Hơn 1.100 tỷ đồng đầu tư mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành
Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55,7 km; trong đó đoạn TP.HCM – Long Thành qua quốc lộ 51 dài 23,5 km. Đoạn này vừa được kiến nghị giao Uỷ ban nhân dân TP.HCM đầu tư mở rộng đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú tới đường Vành đai 2 do đây là đường trong đô thị, thuộc thẩm quyền quản lý của TP.HCM...
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã xây dựng phương án mở rộng đoạn cao tốc này đoạn từ sau nút giao An Phú tới nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và nêu kiến nghị như trên.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, đoạn đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 dài hơn 3,7 km. Để đồng bộ với nút giao An Phú đã khởi công từ cuối năm 2022, cùng lúc với dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang triển khai, đường dẫn cần mở rộng lên 8 làn xe với chiều rộng nền đường 36 m.
Tổng mức đầu tư mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc này dự kiến khoảng 1.123,9 tỷ đồng. Về phương thức đầu tư, VEC cho biết, đường dẫn cao tốc đang thuộc thẩm quyền quản lý của TP.HCM và Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản thống nhất theo đề xuất của VEC kiến nghị giao Uỷ ban nhân dân TP.HCM thực hiện.
Phạm vi mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 21,92 km, từ km 4 đến km 25+920 tại nút giao đường Vành đai 2 TP.HCM đến nút giao với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Cụ thể, đoạn từ nút giao đường Vành đai 2 đến nút giao đường Vành đai 3 (km 4 đến km 8+770) sẽ mở rộng từ 4 lên 8 làn xe; đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (km 8+770 đến km 25+920) sẽ mở rộng từ 4 lên 10 làn xe theo quy hoạch.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc sử dụng ngân sách thành phố để triển khai dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là phù hợp. Hiện đoạn đường dẫn TP.HCM đã giải phóng mặt bằng theo hành lang rộng 116 m, bao gồm cả tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành.
Về tiến độ triển khai, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, trong năm 2023 sẽ lập và phê duyệt chủ trương đầu tư; bắt đầu thi công từ quý II/2025. Dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2027.
Dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được khởi công xây dựng vào ngày 03/10/2009 với quy mô 4 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 997,67 triệu USD (tương đương 20.630 tỷ đồng). Dự án được sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2016 và là tuyến cao tốc thứ hai ở các tỉnh phía Nam, sau tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2009. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, tuyến cao tốc này đã trở nên quá tải và tình trạng kẹt xe, ùn ứ liên tục xảy ra, nhất là các dịp cuối tuần, ngày lễ, tết…
Trước tình hình này, việc mở rộng tuyến cao tốc (giai đoạn 2) được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết và VEC được đề nghị chủ động nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị.
Tháng 01/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó đề nghị VEC chủ động nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cấp có thẩm quyền theo quy định.