, trong khuôn viên của Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles (LACMA), gần sát tòa nhà Công ty Wiltshire May hiện đại. Kiến trúc sư tài danh Renzo Piano thừa nhận đã bị lôi cuốn bởi ý tưởng tạo ra một bảo tàng về nghệ thuật điện ảnh ở đúng nơi khai sinh ra điện ảnh.
Kiến trúc sư Renzo Piano cho biết: “Bởi vì điện ảnh là cách đưa bạn đến một thế giới khác. Kiến trúc hiện đại tối giản bao gồm việc lược bỏ các vật trang trí của Art Deco sẽ giúp thể hiện sức mạnh và phương tiện truyền tải thông tin về môn nghệ thuật thứ 7. Những gì chúng tôi đã thiết kế với nhà hát và mái vòm kính lớn là về cùng một điều - đó là cảm giác trôi nổi bồng bềnh, sự lãnh mạn và bay bổng bất tận không có giới hạn".
Đặt tại thành phố Los Angeles, Bảo tàng Điện ảnh của AMPAS được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết "những tồn tại lịch sử" của giải Oscar - giải thưởng thường niên do AMPAS sáng lập, từ vấn đề phân biệt chủng tộc liên quan tác phẩm kinh điển Gone With The Wind (Cuốn theo chiều gió) cho đến những lời chỉ trích #OscarsSoWhite (thiên vị người da trắng) hay sự thiệt thòi của các đạo diễn nữ.