17:30 18/10/2021

Hơn 36,28 triệu tỷ đồng được giao dịch qua Internet và di động trong 9 tháng

Gian lận thanh toán ngày càng tinh vi nên các ngân hàng muốn sớm tiếp cận dữ liệu dân cư quốc gia từ Bộ Công an để phòng tránh rủi ro...

Tại một báo cáo chuyên đề mới đây của Chính phủ, thanh toán không tiền mặt tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2020, kênh Internet đạt 435,25 triệu giao dịch với giá trị 22,78 triệu tỷ đồng; tăng tương ứng 54,1% về số lượng và 30,7% về giá trị; kênh điện thoại di động đạt tới 1.193,9 triệu giao dịch với giá trị hơn 13,5 triệu tỷ đồng; tăng tương ứng 74,98% về số lượng và 93,69% về giá trị. 

 

"Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ Tòa án, Bộ Y tế,...; đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội."

(Cảnh báo khách hàng của VPBank)

Cũng trong báo cáo trên, Chính phủ nhìn nhận, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công tại Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, được cải thiện đáng kể cả về quy mô, chất lượng thanh toán.

Hiện có hơn 90% giao dịch nộp thuế của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện qua ngân hàng; người dân đã có thể thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với tiền điện trên phạm vi cả nước; 42% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có triển khai thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 42% số người hưởng và 39% số tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trong toàn quốc chi trả qua tài khoản cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh diễn biến bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động gian lận thanh toán trong thời gian qua cũng ngày càng phức tạp, diễn ra trên phạm vi cả nước. Thể hiện rõ nhất là việc các ngân hàng thương mại đồng loạt phát đi cảnh báo đến khách hàng.

Gần nhất, trước hành vi giả mạo và yêu cầu khách cung cấp thông tin để được hoàn tiền trên nền tảng mua sắm trực tuyến, phía ngân hàng VPBank cũng đã gửi cảnh báo khách hàng. 

Tương tự, nhiều khách hàng của Vietcombank nhận được email từ địa chỉ vietcombank.uudai7@gmail.com với nội dung "VCB xin gửi đến khách hàng gói hỗ trợ Covid là 800.000 đồng. Quý khách truy cập vào link bên dưới để nhận gói hỗ trợ".

 

Các ngân hàng kiến nghị Bộ Công an cho phép tiếp cận cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia nhằm tận dụng sức mạnh của hạ tầng kỹ thuật. Các hoạt động thanh toán hiện nay đều được xây dựng dựa trên mức xác thực rủi ro. Đối với các giao dịch thanh toán ít thì xác thực ít hơn, còn với giao dịch thanh toán có giá trị cao thì áp dụng các bước xác thực chặt chẽ hơn.

Song đại diện Vietcombank cho biết những email gửi tới người dùng là giả, không phải của ngân hàng. Để đảm bảo an toàn thông tin tài khoản, Vietcombank khuyến cáo người dùng không truy cập vào đường dẫn các diễn đàn, website mạo danh ngân hàng. Đồng thời, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thẻ hoặc bất kỳ thông tin nào khác cho các trang web này.

Chia sẻ tại tọa đàm về hoạt động thanh toán được tổ chức cuối tuần trước, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Chi hội thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, bất chấp việc các tổ chức tín dụng đã cập nhật liên tục công nghệ bảo mật mới, gian lận trong hoạt động thanh toán vẫn diễn ra ngày càng táo bạo tinh vi. Trong đó, có 3 loại hình gian lận thanh toán thẻ chủ yếu.

Thứ nhất, tội phạm chiếm đoạt thông tin thẻ của khách hàng, sau đó sử dụng thông tin đã chiếm đoạt được để thực hiện các giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ, chiếm đoạt tiền của chủ thẻ.

Thứ hai, loại hình thanh toán khống tại các đơn vị chấp nhận thẻ, các giao dịch được thực hiện theo thỏa thuận để lấy tiền mặt, thực chất giữa chủ thẻ và đơn vị chấp nhận thẻ không phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa/dịch vụ.

Thứ ba, các loại hình gian lận, giả mạo khác như giao dịch gian lận trên môi trường internet, đơn vị chấp nhận thanh toán hoạt động trái phép, các cuộc tấn công bằng công nghệ, đối với giao dịch phát sinh bằng thẻ giả tại ATM và các Đơn vị chấp nhận thẻ, giao dịch thanh toán qua Samsungpay…

Nhìn nhận về biện pháp hạn chế rủi ro trong lĩnh vực thanh toán, đại diện các ngân hàng đều cho rằng, để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán cần sự phối hợp giữa nhiều bên liên quan và không nên cực đoan triệt tiêu mọi sự trải nghiệm của khách hàng

 

Thanh toán nội địa qua kênh Internet là việc khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán nội địa qua Internet như là kênh cung ứng dịch vụ của tổ chức tín dụng báo cáo và tổ chức khác, bao gồm các giao dịch được thực hiện bằng việc truy cập Internet trên điện thoại di động.

Thanh toán nội địa qua kênh thanh toán qua di động (Mobile Banking) là việc khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán nội địa bằng các ứng dụng riêng trên điện thoại di động như là kênh cung ứng dịch vụ của tổ chức tín dụng báo cáo và tổ chức khác (không bao gồm các giao dịch được thực hiện bằng việc truy cập Internet trên điện thoại di động).